2.2.1. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp của một số nước
2.2.1.1. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Nhật Bản
Lịch sử phát triển công nghiệp của Nhật Bản bắt đầu từ nền nông nghiệp truyền thống, tự cấp - tự túc, quy mô hộ nông nghiệp nhỏ, nhưng Nhật Bản nhanh chóng trở thành quốc gia có nền nông nghiệp và công nghiệp phát triển ở trình độ cao với nền kinh tế thị trường và nông thôn đều phát triển. Có được thành tựu đó
là nhờ Nhật Bản tiến hành chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp với hệ thống cơ khí nhỏ phù hợp với cây lúa nước và quy mô hộ nhỏ.
Thành công trong cơ giới hóa nông nghiệp làm cho năng suất lao động nông nghiệp tăng, chi phí lao động giảm, đã chuyển hàng chục triệu lao động nông nghiệp sang các hoạt động công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm đi nhanh chóng, nếu năm 1950 là 45,2%, năm 1960 là 28%, năm 1970 là 16,8%, đến năm 1980 là 10%, năm 1990 là 6,3% và hiện nay là dưới 5%. Song song đó, Nhật Bản đẩy mạnh thành lập các xí nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp gia đình ở nông thôn làm vệ tinh, gia công cho các công ty, xí nghiệp lớn ở thành thị; duy trì các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở nông thôn nhằm tận dụng hết các loại lao động nhàn rỗi vào các hoạt động kinh tế ngoài nông nghiệp để nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn; phát triển mạnh mẽ hệ thống hợp tác xã ở nông thôn nhằm thúc đẩy sự phát triển các ngành dịch vụ kinh tế kỹ thuật phục vụ nông nghiệp (Nguyễn Minh Tú, 2007).
2.2.1.2.Kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Hàn Quốc
Vào cuối thập niên 50, Hàn Quốc còn là quốc gia chậm phát triển, nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính của nước này. Trong điều kiện đó, Hàn Quốc đã chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nên sự tăng trưởng rất nhanh trong công nghiệp, tăng trưởng GDP 10 năm (1962- 1971) đạt 9,3%; tuy nhiên, sự phát triển quá nóng này đã tạo ra sự mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, làm nảy sinh mâu thuẫn đe dọa đến sự phát triển ổn định của đất nước. Trước yêu cầu đó, Hàn Quốc đã đề ra chiến lược “Tăng trưởng cân đối giữa khu vực công nghiệp và nông nghiệp”, chủ trương thực hiện “Phong trào làng mới”, tập trung xây dựng nông thôn với nhiều chuơng trình, dự án; và kết quả đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Từ thành quả đó rút ra một số kinh nghiệm như sau: phải tổ chức đào tạo, huấn luyện cho lãnh đạo làng xã; có cơ chế, chính sách phát huy tính chủ động và tạo môi trường cho các làng, xã thi đua phát triển; gắn công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn với phát triển các xí nghiệp nông thôn (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2015).
2.2.1.3. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Singapore
Vào năm 1965 khi Singapore giành được độc lập người ta ý thức được rằng Singapore cần phải sản xuất những loại hàng hóa có khả năng đáp ứng nhu cầu
cho những nước phát triển. Các ngành công nghiệp chế tạo qui mô lớn được hình thành và chúng trở thành động lực dẫn đến sự thành công lớn lao, một số lực lượng lao động được đào tạo để vận hành các trang thiết bị chuyên môn sử dụng trong các ngành công nghiệp. Ngày nay, Singapore không bị thiếu hụt công nhân lành nghề, chính nhờ sự đầu tư vào giáo dục kỹ thuật, Singapore trở thành nước đầu tiên trong các nước Đông Nam Á trở thành nước công nghiệp mới (NIC) vào đầu những năm 1980. Nhờ lợi thế về điều kiện địa lý, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, là một trung tâm thương mại, tài chính quốc tế, Singapore đã phát triển như một điển hình theo chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu. Nền kinh tế Singapore không ngừng phát triển với mức tổng sản phẩm quốc dân bình quân 8% trong cả thời kỳ dài và hiện nay là một trong những nước có mức sống cao trên thế giới (Nguyễn Minh Tú, 2007).
2.2.2. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp ở một số huyện trong nước.
2.2.2.1. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp huyện Hải Hậu, Nam Định
Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là huyện ven biển có diện tích 226 km2, dân số 294.216 người, trong đó đồng bào theo đạo công giáo trên 40%, được phân bố ở 32 xã và 3 thị trấn, mật độ trung bình 1.301 người/km2. Là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý với 33 km bờ biển; 2 sông lớn bao bọc là sông Sò và sông Ninh Cơ; sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 120 nghìn tấn thóc; 12 nghìn tấn tôm, cá và hàng trăm nghìn tấn rau, quả các loại; có 3 CCN, có nguồn nước khoáng mặn và 44 làng nghề.
