Đánh giá các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường đã thực hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học công nghiệp dệt may hà nội (Trang 65 - 71)

thực hiện trong thời gian qua

4.1.1.1. Giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào

Trong những năm qua, để quảng bá thương hiệu trường và mở rộng nguồn tuyển sinh từ đó nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, trường đã thực hiện giải pháp truyền thông như sau:

+ Xây dựng kế hoạch truyền thông xuyên suốt trong năm: Kế hoạch truyền thông 2016 được xây dựng dựa trên việc phân tích số liệu, đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm năm 2015 và định hướng tự chủ tuyển sinh. Tiếp cận với mỗi trường THPT một năm từ một đến hai lượt thông qua các buổi họp phụ huynh, chào cờ đầu tuần và trong tuần thông qua hình thức giới thiệu và phát tờ rơi, treo băng rôn thông tin tuyển sinh của trường... sau đó thu thập thông tin của phụ huynh học sinh, học sinh để gửi các thông tin tuyển sinh của trường khi vào kỳ tuyển sinh.

+ Đăng các thông tin tuyển sinh của trường trên truyền hình, các website như: Dân trí, vietnamnet... và trên trang Facebook của trường THPT. Thiết lập trang tư vấn tuyển sinh, đăng ký tuyển sinh trực tuyến trên website của Trường.

+ Tư vấn trực tiếp tại các trường THPT vào các ngày trả giấy báo điểm cho thí sinh, có thể nhận hồ sơ và cấp giấy báo nhập học ngay nếu thí sinh đủ điểm theo tiêu chuẩn.

+ Hàng năm trường có tổ chức các hội nghị Hiệu trưởng các trường THPT, tại hội nghị có thể cung cấp thông tin về ngành, về trường cho Hiệu trưởng các trường THPT, tăng cường gắn kết với các trường THPT. Từ đó các trường THPT có thể phối hợp với trường trong công tác hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 12.

Kết quả đã tư vấn tại 9 tỉnh với 432 trường THPT, trong đó tư vấn trực tiếp tại 130 trường (chiếm 30%); tư vấn trực tiếp cho phụ huynh tại 9 trường ở Bắc Giang, Hưng Yên (Báo cáo tổng kết năm học, 2016); Kết quả tuyển sinh năm

2016 vượt chỉ tiêu đề ra, chất lượng nguồn tuyển đầu vào được nâng lên (ngành Công nghệ may), hoàn thành việc tuyển sinh trước thời hạn dự kiến.

Đánh giá việc thực hiện giải pháp:

a. Ưu điểm

Tuyên truyền tuyển sinh được thực hiện khá bài bản, xuyên suốt trong năm, kết hợp nhiều hình thức như: trực tiếp, gián tiếp, băng rôn, tờ rơi, báo điện tử, marketing online..., tăng cường tiếp cận trực tiếp với người học.

Trường đã thành lập phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp chuyên trách công tác tuyển sinh, marketing, quan hệ công chúng (viết báo, tổ chức sự kiện, xây dựng thương hiệu…)

Công tác quản trị mạng nội bộ thông suốt, Website thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung phong phú, cập nhật kịp thời các thông tin về ngành, về trường lôi cuốn người đọc, đáp ứng yêu cầu quảng bá hình ảnh Trường.

b. Điểm yếu

Tuy nhiên việc thực hiện kế hoạch truyền thông chủ yếu chỉ là nhân viên của phòng Đào tạo nên còn hạn chế trong việc mở rộng địa bàn truyền thông. Để đẩy mạnh công tác truyền thông tuyển sinh của trường cần có sự tham gia, hỗ trợ về phía các khoa, trung tâm, đoàn thanh niên... để hoạt động được chuyên nghiệp và quy mô hơn. Trong thời gian tới trường cần đẩy mạnh, phát triển công tác marketing, quan hệ công chúng để quảng bá hình ảnh của trường

Nguồn kinh phí chi cho công tác tuyên truyền tuyển sinh còn hạn chế, chế độ cho CBCNV thực hiện chưa thỏa đáng nên chưa động viên khuyến khích được tinh thần cho người thực hiện nhiệm vụ.

