Tự do theo quan điểm triết học Mác

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quan điểm tự do trong triết học hiện sinh giá trị và hạn chế (Trang 42 - 46)

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG LÝ LUẬN VỀ TỰ DO CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH

2.1.2. Tự do theo quan điểm triết học Mác

Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng triết học phương Tây trước Mác đã để lại nhiều giá trị tích cực trong quan niệm về tự do. Triết học Mác kế thừa một số yếu tố hợp lý trong quan niệm về tự do trong lịch sử và đưa ra một số luận điểm cơ bản về tự do như sau:

+ Tự do là sự lựa chọn của cá nhân trên cơ sở nắm được cái tất yếu.

Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, Ph. Ănghen đánh giá: “Hê-ghen là người đầu tiên đã trình bày đúng đắn mối quan hệ giữa tự do và tất yếu. Đối với ông, tự do là sự nhận thức được cái tất yếu”. Theo Hêghen, “Cái tất yếu chỉ

mù quáng chừng nào người ta chưa hiểu được nó” [32, tr.163].

+ Tự do là hành động của con người trên cơ sở nắm được và vận dụng được quy luật của tự nhiên, xã hội, làm chủ được tự nhiên và xã hội.

Như vậy, tự do theo quan điểm triết học Mác không chỉ ở chỗ hiểu và làm theo cái tất yếu, mà còn hơn thế nữa, tức là vận dụng được các quy luật trong hoạt động thực tiễn để phục vụ cuộc sống của con người. Ph. Ăngghen phân tích như sau:

“Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật của tự nhiên, mà là ở sự nhận thức được những quy luật đó và ở cái khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những quy luật đó tác động một cách có kế hoạch nhằm những mục đích nhất định. Điều đó là đúng đối với những quy luật của tự nhiên bên ngoài, cũng như đối với những quy luật chi phối tồn tại vật chất và tinh thần của bản thân con người... Như vậy, tự do của ý chí chẳng qua chỉ là cái năng lực quyết định một cách hiểu biết công việc” [32, tr.163-164]

+ Tự do là một phạm trù xã hội

Tự do của con người chỉ có trong tập thể, xã hội , trong hệ thống các quan hệ giữa người với người. Như đã nói trên, con người có tự do hơn động vật là do sự hiểu biết quy luật tự nhiên và xã hội và vận dụng những tri thức đó vào cải tạo tự nhiên và xã hội. Tri thức khoa học, hoạt động lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống văn minh là hoạt động của xã hội. Ý thức về tự do và vươn tới tự do chỉ có ở xã hội với tư cách một sự tự tổ chức khác về chất so với thế giới tự nhiên. Sống trong xã hội mà lại tự do hoàn toàn khỏi các

điều kiện xã hội là điều không thể. Tuy nhiên, mục đích của con người và mục đích của xã hội không phải lúc nào cũng nhất trí với nhau. Ngoài những điểm chung mang tính nền tảng, quan niệm về nội dung và phương thức thực hiện tự do trong mỗi xã hội có thể phụ thuộc vào tính chất và nội dung các chuẩn mực, các quy tắc, các giá trị văn hóa dân tộc, lịch sử, thói quen, tập quán, tâm lý… đang thống trị. Chẳng hạn, nếu ở phương Tây, người ta thiên về nhấn mạnh tự do cá nhân thì ở phương Đông, quyền và tự do tập thể (nhóm, chủng tộc, dân tộc…) là cái thường được quan tâm. Một hoạt động được chỗ này đánh giá là tự do, chỗ khác lại xem là mất tự do, bởi lẽ tự do hay không tự do là một vấn đề nhận thức. Do xã hội là một phức hợp của những con người, những cá nhân sống với những đặc tính không hòa lẫn, phong phú và phức tạp, gia nhập vào những quan hệ nhất định, nên nhận thức về tự do khó có thể đạt tới sự nhất trí hoàn hảo.

Tự do không chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân mà chủ yếu phụ thuộc vào chế độ xã hội. Các quyền tự do của cá nhân phải được nhà nước công nhận và được ghi vào trong các bộ luật cơ bản (hiến pháp). Kết quả lập pháp đó là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài của quần chúng nhân dân. Trong các xã hội do giai cấp bóc lột thống trị, chế độ độc tài, cực quyền thì quyền tự do của con người bị hạn chế rất nhiều. Chỉ có trong xã hội do nhân dân lao động làm chủ thì quyền tự do mới có điều kiện được phát huy một cách tối đa.

