Là quận nội thành với tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân số lớn nguồn tài nguyên đất đai rất hạn chế, do đó công tác quản lý sử dụng nguồn tài nguyên
đất đai được đặc biệt chú trọng. Tài nguyên đất đai thực sự là tài sản tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của quận Cầu Giấy nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
a. Công tác đo đạc bản đồ và quản lý địa giới hành chính
Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn toàn quận đã được Thành phố đầu tư, thực hiện từ những năm 1993-1994, tuy nhiên bản đồ chưa được nghiệm thu để chính thức đưa vào quản lý, dẫn đến tình trạng thiếu sự chỉnh lý, cập nhật kịp thời, qua gần 20 năm sử dụng đã biến động nhiều nên cần thiết phải tiến hành công tác đo đạc địa chính chính quy phục vụ công tác quản lý đất đai và xã hội trong tình hình mới.
Công tác lập bản đồ và quản lý địa giới hành chính của quận và các phường được UBND quận rất quan tâm, giao Phòng Nội vụ phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, cùng UBND các phường thực hiện. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế quản lý hành chính trên địa bàn phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh, ngay từ năm 2005 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 8465/QĐ-UB về việc tạm giao UBND quận Cầu Giấy quản lý phần diện tích của quận Từ Liêm (nay thuộc quận Nam Từ Liêm) nằm trong khu đô thị Nam Trung Yên thuộc quận Cầu Giấy; ngày 06 tháng 7 năm 2007, UBND thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 2724/QĐ-UBND về việc tạm giao UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Nghĩa Tân thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước toàn diện.
b. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Về quy hoạch xây dựng: toàn quận đã có quy hoạch chi tiết ở tỷ lệ 1/2.000 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 57/2003/QĐ-UB ngày 12 tháng 5 năm 2003. Ngoài ra còn có các quy hoạch phục vụ xây dựng các khu đô thị như quy hoạch chi tiết khu đô thị Cầu Giấy, Dịch Vọng, Yên Hoà, Trung Hoà- Nhân Chính, Nam Trung Yên, Đông Nam Trần Duy Hưng,... và các đồ án quy hoạch chi tiết khác.
Quận đã tập trung xây dựng và quản lý quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả, đảm bảo thống nhất giữa các loại quy hoạch. Trên cơ sở đó công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch đã chuyển biến tích cực. Đến năm 2010 đã lập hồ sơ xử lý đối với 950 trường hợp vi phạm, phạt 240 trường hợp và ngừng thi công 671 trường hợp. Kết quả xử lý tự khắc phục 194 trường hợp và cưỡng chế 238 trường hợp.
c. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất
Đến năm 2015, diện tích đất của quận đã được giao, cho thuê là 884,23 ha đạt 73,50% diện tích tự nhiên, trong đó: hộ gia đình, cá nhân sử dụng 422,98 ha; các tổ chức trong nước sử dụng 446,68 ha; liên doanh với nước ngoài 1,83 ha còn lại là do cộng đồng dân cư sử dụng. Nhà nước giao 318,75 ha đất để quản lý theo các đối tượng như:
- Giao cho UBND các cấp quản lý 155,32 ha;
- Tổ chức phát triển quỹ đất được giao quản lý 25,46 ha.
- Các tổ chức khác được giao quản lý 137,97 ha, chủ yếu là đất công. Trong những năm vừa qua, công tác thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án trên địa Quận đã được các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội) được hiện theo đúng những quy định của pháp luật đất đai. UBND quận cũng đã thành lập Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện công tác kiểm đếm và hỗ trợ công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng được tốt hơn đảm bảo đúng tiến độ đề ra và giảm thiểu những thiệt hại cho người có đất bị thu hồi, đặc biệt đối với các dự án lớn, công trình trọng điểm của Thành phố, như: các khu đô thị mới, đường vành đai 2, …
Đến năm 2015, quận đã thu hồi, giải phóng mặt bằng được 189,05ha/240ha và bàn giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Các phường phối hợp với các ban, ngành thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho 66 dự án đang được triển khai trên địa bàn.
Năm 2015, quận Cầu Giấy có 67 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với tổng diện tích thu hồi 97.76 ha (trong đó 11,88 ha đất ở; 85,88 ha đất nông nghiệp và đất khác). Trong đó có nhiều dự án trọng điểm của Thành phố và quận như: tuyến đường Vành đai 2; đường từ Bảo tàng dân tộc học đến đường 32; Xây dựng khu công viên hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch theo hình thức hợp đồng BT; Xây dựng tuyến đường số 1 vào khu đô thị Tây Hồ Tây; Trung tâm điều hành viễn thông Quốc gia VNPT; Đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất 5.1NO và 5.5NO đường Lê Văn Lương…
Như vậy,Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn quận đã cơ bản đáp ứng được việc xây dựng các công trình trọng điểm của Thành phố và của quận tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư và cho các hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục hành chính, trong giải phóng mặt bằng, thực hiện bồi thường, hỗ trợ,… đã dẫn đến tiêu cực, giải phóng mặt bằng chậm, khiếu kiện và chậm tiến độ một số dự án, công trình trên địa bàn.