Công tác truyền thông chủ yếu dựa vào kinh nghiệm qua các năm và học tập các trường khác, chuyên viên phòng Tuyển sinh từ phòng Đào tạo chuyển sang vì vậy trường cần tuyển thêm chuyên viên có chuyên ngành Marketing để phòng Tuyển sinh hoạt động được chuyên nghiệp hơn, tăng cường quan hệ với các trường cao đẳng, đại học lớn để học hỏi thêm kinh nghiệm.

4.1.1.2. Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức, tác phong công nghiệp

Một trong những điểm yếu của sinh viên tốt nghiệp đó là ý thức làm việc, tác phong công nghiệp vì vậy trong thời gian qua trường đã chú trọng đến việc giáo dục ý thức tác phong công nghiệp cho người học để nâng cao chất lượng đầu ra. Trong thời gian qua, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các định hướng và nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhận thức về nhiệm vụ trong điều kiện Trường tự chủ tới cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên.

- Triển khai 5S trong toàn trường đảm bảo môi trường chuyên nghiệp trong đào tạo lĩnh vực công nghiệp.

- Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong giáo dục ý thức của cán

bộ, chuyên viên, giảng viên gương mẫu thực hiện tác phong chuyên nghiệp, tuân thủ kế hoạch trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, thể hiện mỗi giảng viên là một tấm gương sáng cho HSSV noi theo. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp phải được thể hiện cụ thể trong từng bài học, trong từng nội dung, chú trọng rèn tác phong chuyên nghiệp cho HSSV trong suốt quá trình giảng dạy và học tập.

- Thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề: thực hành tiết kiệm chống lãng phí; sửa đổi lề lối làm việc; phát huy vai trò của người đảng viên trong thực hiện đoàn kết nội bộ, nâng cao vai trò cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ của tập thể.

- Tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập trong việc kiểm soát nề nếp, kết quả học của HSSV như: theo dõi công nghỉ của HSSV và có báo cáo hàng tháng về khoa/trung tâm quản lý, quản lý sổ lên lớp, thông báo điểm, đôn dốc HSSV đăng ký môn học...

- Cử giáo viên quản lý HSSV khi ra xưởng thực tập, hàng tuần lấy ý kiến của đơn vị thực tập vào phiếu nhận xét từ đó đánh giá điểm của học phần thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp.

Sau thời gian thực hiện và đánh giá cho thấy ý thức, tác phong của HSSV được cải thiện rõ rệt thể hiện qua kết quả rèn luyện hàng năm: tỉ lệ HSSV có kết quả rèn luyện loại xuất sắc và tốt chiếm 92.1%, tỉ lệ có kết quả rèn luyện loại khá và TBK chỉ chiếm 7.9% và không có HSSV có kết quả rèn luyện loại yếu kém.

Giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức, tác phong công nghiệp mà trường đã thực hiện còn bộc lộ một số điểm yếu cần khắc phục trong thời gian tới như:

- Nhà trường chưa tổ chức được các khóa đào tạo kỹ năng mềm, các hoạt động tư vấn về tâm lý, sức khỏe sinh sản, lối sống.

- Chưa tổ chức được các hoạt động giao lưu sinh viên với các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

- Các câu lạc bộ học thuật: chuyên ngành May, Thiết kế thời trang, Kinh tế được thành lập nhưng chưa thu hút được đông đảo sự tham gia của HSSV.

- Nhà trường chưa tổ chức sinh hoạt và phát triển các khóa bồi dưỡng chuyên môn theo nhu cầu của Sinh viên.

- Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho HSSV chưa được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên.

