QUAN ĐIỂM VỀ TỰ DO TRONG TRIẾT HỌC HIỆN SINH 1 Một số tiền đề xuất phát cho lý luận về tự do của chủ nghĩa

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quan điểm tự do trong triết học hiện sinh giá trị và hạn chế (Trang 46 - 51)

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG LÝ LUẬN VỀ TỰ DO CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH

2.2. QUAN ĐIỂM VỀ TỰ DO TRONG TRIẾT HỌC HIỆN SINH 1 Một số tiền đề xuất phát cho lý luận về tự do của chủ nghĩa

2.2.1. Một số tiền đề xuất phát cho lý luận về tự do của chủ nghĩa hiện sinh

Quan điểm chủ nghĩa hiện đại về tự do là tự do tuyệt đối và hoàn toàn chủ quan. Điều này xuất phát từ một số luận điểm cơ bản sau đây chủ nghĩa hiện sinh:

+ Tồn tại là phi lý

Trước hết phải nói ngay rằng khái niệm về cái phi lý đã xuất hiện từ thời cổ đại. Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại như Zenon và Aristote đã áp dụng phương pháp nguỵ biện cho suy lý lôgic (tức là phương pháp lập luận dựa vào giả thiết phi lý). Nhìn chung, trên phương diện lôgic học thì người ta quan niệm rằng những gì tồn tại trái với các quy tắc lôgic đều bị coi là “phi lý”. Tuy nhiên, khái niệm phi lý còn có một nghĩa thứ hai thuộc bình diện lý luận nhận thức. Nghĩa này mang tính chất khái quát hơn và nó vượt ra ngoài địa hạt của lôgic học khi nó cho rằng tất cả những gì vượt ra ngoài khả năng nhận thức bằng lý trí, không thể lý giải được bằng tư duy, thì đều được coi là phi lý. Như vậy cái phi lý là cái phản lý tính. Đây là định nghĩa đã được nền triết học phương Tây hiện đại phát triển thành chủ nghĩa phi lý tính từ cuối thế kỷ XVIII và kéo dài suốt hơn một thế kỷ.

Chủ nghĩa phi lý (absurdism, đối lập với rationalism - chủ nghĩa duy lý) là một đặc trưng của chủ nghĩa hiện sinh. Các nhà hiện sinh coi mọi tồn tại đều là phi lý. Cái phi lý là cái không có bản chất, không có tính tất yếu, không có quy luật, không có nguyên nhân, mục đích, nói chung là không thể giải thích bằng lý trí. Ngay sự hiện diện của con người đã là điều phi lý. Mỗi người chúng ta chỉ đơn giản bị ném vào thế giới, nhưng không thể giải thích được tại sao trong lúc này, chỗ này.

Những người đại diện đầu tiên cho chủ nghĩa hiện sinh là S. Kierkegaard (nhà triết học Đan Mạch, 1813-1855), M. Heidegger (nhà triết học Đức, 1889-1976) và Karl Jaspers (nhà triết học Đức, 1883-1969). Họ cũng đều được G. Lukács xếp vào hàng ngũ của các nhà tư tưởng phi lý tính. Cả ba người này đều có một thái độ luận chiến chống lại lý tính, chống lại chủ

nghĩa duy lý Descartes, bởi lẽ họ cho rằng chủ nghĩa duy lý của Descartes chỉ nhằm vào con người trừu tượng chứ không xác định được con người cụ thể, con người cá nhân. Chủ nghĩa hiện sinh tạo ragiữa lý tính và thực tại một vực sâu ngăn cách không thể vượt qua. Và trong cái vực sâu này có sự ngự trị của cái phi lý.

Tuy nhiên, khái niệm cái phi lý chưa được trình bày rõ ràng trong lý thuyết của Kierkegaard, của Heidegger và của Jaspers. Về sau, trong quan niệm của hai nhà đại diện chủ chốt của chủ nghĩa hiện sinh Pháp thế kỷ XX là J.P. Sartre (1905-1980) và A. Camus (1913-1960), thì cái phi lý mới trở thành khái niệm chủ chốt của chủ nghĩa hiện sinh. Ngoài ra, chúng ta cũng còn phải kể tới tên tuổi của một nhà triết học hiện sinh chủ nghĩa nữa là Léon Chestov (1866-1938, người Pháp gốc Ukraina), người cũng đã bàn đến cái phi lý và rất có ảnh hưởng đến Camus. Chestov đã đưa ra tuyên bố và nó là một trong những ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng về cái phi lý của Camus: thật sai lầm nếu tin rằng cái phi lý có nghĩa là sự kết thúc của tư duy. Không chỉ có điều là tư duy được duy trì trong cái phi lý, mà nó còn có được một thế năng mà trước đó người ta không ngờ tới.

Trong các tác phẩm triết học và văn học của mình, Sartre không chỉ quan niệm cái phi lý xuất hiện do có sự bất đồng giữa lý tính với thực tại nhân bản, mà ông còn tuyên bố chính cái thực tại nhân bản là một thực tại phi lý, một thực tại của vật tự nó. Nhưng trong cái thực tại phi lý tự nó đó lại có sự can thiệp của ý thức nhân bản. Cái ý thức này trong thuật ngữ của Sartre được gọi là vật vì nó. Và cả cái ý thức cho nó ấy cũng là một ý thức phi lý. Trong cái thế giới hỗn độn của vật vì nó, ý thức con người có xu hướng hành động tách mình ra khỏi thực tại để tạo cho thực tại một ý nghĩa và cũng là để giành cho mình một ý nghĩa. Cái hành động đó được Sartre gọi là hành động hư vô hoá. Bởi vì khi hành động nhằm tách mình ra khỏi thế giới thực tại thì ý thức con người đồng thời phần nào phủ nhận các sự vật tự nó của thế giới đó. Sự

phủ nhận đó chính là thể hiện của sự bất khả năng giao tiếp giữa vật tự nó với vật vì nó. Đây lại chính là thực thể thứ ba của cái phi lý: phi lý của khả năng không thể giao tiếpgiữa cái phi lý tự nó với cái phi lý vì nó.