d. Thống kê, kiểm kê đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thực hiện Luật Đất đai, công tác kiểm kê đất đai trên địa bàn quận được tiến hành 5 năm một lần vào các năm 2000, 2005 và năm 2010, 2015; công tác thống kê đất đai được tiến hành hàng năm làm cơ sở phục vụ công tác quản lý đất đai và phát triển kinh tế- xã hội của quận, phục vụ cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch của các ngành và làm cơ sở cho công tác chỉ đạo của Quận uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân quận, cũng như UBND các phường.
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được chú trong nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đến năm 2015, quận đã cấp được 40.471 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2015, Quận đã cấp được 2.612 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đạt 118% chỉ tiêu được giao. Ước thực hiện trong năm 2015 cấp 3.000 giấy chứng nhận (đạt 136% chỉ tiêu được giao).
e. Công tác quản lý, sử dụng đất của các hợp tác xã
Hiện nay trên địa bàn quận Cầu Giấy có 23 hợp tác xã các loại, trong đó có 15 HTX được chuyển đổi theo Luật năm 1996, 01 HTX không đủ điều kiện được chuyển đổi, 03 HTX mới thành lập và 06 HTX không hoạt động, cụ thể như sau:
- 05 HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp - 09 HTX thương mại - dịch vụ
- 02 HTX vận tải
- 07 HTX tiểu thủ công nghiệp.
Các hợp tác xã nông nghiệp, do quá trình đô thị hóa nên đất nông nghiệp giảm nhanh, đến nay hầu hết đã bị chuyển đổi, diện tích còn lại xen kẽ ở các khu dân cư và các dự án lớn nên không có hệ thống thủy lợi, nên không sản xuất được mà chủ yếu chuyển sang trồng rau, trồng hoa. Các HTX chuyển từ cung cấp dịch vụ phục vụ nội bộ xã viên sang phát triển đa ngành, đa nghề, các dịch vụ phục vụ cộng đồng: kinh doanh chợ, bãi đỗ xe, cho thuê trụ sở, văn phòng.
Các HTX chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 1996, toàn bộ diện tích đất trụ sở, văn phòng nhà xưởng,… đã sử dụng rất lâu đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
f. Công tác quản lý và phát triển nhà
Trong những năm qua, để đảm bảo chỉ tiêu bình quân diện tích nhà ở cho mỗi người dân đạt từ 9-10m2/người, những năm qua quận đã đầu tư cho chương trình nhà ở chung cư phục vụ tái định cư: triển khai khu nhà ở chung cư Tây Nam đại học Thương Mại gồm 03 nhà chung cư cao 6-17 tầng với 523 căn hộ, tổng diện tích sàn 49.201m2. Bên cạnh đó là Khu đô thị mới Cầu Giấy 50,7ha đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có 05 nhà chung cư 15-21 tầng với 817 căn hộ, tương ứng 140.029m2; dự án 5,3ha Dịch Vọng phục vụ tái định cư 1.381 căn hộ; các dự án xây dựng nhà ở để bán cho các đơn vị: Khu nhà chung cư cao 11 tầng và nhà liền kề ở Trung Hòa, khu X1, X2 tại phường Yên Hòa,…
g. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai
Trong những năm qua, công tác tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra cũng được chỉ đạo thực hiện khi có hiện tượng vi phạm ở cơ sở có đơn thư phản ánh. UBND quận cũng thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chức năng như: Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Nhà nước quận, Thanh tra Xây dựng phối hợp kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm về sử dụng đất trên địa bàn.
Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai đã được Quận uỷ, HĐND và UBND quận quan tâm, chỉ đạo các ngành, UBND các phường giải quyết ngay từ cơ sở để thực hiện công tác hoà giải.
Trong 9 tháng đầu năm, quận đã xem xét, giải quyết 87 đơn thư kiến nghị của các hộ gia đình:
+ Đối với 61 đơn kiến nghị, đề nghị dừng các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở: Đã chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ lập cảnh báo để dừng giao dịch.
+ Đối với 12 đơn đề nghị xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Liên hệ với các hộ gia đình có đơn để tổng hợp hồ sơ, hướng dẫn hộ gia đình thực hiện theo quy định.
+ Đối với 14 đơn đề nghị giải quyết các vấn đề tranh chấp về quyền sử dụng đất, kiến nghị về nghĩa vụ tài chính khi cấp Giấy chứng nhận, đề nghị giao
đất, đòi đất, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất,.... Hiện quận đang tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.