4.1.1.3. Giải pháp về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Trong thời gian qua, trường đã có những hoạt động trong công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, cụ thể như:

- Tổ chức tốt công tác nghiên cứu các đề tài cấp Bộ, cấp Trường, cấp Tập đoàn đang triển khai; Bám sát việc đăng ký đề tài cấp Bộ năm 2017 và 2018; đưa tiêu chí khen thưởng công tác nghiên cứu khoa học vào quy chế thi đua; liên kết với các chuyên gia và nhà khoa học ngoài trường để tổ chức nghiên cứu các đề tài lớn.

- Triển khai các phong trào nghiên cứu khoa học, các hoạt động về khoa học công nghệ cho HSSV trong trường.

- Đã triển khai được nhiều hoạt động phong phú và đa dạng nhằm mở rộng

mối quan hệ với các Tổ chức, các trường Đại học nước ngoài.Liên hệ với trường

Harrow College – Vương quốc Anh, Tổ chức hợp tác và hỗ trợ Quốc tế của Hà Lan (PUM) và Lào để triển khai một số chương trình đào tạo quốc tế tại Trường; Bồi dưỡng mỗi chuyên ngành ở trình độ đại học có từ 2-3 giảng viên có trình độ tiếng Anh tương đương B2 chuẩn châu Âu; phối hợp với Hội liên hiệp thanh niên quốc tế IYF để đào tạo định hướng kỹ năng sống cho giảng viên và HSSV. Phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức ôn luyện thi tay nghề ASEAN cho đoàn thí sinh Lào, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài trong đào tạo nguồn nhân lực dệt may cho Lào. Tuy nhiên chưa hợp tác được chương trình đào tạo chuyên ngành nào. Nguyên nhân chính là do năng lực tiếng Anh của giảng viên chuyên ngành còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa nhiệt tình đầu tư cho nguồn nhân lực có trình độ cao.

- Trường đã phối hợp với Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, Công ty cổ phần Lapco xây dựng mối quan hệ thân thiết, đặt văn phòng đại diện tại

trường cũng như tổ chức các khóa học tiếng trước khi HSSV đăng ký tu nghiệp sinh, du học.

Mặc dù trường đã quan tâm hơn tới công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn còn những hạn chế như:

- Kế hoạch nghiên cứu không liên tục, bài bản, cán bộ/giảng viên chưa nhiệt tình tham gia; các thủ tục hợp tác còn chậm chễ do trường còn thiếu kinh nghiệm...

- Nhà trường chỉ tập trung cho cácđề tài về khoa học công nghệ và các đề

tài của giảng viên, một số đề tài của giảng viên về các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế chưa được đầu tư thỏa đáng để mang lại hiệu quả tốt nhất. Các đề tài của sinh viên cũng chưa được quan tâm đầu tư để khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Hiện tượng đa số các đề tài của sinh viên được làm như luận văn tốt nghiệp, chưa có tính ứng dụng cao.

- Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban và phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Phòng mới chỉ tập trung các lĩnh vực về ngoại ngữ, tin học, du học, tu nghiệp sinh và các hoạt động liên quan đến vấn đề ‘thực tập, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ thông tin việc làm cho sinh viên’, còn các lĩnh vực khác chưa được quan tâm đúng mức.

- Các chương trình phối hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động đào tạo cho nhà Trường cũng chưa được đầu tư thỏa đáng, các giảng viên chưa được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn, một số nội dung đổi mới hoạt động của phòng chưa được đưa vào thực hiện và kiểm soát hiệu quả, v.v…

- Các Quy định về định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp trường đã không còn hợp lý cần phải điều chỉnh lại.

- Hệ thống trang bị các thiết bị thí nghiệm cho các ngành kỹ thuật, sách tham khảo chưa đầy đủ. Nhà trường chưa có phòng Hội thảo, phòng học chuẩn quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án liên kết quốc tế.

