PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trong việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thời gian qua, để Quy hoạch sử dụng đất đạt kết quả cao hơn, khắc phục được những tồn tại, yếu kém như đã nêu, quận Cầu Giấy cần thực hiện một số giải pháp cơ bản:
* Các giải pháp trước mắt
- Rà soát lại QHSDĐ với các quy hoạch chyên ngành khác, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch công nghiệp. Nếu phát hiện thấy có sự chồng chéo, bất hợp lý cần kịp thời điều chỉnh cho thống nhất và đồng bộ.
- Cần xử lý các quy hoạch bị coi là "treo" theo hướng: Những quy hoạch có thể thực hiện sớm thì tập trung nguồn lực để thực hiện ngay; những quy hoạch xét cần nhưng trước mắt chưa có khả năng thực hiện được thì điều chỉnh mốc thời gian, lộ trình thực hiện; những quy hoạch không hợp lý về quy mô diện tích thì phải điều chỉnh quy mô; những quy hoạch bất hợp lý, không có tính khả thi thì phải quyết định hủy bỏ ngay; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch.
- Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã phù hợp với điều chỉnh QHSDĐ của Thành phố để làm cơ sở thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Công khai phương án bồi thường, tiếp thu ý kiến của người bị thu hồi đất đóng góp cho phương án, kể cả việc thẩm định giá đất và cưỡng chế khi người dân có ý kiến ngược lại với quyết định thu hồi đất.
- Xiết chặt vai trò quản lý nhà nước về đất đai theo quy hoạch và pháp luật. Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất theo đúng quy hoạch được duyệt; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai đối với việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không theo quy hoạch.
- Tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, của các tổ chức chính trị xã hội và đặc biệt là sự giám sát của người dân.
* Các giải pháp lâu dài:
- Khi lập quy hoạch cần giải quyết hài hòa và tích hợp được tất cả các lợi ích của các chủ thể: Nhà nước, người dân, nhà đầu tư; cần tranh thủ tham vấn ý kiến rộng rãi của cộng đồng, đặc biệt là của người dân sở tại và các nhà khoa học trước khi xét duyệt phương án quy hoạch.
- Cần làm rõ về mặt pháp lý đối với mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, QHSDĐ, quy hoạch xây dựng để khỏi chồng chéo, đỡ tốn kém và nâng cao hiệu quả, đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa QHSDĐ với các loại hình quy hoạch đó trên cơ sở quy hoạch tổng thể đô thị theo định hướng phát triển của Quận Cầu Giấy. UBND Thành phố và các xã, phường cần ý thức được rằng QHSDĐ là một công cụ để quản lý đất đai, không có hoặc vi phạm đều là vi phạm pháp luật, để quản lý tốt thì chất lượng phải cao.
- Để nâng cao chất lượng QHSDĐ, cần xác định rõ đặc thù của QHSDĐ đô thị, xây dựng phương pháp và nội dung riêng cho QHSDĐ đô thị:
+ Trước hết, QHSDĐ của quận phải thể hiện được tầm nhìn không chỉ trong vòng 5 hay 10 năm mà có thể phải là 20 năm hoặc xa hơn.
+ Trong dự báo cần đưa ra nhiều kịch bản phát triển cho tương lai với các yếu tố tham chiếu như: Dân số, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực và xu thế thời đại,... Với mỗi một yếu tố biến đổi sẽ kèm theo những phương án được xây dựng (phương án thấp, phương án trung bình, phương án cao). Như vậy sẽ có nhiều phương án để lựa chọn.
+ Cần nghiên cứu, lựa chọn những chỉ tiêu, loại đất phù hợp, không quá đi vào chi tiết từng công trình, dự án cụ thể. Mục tiêu QHSDĐ là phải xác lập được trật tự sử dụng đất trong một thời gian dài. Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định tương đối của phương án quy hoạch cũng như tính điều tiết vĩ mô trong phương án quy hoạch cần:
Xác định được mục tiêu, định hướng phát triển, tính chất đô thị, quy mô diện tích và hướng mở rộng của quận theo những dự báo cho cả một thời kỳ dài.
Khoanh định và xác định chức năng của những khu vực có sử dụng đất với quy mô lớn, dễ gây xáo trộn; xác định những khu vực dự kiến phát triển, khu vực hạn chế phát triển, khu vực cần bảo vệ,... Trên cơ sở đó thiết lập ranh giới đỏ cho một số loại sử dụng đất chính như: Khu vực phát triển công nghiệp, khu đô thị, khu hành chính, khu tái định cư, KDC cải tạo; KDC công nghiệp; khu vực phát triển văn hóa thể thao, vui chơi giải trí và dịch vụ tổng hợp (có quy mô lớn); các khu vực cần bảo vệ, tôn tạo; khu vực trồng lúa; khu vực chuyển đổi nông nghiệp; khu vực dự phòng, ...;
Xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông then chốt như trục vành đai, trục xương cá,...xác định chỉ giới đỏ cho những tuyến giao thông đó;
Xây dựng quy chế sử dụng đất cho từng khu, bao gồm những quy định chung, quy định riêng, những khuyến cáo. Trong mỗi khu vực, có thể sẽ thực hiện bước tiếp theo là xây dựng quy hoạch chi tiết cho khu vực đó.
Tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận và tham gia ngay từ khâu lập quy hoạch. Có thể người dân tham gia bằng cách gửi thư góp ý qua các hòm thư điện tử hoặc chính quyền Thành phố tổ chức lấy ý kiến trực tiếp. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu ý kiến trong quá trình xây dựng dự án.
Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý về sử dụng đất, tiềm năng đất đai và các công cụ phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường khi xây dựng phương án QHSDĐ trên cơ sở của hệ thống dữ liệu đó.
Gắn QHSDĐ với phát triển các ngành nghề, đặc biệt quan tâm khôi phục các ngành nghề truyền thống, tạo quỹ đất tái định cư, quy hoạch đất dịch vụ và đất liền kề các khu công nghiệp; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, cho vay vốn giải quyết việc làm từ dự án dạy nghề cho lao động nông thôn và cho người lao động bị thu hồi đất ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch; mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của quân.
Cần làm sáng tỏ khái niệm về quy hoạch với kế hoạch sử dụng đất cũng như mối quan hệ giữa quy hoạch với kế hoạch sử dụng đất để tránh những nhầm lẫn dẫn đến những hiểu lầm về quy hoạch "treo". Quy hoạch chỉ xác lập về mặt không gian, còn kế hoạch phải gắn liền với thời gian, lộ trình, tài chính thực hiện. Sau khi quy hoạch được công bố, hàng năm căn cứ vào khả năng tài chính, nhu cầu phát triển, các ngành, lĩnh vực sẽ lập kế hoạch xây dựng các công trình, dự án cụ thể phù hợp với quy hoạch.
PHẦN 5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 5.1. KẾT LUẬN
(1) Quận Cầu Giấy là một quận nội thành của thủ đô Hà Nội với hệ thống giao thông khá phát triển Cầu Giấy có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của Thủ đô - cửa ngõ phía Tây của Thành phố. Cầu Giấy thuộc khu vực phát triển của Thành phố trung tâm, đây là một trong những điều kiện đặc biệt thuận lợi thu hút các nguồn lực vốn tài chính, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của quận nói riêng và của Hà Nội nói chung.
So với các quận nội thành cũ, quận Cầu Giấy còn một phần tiềm năng về quỹ đất cho chỉnh trang và phát triển đô thị (đất nông nghiệp và đất đã được thu hồi, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư).
Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư phát triển khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn lớn là những điều kiện đặc biệt thuận lợi để quận phát triển nhanh kinh tế xã hội.
(2) Tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn quận Cầu Giấy đã dần đi vào nề nếp, đất đai được sử dụng tiết kiệm, hợp lý, tiềm năng đất đai của quận được khai thác có hiệu quả. Công tác đo đạc bản đồ và quản lý địa giới hành chính; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tiến hành kịp thời phục vụ công tác xã hội và quản lý đất đai trong tình hình mới; Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bắng, giao đất, cho thuê đất được thực hiện hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ đề ra, giảm thiều thiệt hại cho người dân có đất bị thu hồi đối với một số dự án trọng điểm của thành phố như: Các khu đô thị mới, đường vành đai 2....
Tổng diện tích tự nhiên của quận Cầu Giấy năm 2015 là: 1.231,70 ha, chia làm 3 nhóm đất chính: Đất nông nghiệp có diện tích 16,08 ha chiếm 1,36 %; đất phi nông nghiệp có diện tích tích 1134,04 ha chiếm 92,07%; đất chưa sử dụng có diện tích 80,86 ha chếm 6,56 % tổng diện tích đất tự nhiên.
Tình hình biến động đất đai giai đoạn 2010 -2015: Đến năm 2015 diện tích đất nông nghiệp của quận giảm 39,07 ha so với năm 2010, diện tích đất phi nông nghiệp giảm 12,45 ha so với năm 2010, diện tích đất chưa sử dụng của quận tăng 51,52 ha so với 2010.
(3) Tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất quận Cầu Giấy đã được triển khai trên diện rộng và khá đồng bộ từ các phường đến toàn quận. Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn quận đạt được những kết quả nhất định, quá trình sử dụng đất đã cơ bản dựa trên những quan điểm khai thác sử dụng triệt để quỹ đất đai, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hầu hết các chỉ tiêu quy hoạch đất dành cho phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng đều đang thực hiện trên địa bàn khá tốt, diện tích đất phi nông nghiệp trên địa bàn quận thực hiện đến năm 2015 đạt 91,67 % so với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt.
