Các quan điểm khác nhau về tự do trong triết học trƣớc Mác

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quan điểm tự do trong triết học hiện sinh giá trị và hạn chế (Trang 40 - 42)

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG LÝ LUẬN VỀ TỰ DO CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH

2.1.1. Các quan điểm khác nhau về tự do trong triết học trƣớc Mác

Toàn bộ kinh nghiệm lịch sử chỉ rõ rằng, tự do là giá trị thiêng liêng và là đặc tính bản chất của con người, là cơ sở bản thể luận của đời sống. Phạm trù “tự do” dùng để chỉ nhu cầu và khả năng của con người trong những hoạt động phù hợp với những lợi ích và mục tiêu của mình, không cần sự can thiệp hay cản trở từ bên ngoài. Đó mới chỉ là định nghĩa tương đối và đơn giản về tự do. Trên thực tế, tự do là một phạm trù mở, hiểu và thể hiện tự do trong đời sống là một quá trình mâu thuẫn và có tính hai mặt. Vì thế trong lịch sử nhân loại đã có nhiều nhà triết học bàn về vấn đề này, từ Arixtốt, Êpiquya đến C.Mác, từ phái khắc kỷ đến chủ nghĩa hiện sinh.

Tất cả các nhà triết học đều thống nhất với nhau ở một điểm cơ bản: tự do cá nhân là sự lựa chọn trong ý thức, tư tưởng của cá nhân về điều mình sẽ nói, sẽ làm, cách thức mình sẽ thực hiện cuộc sống cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, điểm khác nhau là: cái gì quy định sự lựa chọn đó của cá nhân và mục đích của sự lựa chọn đó là gì. Các nhà triết học thường đưa ra một số quan điểm trái ngược nhau.

Lơxip, người sáng lập thuyết nguyên tử (atomism) cổ đại và người học trò của ông là Đêmôcrit cho rằng nguyên tử cấu thành mọi vật kể cả ý thức con người; vì nguyên tử vận động theo một hướng cố định nên cho rằng mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên cũng như mọi hành động của con người đều bị quy định bởi một tính tất yếu nhất định. Lơxip nói: “Không có gì diễn ra một cách ngẫu nhiên, mọi cái đều có lý do và bị quy định bởi tính tất yếu” [59].

Arixtốt - nhà triết học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng đã đề cập đến năng lực lựa chọn tự do từ bình diện đạo đức - chính trị. Ông cho rằng, con người với tư cách sinh vật xã hội, luôn biết chọn cho mình cách sống và lối ứng xử phù hợp với lý trí. Năng lực lựa chọn tự do không có nghĩa là vượt quá khuôn khổ của các quy tắc, các chuẩn mực truyền thống, là sự khẳng định cái Tôi một cách vô nguyên tắc. Nó phải dựa trên sự nhận thức về vị trí của cái Tôi giữa những cái Khác. Trong đạo đức học, năng lực đó là tính trung dung - chọn cái tối ưu từ nhiều cái tốt, khắc phục cả sự bất cập lẫn sự thái quá. Và, do vậy, trung dung khác với ba phải, lưng chừng, lại càng khác với thái độ lãnh đạm, dửng dưng trong cuộc sống [1, tr. 135 – 141].

Êpiquya nhà triết học Hy Lạp trong thời kỳ Hy Lạp hóa đã đem lại nhiều tư tưởng mới về tự do. Phát triển thuyết nguyên tử, Êpiquya bổ sung thêm khả năng chệch hướng của nguyên tử trong quá trình vận động, mở ra sự thừa nhận cái ngẫu nhiên trong tự nhiên và từ đó thừa nhận tự do ý chí trong hành động của con người. Chính đây là nguồn cảm hứng của C. Mác trong đề tài luận án tiến sĩ triết học của mình: “Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrít và triết học tự nhiên của Êpiquya”. Như vậy, Epicurus là người đầu tiên khẳng định sự tự do của con người, kết quả của quan điểm vô định luận trong sự vận động của nguyên tử [27, tr.210 ].

Trong thời kỳ Cận đại, nhà triết học Hà Lan Baruch Spinoza là người đầu tiên xác định mối quan hệ biện chứng giữa tự do và tất yếu, khi ông vạch ra rằng tự do thực sự là ở sự hiểu biết về cái tất yếu. “Tự do chân chính không phải là phủ nhận sự tồn tại của quy luật khách quan, mà là phấn đấu nhận thức quy luật để làm chủ quy luật” [27, tr.336-337]

Theo quan điểm của John Locke (1632-1704), tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà không gặp bất kì cản trở nào. Đây là định nghĩa nguyên thủy nhất về tự do và cũng từng được khá nhiều người tán đồng. Tuy nhiên, định nghĩa này có những hạn chế nhất định, thể hiện ở chỗ

nếu tự do chỉ thuần túy là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào thì sẽ có rất nhiều người nhân danh tự do để thỏa mãn những mong muốn hay tham vọng cá nhân của mình, phá hoại trật tự xã hội, và do đó, làm phương hại đến sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng.

Nhận thức được sự hạn chế của định nghĩa về tự do của Locke, G. Hegel (1770-1831) đã xây dựng một định nghĩa mới về tự do. Đó là, tự do là cái tất yếu được nhận thức. Câu hỏi đặt ra là, vậy cái tất yếu là gì? Ở đây, cái tất yếu được hiểu là các quy luật tự nhiên. Do vậy, có thể viết lại định nghĩa về tự do của Hegel như sau: tự do là các quy luật tự nhiên được nhận thức. Hegel cho rằng con người càng nhận thức một cách chính xác, rõ ràng và toàn diện về cái tất yếu bao nhiêu thì càng có tự do bấy nhiêu.

Định nghĩa này đã phát triển hơn một bước so với định nghĩa của Locke, tức đã đưa tự do từ một trạng thái bản năng đến tự do trong mối tương quan với cái tất yếu. Như vậy, ranh giới của trạng thái tự do và trạng thái không có tự do chính là cột mốc nhận thức được cái tất yếu. Nhận thức được cái tất yếu, con người sẽ không nhân danh tự do để thực hiện những hành vi kìm hãm sự phát triển của bản thân anh ta và cả cộng đồng. Chính lúc ấy, tự do sẽ là điều kiện tinh thần giúp con người tiếp cận với sự phát triển thực thụ và toàn diện. Tuy nhiên, ông đã giải thích phạm trì này một cách duy tâm, vì vậy lí luận của ông mang màu sắc thần bí, không có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của con người và xã hội.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quan điểm tự do trong triết học hiện sinh giá trị và hạn chế (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)