6. Ý nghĩa của Luận văn
1.2.2. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ
Trong thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật ứng dụng trong y học phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình nghiên cứu, phát minh mới ra đời như: Ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, phẫu thuật nội soi…đã góp phần tích cực trong việc chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nan y đang xuất hiện ngày càng phổ biến. Điều đó đòi hỏi người hành nghề y phải có kiến thức tổng hợp, chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực như: Ung thư, di truyền học, thần kinh, nhãn khoa, tim mạch, tiêu hóa, huyết học, sản khoa, nhi khoa, chỉnh hình…Do vậy, đội ngũ bác sĩ luôn phải được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ để rèn luyện kỹ năng làm chủ công nghệ kỹ thuật cao nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ bác sĩ, cùng với sự phát triển của y học, sự gia tăng ứng dụng công nghệ cao và nhu cầu ngày càng cao về đội ngũ bác sĩ chuyên khoa trình độ cao, thì hoạt động đào tạo chuyên khoa cũng phải không ngừng mở rộng.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, đến nay, nhiều chính sách đã được ban hành và triển khai liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực của ngành Y tế:
Bộ Y tế ban hành Quyết định số 816/QĐ-BYT ngày 16/3/2012 phê duyệt kế hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020 [37]; với mục tiêu chung là “phát triển nhân lực y tế đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý, để góp phần nâng cao chất lượng công tác y tế, dân số, và đáp ứng nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.”.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013, phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 [29], với mục tiêu chung là “Bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số.”.
Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo [3]; Nghị quyết đặt mục tiêu chung tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Trong đó, đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ngày 07/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2054/QĐ-TTg phê duyệt danh mục Dự án “Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” [27], mục tiêu chính của Dự án là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực y tế, quản lý y tế và tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 phê duyệt đề án khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh giai đoạn 2013
– 2020 [29]; với mục tiêu chung là bảo đảm đáp ứng về cơ bản nguồn nhân lực y tế thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thuọc các lĩnh vực chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh.
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2013/BYT-BYT ngày 09/8/2013 về hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế [38]; theo đó, cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở y tế phải có nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhiệm; xem đây là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và quá trình phát triển nghề nghiệp của cán bộ y tế. Nếu người hành nghề khám, chữa bệnh không thực hiện đủ thời gian đào tạo liên tục sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 [31], Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế chủ trì “Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn năng lực và nhu cầu sử dụng của hệ thống y tế. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.”.
Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực ngành Y tế nói chung, đội ngũ bác sĩ nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện và đạt được kết quả khả quan. Số bác sĩ/vạn dân được đào tạo tăng theo hàng năm, cụ thể:
Bảng 1. 1: Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu bác sĩ/vạn dân
Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 (sơ bộ) Ghi chú 7,33 7,3 7,66 7,9 8,0 8,4 Mục tiêu năm 2015 là 8,0 (Nguồn: Niên giám thống kê năm 2015, 2016 của Tổng cục Thống kê)
Song song với việc ban hành các chính cách đào tạo nguồn nhân lực, Chính phủ cũng đặc biệt chú trọng đến sự gia tăng về cơ sở đào tạo, chất lượng đào tạo. “Mạng lưới các cơ sở đào tạo cán bộ y tế đã được mở rộng đáng kể trong thời gian qua. Tính đến tháng 6/2014, cả nước đã có 173 cơ sở đào tạo CBYT ở tất cả các trình độ với 68 cơ sở đào tạo ngoài công lập. Trong số đó, có 35 cơ sở đào tạo trình độ đại học (14 trường y tế, 21 trường đa ngành), tăng 10 cơ sở so với năm 2010, 44 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và 123 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp” [40, tr 38].