Đến Camus thì tư tưởng về cái phi lý đã trở thành nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời của ông, nó làm thành đề tài trọng tâm của các tiểu luận triết học và thấm đậm trong mọi tác phẩm văn học của ông. Khác với Sartre, trong các bài tiểu luận triết học của mình, Camus tuyên bố rằng cả thế giới thực tại lẫn lý tính của con người đều không phải là phi lý, mà phi lý chỉ nảy sinh từ sự bất hoà hợp giữa khát vọng của lý tính muốn tìm hiểu thế giới với cái thực tại u tối khó hiểu của thế giới đó, tức là sự tuyệt giao giữa khát vọng lý tính với thực tại u tối. Từ sự bất hoà hợp giữa hai phạm trù này nảy sinh cái cảm giác về sự phi lý. Trong tập tiểu luận triết học cũng như trong các tác phẩm văn học của ông, cái cảm giác phi lý sau thất bại của khát vọng lý tính muốn tìm hiểu thực tại đã không ngừng dẫn tác giả đi đến chỗ coi thế giới là phi lý, nhưng là cái phi lý sau khi đã được con người nhận thức, tức là cái phi lý mang tính chất chủ quan, hậu nghiệm. Cái thế giới phi lý chủ quan ấy được ông thể hiện thông qua hình tượng nhân vật huyền thoại Sisyphe. Cho nên theo chúng tôi, cuối cùng thì cái phi lý của Camus lại chính là được nảy sinh từ sự giao tiếp (chứ không phải là từ sự tuyệt giao) giữa lý tính với thực tại phi lý, nhưng đây là sự giao tiếp bất hoà hợp. Chính vì vậy mà cái phi lý của Camus là cái phi lý âm thầm day dứt trong nội tâm con người.

Như vậy theo chủ nghĩa hiện sinh, tồn tại là cái phi lý, cho nên tự do cũng là một hiện tượng phi lý, nghĩa là việc lựa chọn và hành động tự do không phải được suy tính, cân nhắc bằng lý trí, mà bằng cảm xúc hoàn toàn chủ quan của cá nhân người hiện sinh. Đây là một điểm xuất phát của lý luận về tự do của chủ nghĩa hiện sinh.

Trong “Tồn tại và hư vô” (L'être et le néante), Sartre nói: “Chúng ta phải nói điều mà Heidegger nói về Dasein nói chung: „Hiện sinh có trước và quy định bản chất‟” [ 49, tr.565].

Theo J.P. Sartte, con người bắt đầu từ hư vô, không là cái gì cả, chỉ sau bước nhảy hiện sinh, con người mới trở thành cái do chính mình mong muốn và tạo ra cho mình. Tại buổi trả lời phỏng vấn của Christian Grisoli, 1981, Sartre đã nói: “Chúng tôi nói rằng không hề có bản tính con người, không hề có tính bản chất vĩnh cửu và bất biến của con người. Đó là một khả thể trừu tượng, là ý niệm kiểu Platon quy định hiện hữu cá nhân riêng lẻ. Ngược lại, chúng tôi nói rằng nơi con người thì tự do có trước bản chất, rằng con người sáng tạo nên bản chất của mình, bằng cách hành động để trở thành cái mà mình lựa chọn dù xấu dù tốt và luôn có trách nhiệm”.

Trong tác phẩm“Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản” (Lexistentialisme est un humanisme), Sartre giải thích: “Nói hiện sinh có trước bản chất có nghĩa là con người trước hết phải hiện hữu, đối mặt với chính mình, ngoi lên trong thế giới, rồi sau đó mới xác định mình là gì” [52, tr.22].

Theo các nhà hiện sinh chủ nghĩa, con người không có một bản chất vốn có nào cả; không có bản chất của con người nói chung. Mỗi cá nhân trở thành cái gì là do ý thức của nó, do sự hiện sinh của nó, nghĩa là mỗi cá nhân hiện sinh tự tạo ra cho mình một bản chất riêng. Đây cũng là một luận điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh có vai trò quyết định đối với quan niệm về tự do cá nhân. Hiện sinh có trước bản chất cũng có nghĩa là tự do có trước bản chất. Như vậy, tự do của cá nhân không bị quy định bởi một bản chất có trước nào cả mà trái lại, tự do quy định bản chất của cá nhân.

+ Chân lý là chủ quan

Søren Kierkegaard cho rằng chân lý là chủ quan. Ông bác bỏ quan điểm cho rằng khoa học cung cấp cho con người chân lý khách quan. Ông viết:

“Vấn đề là ở chỗ… tôi phải tìm một chân lý nó đúng với tôi, tìm một tư tưởng mà theo đó tôi tự nguyện sống hoặc chết” [28, tr.84].

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quan điểm tự do trong triết học hiện sinh giá trị và hạn chế (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)