Năm 2015 Ngành công nghiệp - xây dựng phát triển ổn định giá trị sản lượng (theo giá so sánh 2010) đạt 1.529,8 tỷ đồng, tăng 10,4 % so với năm 2014
Để sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững với mức tăng trưởng 18-19%/năm, huyện Hải Hậu quy hoạch 3 CCN tập trung với diện tích là 412 ha là CCN Hải Phương, CCN Hải Minh, CCN Thịnh Longvàcó cơ chế phù hợp cho phát triển các ngành cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, kéo sợi, dệt may, tăng cường phát triển nghề mới, mở rộng nghề truyền thống... Ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; tạo hành lang pháp lý theo thẩm quyền để các DN yên tâm thu hút mọi nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất KD. Tạo điều kiện để các DN xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; khuyến khích tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật theo hướng kết hợp công nghệ hiện đại với thiết bị công
nghệ truyền thống để tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Các DN, các hộ sản xuất được tạo điều kiện để vay vốn phục vụ sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, tiếp cận các thông tin thị trường, xúc tiến thương mại... Huyện khuyến khích thành lập các DN đầu mối để bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất; chú trọng công tác dự báo và đưa vào hoạt động nền nếp; đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, KD. Xây dựng các dự án phát triển kết cấu hạ tầng có tính khả thi, đồng thời tranh thủ những thuận lợi từ việc được chọn làm huyện thí điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước, để đào tạo nguồn nhân lực cũng như phát triển CSHT phục vụ cho hoạt động phát triển công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp của địa phương (Thành Trung, 2016).
2.2.2.2. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp huyện Thái Thụy, Thái Bình.
Với bờ biển trải dài hơn 25 km, 3 cửa sông lớn đã tạo cho Thái Thụy một vùng bãi bồi rộng lớn với gần 13.000 ha, giàu tiềm năng thủy sản. Đây là lợi thế lớn, cũng là thế mạnh của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Thái Thụy đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển, nhất là lĩnh vực khai thác, chế biến và vận tải biển. Đến nay, Thái Thụy đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020; quy hoạch CCN Thái Thọ, Thụy Tân, Mỹ Xuyên, có 458 DN vừa và nhỏ, trong đó có khoảng 200 DN đóng tàu, vận tải biển, 30 tàu vận tải quốc tế. Thái Thụy đã thu hút một số dự án lớn như Nhà máy sản xuất Amon Nitrat là dự án có công suất thiết kế 200.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 18,64ha.
Năm 2016, Thái Thụy đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 3.386 tỷ đồng, tăng 31,21% so với năm 2015. Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Thái Thụy tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; từng bước quy hoạch các KCN Thụy Trường, Thái Thượng, các CCN Trà Linh, Thái Dương, Thụy Phong. Đồng thời, thông qua các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư yên tâm thực hiện các dự án công nghiệp (Đảng bộ huyện Thái Thụy, 2015).
2.2.2.3. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Yên Phong là một huyện ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Ninh, đây là một huyện nằm ven sông Cầu có diện tích tự nhiên là 112,5 km², là huyện có diện tích lớn
của tỉnh Bắc Ninh. Ngành công nghiệp huyện Yên Phong là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay, Yên Phong tỉnh Bắc Ninh đã khảo sát lập quy hoạch các KCN, CCN với diện tích 1.054,43 ha, chiếm 10,9% tổng diện tích đất tự nhiên, đang là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Trên địa bàn đang hình thành các sản phẩm chủ lực gồm điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản… tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề duy trì ổn định.
Trong giai đoạn 2015-2020, Yên Phong tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tạo nền tảng vững chắc sớm đưa Yên Phong trở thành thị xã. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Yên Phong xác định; Làm tốt công tác quy hoạch, trước mắt cần nhanh chóng hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung, và các quy hoạch chi tiết các KCN, CCN, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án phát triển công nghiệp-thương mại-dịch vụ. Tạo các điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng mở rộng và phát triển nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu về vốn cho các DN. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của NN với hoạt động sản xuất KD. Tăng cường công tác quản lý môi trường, kiên quyết xử lý các hoạt động gây ô nhiễm, thực hiện tốt đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn giai đoạn 2010-2015, đặc biệt là ở các KCN, CCN và làng nghề. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ hệ thống CSHT kinh tế-xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng hệ thống giao thông các tuyến đường vào các KCN, CCN, các khu vực làng nghề. Tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính; thực hiện tốt công tác khuyến công, chương trình mở mang ngành nghề, nhân nghề mới; tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các DN, các làng nghề mở rộng phát triển sản xuất KD, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững (Trần Trang, 2015).