4.1.1.4. Các giải pháp về quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng

Hàng năm trường có tổ chức các hoạt động nhằm đánh giá chất lượng quá trình đào tạo qua các hoạt động và giải pháp như:

- Trường đã thành lập Trung tâm đảm bảo chất lượng chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thi, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, lấy ý kiến khảo sát về hoạt động giảng dạy của giáo viên, khảo sát HSSV và doanh nghiệp từ đó xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng trong năm học nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

- Trong từng học kỳ nhà trường đã tổ chức thi sáng tạo không nghừng cho giảng viên và thi Olympic các môn học cấp khoa, cấp trường cho HSSV từ đó khuyến khích giảng viên và các em HSSV tích cực nghiên cứu, học tập.

- Thực hiện đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học/ học phần phù hợp với từng trình độ đào tạo. Trường đã áp dụng các hình thức kiểm tra mới như: kiểm tra trực tuyến, trắc nghiệm với các học phần lý thuyết, xây dựng biểu điểm trừ, bảng trọng số và cấu trúc đề thi đối với các học phần kỹ thuật may...

- Đẩy mạnh vai trò của công tác HSSV, thanh tra giáo dục: thực hiện giám sát việc thực hiện nề nếp của giảng viên, HSSV, gửi báo cáo kết quả thanh tra cho các đơn vị liên quan để theo dõi và quản lý.

Các giải pháp được triển khai và thực hiện đầy đủ trong mỗi kỳ học đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các em HSSV, kết thúc đều có những cuộc họp rút kinh nghiệm để đánh giá lại công tác tổ chức thực hiện và điều chỉnh.

- Về vật tư cho thực hành, thực tập: Đây là yếu tố có tác động rất lớn đến chi phí đào tạo cũng như chất lượng đào tạo vì vậy bài toán đặt ra là phải tìm đủ vật tư cho sinh viên thực hành nhưng không được để tác động quá lớn đến chi phí đào tạo. Giải pháp mà Trường đã sử dụng là nhận sản phẩm từ thị trường hoặc tự thiết kế sản phẩm hoặc lấy sản phẩm từ nhà máy của trường vào cho sinh viên học tập phù hợp với chương trình đào tạo. Giải pháp này giúp giải quyết 3 vấn đề:

+ Sinh viên được thực hành bằng sản phẩm nhận từ thị trường, sai hỏng đều phải bồi thường, vì vậy ý thức và tác phong công nghiệp cũng như kỹ năng, kỹ xảo của sinh viên được hình thành nhanh chóng và bền vững ngay từ trong quá trình đào tạo.

+ Nhà trường không phải chi phí cho việc mua vật tư để sinh viên thực hành, giảm gánh nặng về học phí cho sinh viên, mức độ tự chủ về tài chính của Trường được nâng cao mà không làm tăng giá thành đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Trường.

+ Sinh viên được trả lương theo số sản phẩm thực hành, thực tập. Trong giai đoạn thực tập, thu nhập của sinh viên thường đạt khoảng 1 - 3 triệu đồng/sinh viên/tháng, giúp sinh viên phần nào trang trải chi phí học tập, hình thành ý thức yêu lao động trong sinh viên.

Tuy nhiên, trong thực tế khi áp dụng một số phương pháp được xem như qui định của nhà trường đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập như:

- Một số giảng viên chưa kịp thích nghi với các qui định mới về phương pháp đánh giá kết quả học tập áp dụng cho từng môn học. Giữa các giảng viên cùng bộ môn có cách giảng dạy riêng cho phù hợp, nhưng khi đánh giá kết quả học tập thì lại đánh giá chung một phương pháp, dẫn đến việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên chưa được khách quan.

- Những điều kiện để áp dụng nhưng phương pháp giảng dạy mới chưa được đáp ứng đầy đủ dẫn đến kết quả đi ngược với mong đợi, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học công nghiệp dệt may hà nội (Trang 65 - 71)