Việc thực hiện theo sát theo Quyết định số 2267/QĐ-UBND ngày 26/4/2014 về việc xét duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011- 2015) quận Cầu Giấy và đã đạt được những thành quả, đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai từ quận tới các phường.
Kết quả thực hiện các công trình, dự án theo phương án quy hoạch đến năm 2015 trên địa bàn quận Cầu Giấy đa phần đảm bảo về mặt quy mô, vị trí và quy mô thực hiện, phần lớn được huy động vốn từ ngân sách nhà nước. Một số dự án giao thông trọng điểm đã và đang được hoàn thành tiến tới chào mừng 20 năm thành lập quận: Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đường Trần Đăng Ninh kéo dài...Các công trình dự án khác cũng được tập trung, triển khai mạnh mẽ trên toàn địa bàn quận.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, đảm bảo đúng tiến độ về mặt thời gian cũng như các nội dung quy hoạch đề ra việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất của quận cũng còn tồn tại một số vấn đề bất cập: nhiều chỉ tiêu sử dụng đất chưa sát với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt; xuất hiện nhiều công trình, dự án thực hiện ngoài quy hoạch; việc thu hồi đất chưa gắn kết với các vấn đề an sinh xã hội.
(4) Trong khuôn khổ có hạn về thời gian nghiên cứu, luận văn cũng đưa ra hệ thống các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong những năm tiếp.
Các giải pháp trước mắt: Rà soát lại quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch đang bị coi là "treo" để phát hiện những bất hợp lý, kịp thời xử lý, điều chỉnh cho phù hợp; đẩy nhanh công tác lập quy
hoạch sử dụng đất chi tiết các xã, phường; công khai phương án bồi thường và tiếp thu ý kiến của người bị thu hồi đất; xiết chặt vai trò quản lý nhà nước về đất đai theo quy hoạch và pháp luật; tăngcường vai trò giám sát của hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội và của người dân; đầu tư có trọng điểm và tranh thủ kêu gọi đầu tư từ bên ngoài.
Các giải pháp lâu dài: Giải quyết hài hòa và tích hợp được tất cả các lợi ích khi lập phương án quy hoạch; cần làm rõ về mặt pháp lý và xử lý tốt mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch chuyên ngành để tránh sự chồng chéo; nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất theo hướng đổi mới trình tự, nội dung và phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất đô thị; tạo cơ hội cho người dân được trực tiếp tham gia ngay từ quá trình lập quy hoạch, chú trọng sự tham vấn và phản biện của cộng đồng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và các công cụ hỗ trợ phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường khi xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất; gắn kết quy hoạch sử dụng đất với phát triển ngành nghề, giải quyết vấn đề an sinh xã hội; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho công tác thực hiện quy hoạch.
5.2. KIẾN NGHỊ
1. Tổ chức lập Quy hoạch sử dụng đất cần có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, các phòng, ban, ngành của quận và sự tham gia của người dân.
2. Giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch. Khi phát sinh các yếu tố, cần xem xét thống nhất và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ tài nguyên và Môi trường (2004). Thông tư số 30/2004/TT-BTNMT về hướng dẫn lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch. kế hoạch sử dụng đất, Hà Nội. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2008), Báo cáo về tình hình quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất 5 năm (2006-2010) và tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp của cả nước, Hà Nội.
3. Bộ tài nguyên và môi trường (2009). Thông tư số 19/2009/TT-BTNMT ngày 02/11/2009 quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
4. Chính Phủ. Nghị định 43 ngày 15 tháng 05 năm 2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai.
5. Đoàn Công Quỳ, Nguyễn Thị Vòng, Vũ Thị Bình, Nguyễn Quang Học (2004). Giáo trình quy hoạch sử dụng đất, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
6. Lê Đình Thắng, Trần Tú Cường (2007). Quy hoạch sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường”, Tài nguyên và Môi trường, số 10 (48), tháng 10.
7. Nguyễn Đình Bồng (2006). Một số vấn đề về quy hoạch sử dụng đất ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Khoa học đất, số 17, tháng 1.
8. Nguyễn Đình Bồng (2007). Quy hoạch sử dụng đất ở nước ta trong giai đoạn hiện nay - thực trạng và giải pháp. Báo cáo tại hội thảo về Quy hoạch sử dụng đất do Hội Khoa học đất và Viện nghiên cứu địa chính - Bộ tài nguyên và môi trường