Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Các giải pháp trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương
4.3.1. Đổi mới công tác về quy hoạch
Theo quy hoạch, huyện Đan Phượng có tổng diện tích 7.735,48ha, khu vực phát triển đô thị trong đó khoảng 3.102,04ha; và khu vực nông thôn là 4.633,44 ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 182.079 người (dân số đô thị là 110.710 người và dân số nông thôn vào khoảng 71.369 người). Đến năm 2030, quy mô dân số dự báo khoảng 183.000 người, với dân số đô thị là 117.390 người, trong khi dân số nông thôn đạt khoảng 65.610 người.
Đường Vành đai 4 sẽ chia toàn bộ không gian của huyện thành 2 phần, cụ thể: Phần phía Đông Vành đai 4 (khu vực dân cư đô thị thuộc phân khu đô thị S1, S2, sông Hồng và GS) sẽ phát triển theo hướng đô thị gắn kết các dịch vụ công cộng chất lượng cao về giáo dục, y tế với tổng quy mô diện tích là 2.522,62 ha.
Trong khi đó, phần phía Tây Vành đai 4 nằm trong khu vực hành lang xanh của Thủ đô Hà Nội, được định hướng phát triển cụ thể như sau:
Khu vực phát triển đô thị (gồm thị trấn Phùng và vùng phụ cận) có quy mô diện tích 579,41 ha xác định phát triển thành khu đô thị công nghệ cao, mang tính chất sinh thái gắn với trục phát triển mới Tây Thăng Long, khu vực này sẽ đóng vai trò là trung tâm huyện hỗ trợ phát triển vùng nông thôn.
Tiếp đến là khu vực làng xóm, dân cư nông thôn thuộc hành lang xanh: Theo quy hoạch, khu vực này gồm làng xóm dân cư hiện hữu gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và tiếp tục các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Quy hoạch trên định hướng phát triển khu vực nông thôn kết hợp với sinh thái nông nghiệp, đồng thời khuyến khích phát triển các không gian nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái nông nghiệp, chẳng hạn như việc đưa du khách thăm quan các vùng sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh phát triển nông thôn mới các xã gắn với 19 tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh đó, không gian kiến trúc làng xóm được cải tạo chỉnh trang và khuyến khích các kiến trúc đặc trưng Việt như nhà thấp tầng, khuôn viên sân vườn, hồ ao... kiến tạo hình ảnh nông thôn mới và lưu giữ được bản sắc văn hóa, phong cách kiến trúc địa phương. Bảo đảm tiêu chí không gian sống sinh thái, bền vững.
Khu vực lập quy hoạch là thị trấn Phùng thuộc địa giới hành chính huyện Đan Phượng, nằm trên QL32, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Bắc có diện tích khoảng 293,7 ha với quy mô dân số đến năm 2020: 11.000 người; đến năm 2030: 12.000 người.
Theo quy hoạch, thị trấn Phùng có phía Bắc giáp xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng; phía Nam giáp xã Song Phượng, huyện Đan Phượng; phía Tây giáp xã Đồng Tháp, Phương Đình, huyện Đan Phượng; phía Đông giáp huyện Hoài Đức.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển đô thị.
Định hướng phát triển không gian đô thị phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đan Phượng nói chung và thị trấn Phùng nói riêng.
Hình thành trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa của huyện Đan Phượng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn, đẩy mạnh phát triển các chức năng về công cộng, y tế, giáo dục, thương mại và văn hóa.
Hình thành và phát triển không gian đô thị, đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đô thị, đề xuất các phương án sử dụng hợp lý, tạo lập môi trường sống văn minh, hiện đại phù hợp với đặc điểm cảnh quan, môi trường khu vực.
Quy hoạch xây dựng mới gắn với việc cải tạo nâng cấp các khu vực hiện có, khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc nâng cao điều kiện môi trường sống, cảnh quan chung. Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của đô thị; bảo vệ môi trường thiên nhiên; kiểm soát và hướng dẫn quản lý cảnh quan kiến trúc đô thị.
Định hướng phát triển không gian đô thị phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đan Phượng.
Hình thành trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa của huyện Đan Phượng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn, đẩy mạnh phát triển các chức năng về công cộng, y tế, giáo dục, thương mại và văn hóa.
Hình thành không gian đô thị với các chỉ tiêu kiểm soát phát triển về chức năng đô thị, mật độ xây dựng, chiều cao công trình và hình thái kiến trúc phù hợp với đặc điểm cảnh quan, môi trường trong khu vực hành lang xanh.