+ Tự do là mộtphạm trù lịch sử

Ph. Ăngghen viết:

“Vì vậy, tự do là ở sự chi phối được chính bản thân và tự nhiên bên ngoài, một sự chi phối dựa trên sự nhận thức được những tất yếu của tự nhiên; do đó, nó tất yếu là một sản phẩm của sự phát triển lịch sử. Những con người vừa mới tách khỏi loài vật thì trong tất cả mọi mặt cơ bản cũng đều không có tự do, chẳng khác gì bản thân loài

vật; nhưng mỗi bước tiến lên trên con đường văn hoá lại là một bước tiến tới tự do.” [32, tr.164]

Việc nhận thức và lý giải nó gắn liền với các thời kỳ lịch sử khác nhau. Ở Hy Lạp, La Mã cổ đại chưa hình thành lý luận riêng về tự do, mà chỉ có những cuộc đấu tranh vì tự do, vì sự tự ý thức của người nô lệ như Hêgen đã mô tả trong “Hiện tượng học tinh thần”. Người nô lệ vì không được coi là con người, không có quyền công dân nên không có quyền tự do. Trong thời kỳ Trung cổ, người nông nô cũng là những người không có đầy đủ quyền tự do. Mặt khác, sự thống trị của Nhà thờ Kitô giáo đã tước đi phần lớn quyền tự do của con người, kể cả một số quyền tự do đã có của người Hy Lạp cổ đại.

Vào đêm trước của cách mạng Pháp 1789, G.G.Rútxô đã nói đến tình trạng phổ biến của sự mất tự do: “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích” [13, tr. 29].

Phục hưng là sự kết thúc đầy ý nghĩa lịch sử trung đại và cũng là sự chấm dứt cách hiểu theo lối Kitô giáo về tự do, chỉ còn giữ lại tính hình thức của nó, nghĩa là xem tự do như món quà kỳ diệu mà Chúa ban cho con người. Song, con người tự do trước hết là tự do trong sự lựa chọn phương thức sống và tín ngưỡng. Thời đại Phục hưng là thời đại chuyển tiếp từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản, tính chuyển tiếp này trong tư duy được thể hiện ra ở cuộc đấu tranh chống thần quyền và những tín điều bảo thủ, thuyết Thần là trung tâm được thay bằng thuyết Con người là trung tâm, chủ nghĩa thầy tu khổ hạnh được thay bằng chủ nghĩa hạnh phúc, thuyết định mệnh được thay bằng thuyết tự do cá nhân. Và, chủ nghĩa nhân văn đã mở đường cho cuộc đấu tranh thật sự chống lại cả thần quyền lẫn thế quyền trong thời Cận đại.

Quan niệm cận - hiện đại về tự do luôn gắn kết với sự hình thành và khẳng định tư tưởng về con người cá nhân, về xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Quá trình chuyển từ thời đại phong kiến Trung cổ sang Cận đại là quá trình đánh giá lại vị trí và vai trò của con người trong xã hội, đề cao tự

do như phẩm giá cao nhất, như bản tính cố hữu, cái phú bẩm nơi con người. Người ta gọi đó là sự hình thành một hệ biến thái mới về thế giới quan. Một mặt, thời Cận đại tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhân cách và sự thực hiện những khả năng của nó. Chủ nghĩa cá nhân được xác lập trên cơ sở đồng nhất tự do cá nhân và tư hữu, trở thành sức mạnh kích thích to lớn cho sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội và sự hình thành nền dân chủ chính trị. Mặt khác, sau khi giải thoát khỏi những quan hệ lỗi thời, chật hẹp, mang tính phường hội, con người cũng đồng thời tự tin hơn trong việc xác định vị trí của mình giữa cộng đồng và khẳng định ý nghĩa của tồn tại. Thay đổi quan niệm Trung cổ về con người như hình ảnh của Thiên chúa, các nhà tư tưởng thời Cận đại đặt con người vào vị trí trung tâm, biến nó thành con người tự chủ, tự quy định và đầy tham vọng chinh phục thế giới.

Trong xã hội tư bản, tuy nhiều quyền tự do của con người đã được nhà nước thừa nhận. Khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” do Cách mạng Pháp đưa ra, tuy nhiên việc thực hiện khẩu hiệu đó bị hạn chế rất nhiều. Một là, trong thời kỳ đầu của sự phát triển phương thức sản xuất tư bản, một phương thức dựa trên sự chiếm hữu tư nhân và bóc lột, nên người lao động không thể hưởng được các quyền tự do trong kinh tế và chính trị. Trong thời kỳ phát triển tiếp theo, các nước tư bản tiến hánh chiến tranh xâm lược, xâm chiếm thuộc địa, dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới. Trong điều kiện đó, tính mạng, tài sản và quyền tự do của con người bị xâm phạm nghiêm trọng. Quan niệm về tự do của chủ nghĩa hiện sinh ra đời chính là một phản ứng tiêu cực của những người trí thức trong điều kiện xã hội như vậy.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quan điểm tự do trong triết học hiện sinh giá trị và hạn chế (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)