Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 73 - 78)

Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đông Anh trong những năm qua, trong đó có các nguyên nhân cơ bản sau:

- Hệ thống pháp luật về đất đai nói chung, về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng nói riêng chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh, còn những điểm chưa rõ ràng, thậm chí phức tạp. Có hiện tượng vừa thừa lại vừa thiếu trong số các văn bản quản lý Nhà nước về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng. Do Nhà nước chưa xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Quy hoạch đất đai, Luật Đô thị,... nên các cơ quan hữu quan phải ban hành nhiều văn bản dưới luật, tạo sự phức tạp, khó kiểm soát và khó thực hiện.

- Sự phân cấp giữa chính quyền Thành phố, cấp Huyện và cấp xã, xung quanh việc Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng còn chưa thật sự rõ ràng, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, tạo nên sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chưa mạnh dạn phân cấp cho chính quyền cấp Huyện cũng như tạo điều kiện về nhân lực, vật lực để cấp Huyện có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng. Quyền hạn của chính quyền cấp Huyện là có hạn, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra, được đề xuất, kiến nghị lên cấp trên trực tiếp, song do có “độ trễ” trong quản lý Nhà nước từ khâu báo cáo đến khâu ra quyết định điều chỉnh còn quá lớn nên đã ảnh hương không nhỏ đến kết quả thực hiện quản lý Nhà nước về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng trên địa bàn Huyện.

- Thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều tầng nấc, quản lý Nhà nước về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng luôn đi kèm với các quyết định hành chính về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm các quyết định này phải đúng thẩm quyền, phù hợp quy hoạch đất đai, đúng mục

đích sử dụng, đúng đối tượng, các quy định về môi trường, về giá cả.v.v. Trong khi đó, các quy định, thủ tục này còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, dễ tạo điều kiện cho tham nhũng hoặc lãng phí nảy sinh; ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân vào tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

- Việc thực thi trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên còn thiếu và yếu; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, thi hành công vụ của cán bộ, công chức và cơ quan hành chính còn bị buông lỏng gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng. Thiếu hệ thống các quy phạm, chuẩn mực, tiêu chí kiểm tra, đánh giá, chưa có cơ chế phối hợp theo chiều dọc và ngang một cách khoa học giữa các cơ quan hữu quan gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra cũng như độ chính xác trong các kết luận thanh tra về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hoặc “dưới báo cáo trên lờ đi” vẫn còn tồn tại.

- Thiếu kế hoạch giải ngân cụ thể đối với nguồn kinh phí cho quản lý phát triển, cho việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước mới chỉ dừng ở mức bảo đảm kinh phí cho các hoạt động hành chính và đầu tư nhỏ giọt. Giá quyền sử dụng đất do cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra chưa sát thực tế nếu không nói là xa vời, dễ tạo ra hành vi “đi cửa sau”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lợi dụng cơ chế xin - cho để hưởng lợi. Hệ thống thuế hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực sự phát huy vai trò điều tiết của công cụ tài chính trong quản lý Nhà nước về đất đai nói chung, về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng nói riêng.

- Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng còn thiếu và yếu; phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng phức tạp nhưng lại khó có thể thay thế. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Huyện và cấp xã chưa thực sự có đầy đủ thẩm quyền quyết định trong quản lý và xử lý cán bộ, công chức; thành thử muốn thay thế cán bộ, công chức yếu kém

về năng lực chuyên môn cũng không dễ dàng gì. Công tác tuyển dụng, thủ tục đề bạt, khen thưởng và xử lý kỷ luật còn thiếu công khai, minh bạch; các tiêu chí thi đua thiếu cụ thể, rõ ràng để mọi người được biết và phấn đấu, kiểm tra, giám sát lẫn nhau. Các chế độ, chính sách về lương, thưởng chưa thực sự là công cụ, tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức nhiệt tình làm việc, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực sự cụ thể, sâu sát và thường xuyên, việc phát hiện, xử lý yếu kém cũng chậm được khắc phục. Những khía cạnh nêu trên của công tác tổ chức cán bộ, dù muốn hay không, cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức; là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của những tồn tại, hạn chế trong Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đông Anh.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai nói chung, về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng chưa đến nơi đến chốn nên chưa đạt được mục tiêu, hiệu quả mong muốn. Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội thành viên, như Công đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến bình cấp Huyện, cấp xã cũng như của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào công tác quản lý Nhà nước về đất đai, về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng chưa được phát huy đúng mức. Vai trò giám sát, kiểm tra của Hội đồng nhân dân cấp Huyện, cấp xã trong công tác Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng còn mờ nhạt.

Tiểu kết chương 2

Với vị trí chiến lược về địa - chính trị và tiềm năng to lớn về đất đai, huyện Đông Anh đã, đang và sẽ là địa bàn trọng điểm trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế với các khu công nghiệp, các trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ, thể thao lớn của Thủ đô Hà Nội. Đó là điều kiện thuận lợi, là động lực thúc đẩy Đông Anh phát triển mạnh mẽ trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai nói chung, về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng nói riêng trên địa bàn huyện Đông Anh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với kết quả thực hiện Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phòng mặt bằng năm sau cao hơn năm trước, đáp ứng yêu cầu quỹ đất phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nguyên nhân của những kết quả đạt được là nhờ làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nói chung, các quy định của pháp luật về đất đai, về chế độ, chính sách Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng nói riêng; sự lãnh đạo sát sao, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương; chính sách, pháp luật về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng đầy đủ, rõ ràng hơn; quản lý Nhà nước về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng trên địa bàn ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đông Anh cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định: việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Đông Anh chưa thực sự hợp lý, còn để xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, không hiệu quả; cơ chế, chính sách mới đã làm phát sinh một số vấn đề bất cập, khó khăn; một số chính sách theo quy định cũ chưa được giải quyết triệt để gây bức xúc trong nhân dân, dẫn tới khiếu kiện đông người; công tác quản lý hồ sơ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa được chặt chẽ... Nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế nằm ở những bất cập, hạn chế về cơ chế, chính

sách Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng; sự phân cấp chưa rõ ràng; thủ tục hành chình còn rườm ra, nhiều tầng nấc; công tác thanh tra, kiểm tra còn nặng về hành chính, xử lý vi phạm chưa kịp thời...

Chương 3

QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM NÂNG CAO

HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRÊN ĐỊA BÀN

HUYỆN ĐÔNG ANH, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 73 - 78)