Lái theo la bàn là hình thức điều khiển bánh lái để giữ cho tàu chuyển động theo một hướng đã định hay đúng hơn là giữ cho mặt phẳng trục dọc tàu nằm trên một hướng đã định. Để có thể thực hiện tốt công tác lái theo la bàn, thuỷ thủ lái phải nắm vững một số yếu tố sau:
- Cấu tạo mặt la bàn, vạch chia độ và cách thức chia độ trên mặt la bàn, vạch dấu mũi tàu, các hướng cơ bản v.v. (Hình 3.5). Phải hiểu rằng hướng hiện tại của mũi tàu chính là giá trị vạch chia độ trùng với vạch dấu mũi tàu trên mặt la bàn. Giá trị này nằm ở phía mạn nào của hướng đi đã định thì mũi tàu lệch về mạn đó.
- Trong thực tế, mặt la bàn đứng yên, khi mũi tàu quay sang mạn nào thì vạch dấu mũi tàu cũng quay sang mạn đó.
- Hướng bẻ tay lái, hướng quay của bánh lái và hướng quay của mũi tàu luôn giống nhau.
- Thời gian trễ (thời gian từ khi hoàn thành bẻ lái cho tới khi mũi tàu bắt đầu quay) và tốc độ quay của mũi tàu phụ thuộc nhiều vào độ lớn góc bẻ lái, tốc độ tàu. Khi góc bẻ lái và tốc độ tàu càng lớn, tải trọng tàu càng nhỏ thì thời gian trễ càng nhỏ và tốc độ quay của mũi tàu càng lớn.
- Quán tính quay của tàu (thời gian từ khi hoàn thành trả lái về 00 cho tới khi mũi tàu ngừng quay) phụ thuộc vào tốc độ quay ban đầu, tốc độ tàu và tải trọng của tàu.
Như vậy, lái theo la bàn thì cơ sở chính để người thuỷ thủ bẻ lái chính là chỉ số la bàn, trong suốt quá trình bẻ lái thuỷ thủ lái phải luôn quan sát và dựa vào chỉ số la bàn để bẻ lái.
Bộ môn Điều động tàu - Khoa Điều khiển tàu biển 73
2008
Hình 3.5. Cấu tạo mặt la bàn lái
Trong quá trình điều khiển do ảnh hưởng của ngoại cảnh (gió, nước, hiệu ứng chân vịt, v.v.) rất khó có thể giữ cho mũi tàu cố định trên một hướng cho trước mà luôn bị lệch ra ngoài. Nhiệm vụ của thuỷ thủ lái là làm sao giữ cho mũi tàu gần với hướng đã cho nhất. Hành động này được gọi là hành động giữ hướng.
Một hành động khác cũng thường được sử dụng trong khi lái theo la bàn đó là đè lái. Đè lái được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Khi chuyển hướng tàu tới một hướng mới hay khi bẻ lái giữ hướng khi tàu bị lệch hướng.
- Trường hợp khi lái theo la bàn, do ảnh hưởng của ngoại cảnh mà mũi tàu có xu hướng lệch khỏi hướng đã định, thuỷ thủ lái bẻ lái sang phía mạn đối diện một góc nào đó sao cho lực quay do bánh lái tạo ra tương đương với lực tác động do ảnh hưởng của ngoại cảnh làm cho mũi tàu không bị lệch ra khỏi hướng đi đã định. Hành động này là hành động đè giữ hướng.