Phát triển cơ cấu kinh tế: Thương mại - dịch vụ - du lịch; khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và lợi thế về giao thông đường bộ để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch; nâng cấp, bổ sung quỹ đất bố trí cho các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ dân cư đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Cải tạo, chỉnh trang các khu vực dân cư làng xóm hiện hữu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng; cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ quan công sở cũ xuống cấp hoặc không đủ diện tích theo quy định, xây dựng trung tâm hành chính theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Di dời trụ sở của UBND thị trấn ra ngoài khu vực dân cư hiện có về khu vực tập trung các công trình công cộng hành chính được quy hoạch đồng bộ, hiện đại về kiến trúc cảnh quan góp phần tạo sự hài hòa với không gian xung quanh, dành quỹ đất sau khi di dời để bổ sung các công trình hạ tầng công cộng phục vụ người dân trong khu vực dân cư hiện hữu.
hai thác trục không gian chính, trục không gian xanh cảnh quan tạo nét đặc trưng của đô thị. Cấu trúc không gian của từng khu vực hiện hữu đặc thù và khu vực mới sẽ tạo nên hình ảnh riêng của đô thị trong tương lai.
Các công trình xây dựng mới được thiết kế khuyến khích sử dụng mái dốc gắn liền với cây xanh. Xây dựng đô thị theo mô hình đô thị xanh, tăng cường mạng lưới cây xanh đa dạng.
Tuyến QL32 đã và đang là trục cảnh quan của thị trấn; trong tương lai, tuyến đường này cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò trục cảnh quan chính của khu vực đô thị Phùng. Dọc theo tuyến đường hình thành hai khu vực cảnh quan đẹp là khu trung tâm hành chính huyện ở phía Nam và khu trung tâm văn hóa - thể thao huyện ngay tại cửa ngõ phía Đông; tại khu vực cửa ngõ phía Tây có “Tượng đài Phụ nữ ba đảm đang” và hệ thống trung tâm thương mại Tuấn Quỳnh. Các yếu tố cảnh quan này sẽ tiếp tục được hoàn thiện, chỉnh trang để duy trì vai trò điểm nhấn.
Tận dụng không gian hai bên trên tuyến mương Đan Hoài để tạo dựng một dải không gian xanh - mở liên hoàn đóng vai trò là trục cảnh quan kết nối cho
toàn thị trấn, là không gian giao lưu xã hội, nâng cao thể chất và tinh thần cho người dân đô thị.
Giữ lại toàn bộ các diện tích cây xanh, mặt nước tự nhiên hiện trạng, các diện tích này sẽ tạo thành các trục xanh tự nhiên cho đô thị. Xung quanh các diện tích xanh tự nhiên này cần tiến hành cải tạo và bảo vệ môi trường tự nhiên, kè một số khu vực cần thiết để tạo các dải xanh cảnh quan cho toàn đô thị.
Ngoài ra, tạo dựng một hệ thống không gian xanh đô thị (vườn hoa, công viên). Bổ sung một số vườn hoa, công viên khác đảm bảo phục vụ nhu cầu của các cụm dân cư trong khu vực.
Định hướng phát triển đô thị theo hướng trung tầng và thấp tầng. Tại các nút giao thông giữa trục Quốc lộ 32 và các trục không gian định hướng phát triển các công trình có chiều cao tạo điểm nhấn kiến trúc cho đô thị tại một số khu vực.
Khu vực dân cư hiện hữu và nhà ở mới, khu giáo dục và thể thao phát triển thấp tầng. Khu vực thương mại, dịch vụ, hành chính phát triển trung tầng, kiểm soát tầng cao đồng đều theo từng khu vực.
Mật độ nén, tập trung cao theo từng khu vực chức năng và mật độ thấp về các khu vực không gian cây xanh, mặt nước. Các khu vực điểm nút giao thông, có nhu cầu hoạt động thương mại cao, khuyến khích hợp khối, liên kết, xây dựng mật độ cao để tăng khả năng cung cấp dịch vụ công cộng, tạo thuận lợi cho người sử dụng.
Khu vực đô thị hiện hữu: Thực hiện kiểm soát mật độ xây dựng trung bình, phù hợp với thực trạng xây dựng hiện nay, kiểm soát sự gia tăng mật độ tránh làm phá vỡ cấu trúc chung của đô thị sinh thái. Các khu vực phát triển mới được kiểm soát theo hướng mật độ thấp, tăng cường diện tích cây xanh.