2.2.3. Bài học kinh nghiệm về phát triển công nghiệp rút ra cho huyện Tiền Hải Tiền Hải
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển công nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới và các địa phương tại Việt Nam, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho huyện Tiền Hải:
Một là, cần có sự thống nhất quan điểm ưu tiên, khuyến khích những ngành công nghiệp mũi nhọn, từ đó có các biện pháp ưu đãi phù hợp, không mâu thuẫn với các chính sách các ưu đãi của trung ương, của tỉnh Thái Bình.
Hai là, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp cần phải
phù hợp với đặc thù của huyện. Chính sách không chỉ thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài vào mà còn là sự khuyến khích đầu tư đối với các DN của huyện. Việc đa dạng hoá các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tạo được sự linh hoạt trong việc huy động các nguồn vốn và sự năng động trong hoạt động đầu tư ở huyện.
Ba là, phát triển công nghiệp cần chú trọng tạo việc làm tại chỗ ở địa
phương, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các DN xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong dài hạn.
Bốn là, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần có sự phân công, phân cấp rõ
ràng, tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc cơ chế "một cửa liên thông" và đẩy mạnh cải cách TTHC nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Năm là, phát triển công nghiệp phải trên cơ sở khai thác nguồn lực của
huyện, đồng thời phải thu hút được nguồn lực của các địa phương khác vào phát triển công nghiệp. Phát triển công nghiệp cần thu hút được sự tham gia không chỉ của các cơ quan quản lý NN mà cần thiết có sự tham gia của các đối tượng khác thuộc mọi thành phần kinh tế.
Sáu là,phải đảm bảo kết hợp giữa sử dụng hiệu quả tài nguyên với bảo vệ
môi trường tự nhiên và ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ hiện đại cho phép sử dụng đầy đủ, tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên của địa phương.
Bảy là,phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống giao
thông vận tải, cung ứng điện năng, cấp thoát nước, thông tin liên lạc… là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công cuộc CNH-HĐH.
PHẦN 3. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý kinh tế
Huyện Tiền Hải nằm trong tọa độ địa lý: 20° 17’- 20° 28’ độ vĩ Bắc; 106°27’-106°35’độ kinh Đông ở phía Đông Nam của tỉnh Thái Bình với diện tích gần 287 km2 chiếm khoảng 19,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Thái Bình (bao gồm cả diện tích bãi triều nằm ngoài địa giới hành chính), nằm cách thành phố Thái Bình 21 km theo tỉnh lộ 39B. Phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía Tây giáp huyện Kiến Xương, phía Nam giáp huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định), phía Bắc giáp huyện Thái Thụy.
Tiền Hải nằm trong không gian kinh tế hai hành lang, một vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc, cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội với thành phố Hải Phòng và bên cạnh là một vùng biển giàu tiềm năng với các nguồn lợi hải sản, khí đốt, than nâu, du lịch biển.... tạo cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn.
3.1.1.2. Địa hình
Do đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ nên nền địa hình huyện Tiền Hải khá bằng phẳng, nghiêng dần từ Đông Bắc sang Tây Nam. Tuy nhiên, với đặc điểm của một bãi bồi ven biển có nhiều sông lạch, địa hình của huyện có dạng lòng chảo gồm hai vùng rõ nét; vùng đất trũng nội đồng và vùng đất cao.
Địa hình ven biển của Tiền Hải có tiềm năng cho phát triển du lịch, đặc biệt là khu vực bãi biển Đồng Châu và Cồn Vành.
3.1.1.3. Khí hậu
Tiền Hải nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng với đặc điểm của huyện giáp biển nên khí hậu mang nét đặc trưng của vùng khí hậu duyên hải, với đặc điểm mùa đông thường ấm hơn, mùa hè thường mát hơn so với khu vực sâu trong nội địa. Khí hậu của Tiền Hải thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sự phân hóa của thời tiết theo mùa và những hiện tượng cực đoan như bão, giông, gió mùa Đông Bắc khô hanh đòi hỏi cần phải có các biện pháp phòng chống bão lụt, hạn hán.
3.1.1.4. Đất đai và Tài nguyên
- Đất đai: Đất Tiền Hải được tạo bởi phù sa sông và biển, do đặc điểm của
thuỷ triều ngày càng bồi tụ theo kiểu các luồng lạch hình sin có hướng song song với đê biển. Huyện Tiền Hải có 4 nhóm đất chính; nhóm đất cát(c), nhóm đất phù sa (p), nhóm đất phèn mặn (SM), nhóm đất mặn (đất phù sa nhiễm mặn).
Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 23.130,3 ha, trong đó đất nông nghiệp là 16.083,8 ha, chiếm 69,54%; đất phi nông nghiệp là 6.968 ha, chiếm