III.3 GIÁO LÍ CỦA NHÀ PHẬT

Một phần của tài liệu học Vấn đề tôn giáo trên thế giới và Việt Nam (Trang 39 - 41)

II. ĐẠO CƠ ĐỐC(1)

III.3 GIÁO LÍ CỦA NHÀ PHẬT

Thực chất của đạo Phật là một HỌC THUYẾT về nỗi khổ và sự giải thoát.

Cốt lõi của học thuyết này là Tứ diệu đế (Bốn chân lí cao cả) hay Tứ thánh đế

(Bốn chân lí thánh), đó là:

III.3.1. Khổ đế: là chân lí về các nỗi khổ. Theo Phật con người có 8 nỗi khổ (bát khổ): sinh, lão, bệnh, tử, gần kẻ mình không ưa, xa người mình yêu, cầu mà không được, giữ lấy thủ uẩn: sắc (vật chất tạo thành thân thể), thụ (cảm giác), tưởng (quan niệm), hành (hành động), thức (nhận thức). Vì con người là tập hợp của 5 thứ đó, nên đó cũng là một nỗi khổ (thủ ngũ uẩn). Như vậy với con người khổ đau là vô tận.

III.3.2. Tập đế: Là chân lí về nguyên nhân của nỗi đau khổ. Đó là ái dục (ham muốn), và vô minh (kém sáng suốt). Nguyên nhân chủ yếu của đau khổ là luân hồi, mà nguyên nhân của luân hồi là nghiệp, sở dĩ có nghiệp là do lòng ham muốn. Ham muốn không dứt thì nghiệp không dứt thì luân hồi mãi mãi.

III.3.3. Diệt đế: Chân lí về chấm dứt nỗi khổ. Nguyên nhân của đau khổ là luân hồi, vì vậy muốn diệt khổ phải chấm dứt luân hồi. Muốn chấm dứt luôn hồi phải chấm dứt nghiệp. Đó là một món nợ truyền kiếp này sang kiếp khác do lòng ham muốn tạo nên. Một khi chấm dứt được luân hồi thì sẽ được yên tĩnh, thanh thản, sáng suốt và như vậy đã đạt tới giới Niết bàn.

III.3.4. Đạo đế: Chân lí về con đường diệt khổ, tức là phương pháp thực hiện việc diệt khổ. Con đường đó gọi là Bát chính đạo (8 con đường đúng đắn), gồm: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tịnh tiến, chính niệm, chính định. Chung quy bát chính đạo là suy nghĩ, nói năng và hành động đúng đắn.

Toàn bộ giáo lí của Phật giáo được xếp thành 3 tạng (tạng = chứa đựng):

Kinh tạng chứa các bài thuyết pháp của Phật của một số đệ tử; Luật tạng chứa các lời dạy của Phật về giới luật và nghi thức sinh hoạt của chúng tăng; Luân tạng chứa những lời bàn luận. Phật giáo coi trọng Phật - Pháp - Tăng, gọi là Tam bảo: Đức Phật sáng lập ra Phật giáo; pháp (giáo lí) là cốt tuỷ của đạo Phật; tăng chúng (người xuất gia tu hành) truyền bá Phật pháp trong thế gian.

Phật giáo có nhiều giáo phái nhưng hai giáo phái chính: Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa:

+ Phật giáo Tiểu thừa: nghĩa là "cỗ xe nhỏ" hoặc "con đường cứu vớt hẹp" cho rằng chỉ những người xuất gia mới được cứu vớt. Họ cũng cho rằng chỉ có Phật Thích ca là Phật duy nhất. Việc cứu độ chúng sinh chỉ có Phật mới làm được, những người thường không thể thành Phật. Họ quan niệm Niết bàn là cảnh giới yên tĩnh gắn liền với giác ngộ sáng suốt, không còn phiền não khổ đau.

+ Phật giáo Đại thừa: nghĩa là "cỗ xe lớn", hoặc "con đường cứu vớt rộng" quan niệm không phải chỉ những người tu hành mà cả những người trần tục quy y theo Phật cũng được Phật cứu vớt. Họ cũng quan niệm Phật Thích ca là Phật cao nhất nhưng còn nhiều Phật khác như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Phật Đại Dược sư...và ai cũng có thể thành Phật và thực tế đã có nhiều đạt đến cõi Phật như Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng... Niết Bàn là thế giới của Phật giống như thiên đường. Phái Đại Thừa còn tạo ra Địa ngục, nơi đày đoạ của những kẻ tội lỗi.

Bảng 2: Số lượng các tín đồ Phật giáo trên thế giới

CHI NHÁNH SỐ LƯỢNG TÍN ĐỒ TỈ LỆ (%)

Đại thừa 185 triệu 56

Tiểu thừa 124 triệu 38

Kim cương 20 triệu 6

(Nguồn:Thích Nguyên Tạng - Phật giáo trên khắp thế giới , Melboume,2001 )

Phái Đại thừa phát triển chủ yếu ở khu vực phía Bắc phân bố chủ yếu tại các quốc gia như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên.... do giáo lí thể hiện sự phát triển rộng hơn nên số lượng tín đồ đông gấp 1,47 lần giáo phái Tiểu thừa. Phái Tiểu thừa có hướng phát triển xuống phía Nam (Nam Tông), từ trung tâm đảo Sri Lanca và có sự phân bố chủ yếu ở các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Lào, Cămpuchia...).

Một phần của tài liệu học Vấn đề tôn giáo trên thế giới và Việt Nam (Trang 39 - 41)