Tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của nước ta và Hà Nội tiếp tục ổn định và phát triển. Dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi tăng trưởng từ năm 2012, nền kinh tế trong nước sẽ dần hồi phục và nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hà Nội có thể đạt từ 8-9%. Giai đoạn 2006-2010, kinh tế-xã hội của huyện đạt được những kết quả khả quan và tương đối toàn diện (tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu phát triển xã hội được nâng cao) tạo thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Trong 5 năm qua (2010 - 2015), tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định 1994) trên địa bàn huyện tăng trưởng nhanh (năm 2010, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện là 846 tỷ đồng, đến năm 2015 là 1.953 tỷ đồng, tăng 1.107 tỷ đồng trong vòng 5 năm). Tăng trưởng kinh tế chung tăng nhanh, đạt 18,83%, đặc biệt là ngành công nghiệp và xây dựng tăng rất cao (đạt 24,33%).
Tăng trưởng GDP trên địa bàn huyện có thấp hơn so với tăng trưởng giá trị sản xuất nhưng cũng đạt khá cao trong giai đoạn 2010 - 2015, đạt mức 16,68%, trong đó mức tăng của công nghiệp – xây dựng tuy có giảm nhưng vẫn đạt 21,85%.
Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2010, tính trên địa bàn huyện, tỷ trọng các ngành nông nghiệp - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ đạt theo thứ tự 31,05% - 41,65% - 27,30%. Năm 2014, tỷ trọng tương ứng là 14,23% - 53,61% - 32,16%.
Thực hiện Quyết định số 1754/QĐ-UBND ngày 27/4/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đan Phượng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; liên kết tác động qua lại với các quận, huyện trên địa bàn thành phố, mạng lưới giao thông quốc lộ, tỉnh lộ sẽ ngày càng hoàn thiện và hiện đại, bao gồm các đường vành đai 3,5; vành đai 4, quốc lộ 32, và các tuyến đường tỉnh lộ... đây là điều kiện rất thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế huyện, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ và đô thị.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng cả về kinh tế và chính trị, mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với các thủ đô của nhiều nước trên thế giới sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho huyện Đan Phượng trong việc du nhập các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào phát triển kinh tế và quản lý xã hội.
Nông thôn Đan Phượng có các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng nghề chế biến lâm sản xã Liên trung, mộc xã Liên Hà… Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển SXKD, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động (UBND huyện Đan Phượng 2015).