Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá một số đặc tính sinh học của chủng virus cường độc dịch tả vịt VG 04 sau bảo quản (Trang 36 - 37)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.4.2.Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu

Biểu hiện của đáp ứng miễn dịch đặc hiệu là sự sản sinh ra kháng thể đặc hiệu chống virus khi cơ thể bị virus xâm nhập. Các công trình nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch đặc hiệu trong bệnh dịch tả vịt đều tập trung xác định vai trò của các loại kháng thể được sinh ra và nguyên nhân, cách thức sản sinh ra các kháng thể đó.

2.4.2.1 . Sự hình thành kháng thể kháng virus dịch tả vịt

Miễn dịch chủ động tự nhiên được hình thành sau khi vịt mắc bệnh dịch tả vịt và đã khỏi bệnh thì vịt sẽ có kháng thể kháng virus dịch tả vịt trong cơ thể. Vịt khỏi bệnh có thể bị mắc trở lại ở thể ẩn, không có triệu chứng rõ. Khi gặp điều kiện thuận lợi, virus lại tiếp tục phát triển và gây bệnh (Trần Minh Châu, 1987).

Miễn dịch bị động tự nhiên được hình thành trên cơ sở kháng thể từ vịt mẹ truyền qua cho vịt con qua lòng đỏ trứng . Lượng kháng thể dịch tả vịt ở trong lòng đỏ cao hay thấp phụ thuộc vào hàm lượng kháng thể trong huyết thanh vịt mẹ. ở những vịt con một ngày tuổi, hàm lượng kháng thể dịch tả vịt trong máu xấp xỉ bằng hàm lượng kháng thể trong lòng đỏ. Theo thời gian, hàm lượng kháng thể sẽ giảm dần và chỉ tồn tại ở vịt con tối đa là tới ngày 21. Ngoài ra, dù vịt con có được hưởng kháng thể từ vịt mẹ, nhưng nếu bị nhiễm nhiều virus thì vẫn có thể bị chết vì bệnh dịch tả vịt. Như vậy, kháng thể do vịt mẹ truyền cho chỉ có thể bảo vệ được vịt con trong những ngày đầu sau khi nở nếu chúng bị

nhiễm một lượng virus rất ít (Fenner et al., 1974; Leibovitz, 1991). Vịt con được tiêm vacxin nhược độc dịch tả vịt lúc một ngày tuổi thì tỷ lệ miễn dịch bảo hộ giai đoạn 20-30 ngày tuổi chỉ đạt 25-50% (nếu là con của vịt mẹ được tiêm vacxin trước 6 tháng). Tỷ lệ miễn dịch bảo hộ của vịt con chỉ đạt 20-40% trong giai đoạn 10-20 ngày tuổi (nếu là con của vịt mẹ đã được tiêm vacxin 1 hay 2 lần). Còn với vịt con mà vịt mẹ không được tiêm vacxin thì tỷ lệ bảo hộ đạt 100% cho đến 45 ngày tuổi (Trần Minh Châu, 1986).

Miễn dịch chủ động nhân tạo được hình thành trên cơ sở sử dụng vacxin. Hiệu lực và độ dài đáp ứng miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vacxin, đường đưa vacxin. Lượng kháng thể sinh ra lớn hơn khi tiêm nhắc lại

nhiều lần hoặc tiêm nhắc lại với số lượng lớn kháng nguyên (Fenner et al., 1974).

Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da tạo ra đáp ứng miễn dịch nhanh và hiệu quả hơn các

phương pháp khác như nhỏ mắt và mũi (Shawky and Sandhu, 1997).

2.4.2.2. Các loại kháng thể chống virus dịch tả vịt

Kháng thể dịch thể: Ở vịt bị nhiễm virus dịch tả, kháng thể dịch thể được sinh ra trong những trường hợp vịt bị nhiễm bệnh tự nhiên thường thấp và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Vịt được tiêm vacxin nhược độc có kháng thể thấp còn vịt bị nhiễm virus cường độc thì hàm lượng kháng thể cao hơn.

Đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào là phương thức bảo vệ chính của cơ thể chống lại virus thông qua những tế bào lympho độc Tc (Cytotoxic T lymphocyte, CTL). Guiping (2007) kết luận rằng, quá trình chết theo chương trình và hoại tử của tế bào lympho gây ra bởi sự tiêm truyền virus dịch tả vịt dẫn đến sự phân huỷ tế bào lympho. Sự chết theo chương trình của tế bào lympho có thể đóng vai trò quan trọng trong sinh bệnh học của bệnh dịch tả vịt. Một số vịt sau khi được tiêm vacxin có hàm lượng kháng thể dịch thể rất thấp nhưng khi đem thử thách với virus dịch tả vịt cường độc thì vẫn được bảo hộ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá một số đặc tính sinh học của chủng virus cường độc dịch tả vịt VG 04 sau bảo quản (Trang 36 - 37)