Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện giải pháp quản lý thuế đối với hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện văn giang, tỉnh hưng yên (Trang 35 - 37)

PHẦN 1 MỞ ĐẦU

2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện giải pháp quản lý thuế đối với hộ

2.1.4.1. Cơ chế, chính sách thuế

Hệ thống chính sách thuế là tập hợp hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thuế được ban hành trong một giai đoạn nhất định để thực hiện đầy đủ các chức năng của thuế. Hệ thống chính sách thuế luôn tồn tại và trở thành một yếu tố chủ yếu chi phối toàn hệ thống thuế. Hệ thống chính sách thuế phán ánh nội dung các cam kết về thuế; tác động trực tiếp đến mô hình và quy mô của bộ máy tổ chức thu thuế; giúp phát triển, mở rộng và nâng cao trình độ hiểu biết về thuế của NNT; quy định mối quan hệ giữa bộ máy quản lý thu thuế với NNT trong việc thực hiện thu, nộp thuế vào NSNN theo chính sách đang áp dụng (Trần Minh Hằng, 2013).

2.1.4.2. Các yếu tố ảnh hưởng thuộc về cơ quan quản lý thuế

Tổ chức bộ máy quản lý thuế và sự phối hợp giữa các ban ngành địa phương

Bộ máy quản lý thuế có vai trò quyết định đến sự vận hành toàn bộ hệ thống thuế. Bộ máy quản lý thuế được tổ chức hợp lý, thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý thuế thì sẽ phát huy được tối đa hiệu lực của toàn bộ hệ thống thuế và hiệu quả quản lý sẽ cao. Ngược lại, một cơ cấu tổ chức quản lý không phù hợp sẽ kìm hãm, làm suy yếu tổ chức và hạn chế tác dụng của bộ máy, giảm sút hiệu quả quản lý thuế. Bộ máy quản lý thuế đảm bảo cho hệ thống chính sách thuế được thực thi đầy đủ, nghiêm túc, theo trình tự mà không chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Với một bộ máy phù hợp với tình hình quản lý trong giai đoạn mới sẽ đảm bảo mục tiêu thu Ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, giảm chi phí quản lý của cơ quan thuế và chi phí tuân thủ pháp luật của NNT, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế (Trần Minh Hằng, 2013)

Năng lực của đội ngũ cán bộ thuế

Con người luôn là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại trong mọi lĩnh vực quản lý. Trong công tác quản lý thuế, đội ngũ cán bộ, công chức thuế là nhân tố quan trọng, góp phần vào việc xây dựng hệ thống chính sách thuế phù hợp, khoa học, minh bạch và quyết định việc đề xuất, áp dụng các phương pháp, quy trình và các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế hợp lý, khoa học, đảm bảo tính tiến tiến, hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao. Cán bộ công chức thuế là người trực tiếp thực thi chính sách thuế. Cán bộ thuế có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có sự am hiểu chính sách pháp luật, có kỹ năng thành thạo, thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường làm việc, luôn tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp, làm việc có trách nhiệm, luôn tận tâm và thân thiện với NNT, đổi mới trong tư duy và hành động sẽ mang lại giá trị tốt nhất cho mọi tổ chức và cá nhân, cũng là yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả của công tác quản lý thuế (Vũ Thanh Mai, 2011).

Tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý thuế

Cơ sở vật chất cũng là nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế. Cơ sở vật chất được nhắc đến ở đây là nhà cửa, các trang thiết bị, công cụ, dụng cụ... phục vụ cho hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế. Cùng với sự phát triển của đất nước, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý thuế phải ngày càng khang trang, hiện đại. Một mặt, để bộ máy quản lý thuế có thể hoạt động một cách hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực. Mặt khác, để phục vụ NNT một cách nhanh gọn, chính xác, giảm thiểu những phiền hà không đáng có. Một trong những cơ sở vật chất quan trọng đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào

quản lý thuế của cơ quan thuế. Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý danh bạ NNT, quản lý hoạt động kê khai, nộp thuế, chấm bộ thuế, theo dõi sự thay đổi của NNT đã làm giảm thiểu rất nhiều thời gian, công sức của cán bộ thuế trong quản lý thuế cũng như của NNT trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Qua vận dụng những ưu thế của công nghệ thông tin sẽ giúp việc quản lý thuế được chính xác tình trạng hoạt động cũng như thu thập thông tin của NNT. Thông qua ứng dụng CNTT thực hiện trao đổi, đối chiếu số liệu, nâng cao tính chính xác của công tác dự báo nguồn thu cũng như báo cáo, thống kê (Vũ Thanh Mai, 2011).

2.1.4.3. Ý thức chấp hành pháp luật thuế của đối tượng nộp thuế

Trong công tác quản lý thuế, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng nộp thuế có vai trò quan trọng. Ý thức pháp luật có mối quan hệ mật thiết với chính sách pháp luật và giáo dục pháp luật. Ý thức pháp luật là sản phẩm của quá trình phát triển xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của các hệ tư tưởng và quan niệm xã hội, cũng như chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của chính sách pháp luật. Ý thức pháp luật, đó là trình độ hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật, trong đó có cả cán bộ nhân viên nhà nước, tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là của cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng trực tiếp thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật. Ý thức pháp luật còn là thái độ đối với pháp luật, ý thức tôn trọng hay coi thường pháp luật, đó là thái độ với những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm (Nguyễn Huy Hòa, 2018).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện văn giang, tỉnh hưng yên (Trang 35 - 37)