6. Ý nghĩa của Luận văn
2.3.2. Những tồn tại hạn chế
Thứ nhất: Tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quy hoạch chung để phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, đây là Quy hoạch mang tính chất định hướng chung, không quy định cụ thể việc thực hiện và quy định mục tiêu cụ thể cho từng năm đối với từng ngành, lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk chưa ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành mình theo định hướng chung; chưa xác định được giải pháp thực hiện và mục tiêu hàng năm phải đạt được; Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn 2011 – 2015 chưa thực hiện thành công mục tiêu đạt 8,5 bác sĩ/10 nghìn dân, chỉ thực hiện đạt 7,05 bác sĩ/10 nghìn dân và trong năm 2016 kết quả thực hiện mục tiêu này tiếp tục sụt giảm, chỉ đạt mức 6,08 bác sĩ/10 nghìn dân.
Thứ hai: Mặc dù, ngành Y tế đã chú trọng thực hiện công tác tuyển dụng bác sĩ, tuy nhiên, các kỳ tuyển dụng đều không đạt mục tiêu đề ra, đa số các BVCL của tỉnh Đắk Lắk không tuyển đủ chỉ tiêu bác sĩ, một số BVCL của tỉnh Đắk Lắk không tuyển dụng được bác sĩ. Dù đã có cơ chế xét tuyển bổ sung đối với những vị trí người trúng tuyển không đến nhận công tác, tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt bác sĩ như hiện nay, đặc biệt là các BVCL của tỉnh Đắk Lắk ở tuyến huyện, vùng kinh tế khó khăn, ngành Y tế vẫn chưa có cơ chế xét tuyển nguyện vọng 2, theo hướng xét tuyển và động viên những
bác sĩ có số điểm xét tuyển đạt theo quy định nhưng không trúng tuyển do có tổng điểm thấp hơn những ứng viên khác đến nhận công tác (phù hợp với vị trí việc làm) tại các BVCL khác, nơi mà chưa tuyển đủ bác sĩ, hoặc xét tuyển để bố trí ở những vị trí việc làm khác phù hợp với trình độ của người ứng tuyển. Thêm vào đó, thành phần Hội đồng tuyển dụng chủ yếu là cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước; chưa có nhiều sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tham gia Hội đồng tuyển dụng để nâng cao chất lượng tuyển dụng bác sĩ có trình độ chuyên môn thực tế cao.
Thứ ba: Việc giao định biên viên chức cho các BVCL của tỉnh Đắk Lắk mặc dù được tỉnh quan tâm thực hiện, tuy nhiên, tình trạng thiếu định biên viên chức (bác sĩ) giao cho các BVCL của tỉnh Đắk Lắk diễn ra phổ biến; số lượng bác sĩ làm việc thực tế chỉ đạt ở mức dưới 60% so với định biên theo quy định.
Thêm vào đó, việc giao biên chế hiện nay được thực hiện theo phương thức trọn gói, nghĩa là trên cơ sở tổng số biên chế được UBND tỉnh giao, Sở Y tế sẽ giao tổng biên chế cho BVCL của tỉnh Đắk Lắk và BVCL của tỉnh Đắk Lắk sẽ căn cứ các quy định để phân ra số biên chế viên chức là bác sĩ, dược sỹ, y tá…Việc để cho các BVCL của tỉnh Đắk Lắk tự phân khai biên sẽ dễ dẫn đến tình trạng biên chế được sử dụng không đúng mục đích; đồng nghĩa với việc các BVCL của tỉnh Đắk Lắk sẽ sử dụng biên chế cho vị trí bác sĩ để tuyển dụng cho vị trí việc làm khác, đặc biệt là trong bối cảnh các BVCL của tỉnh Đắk Lắk không tuyển dụng được bác sĩ, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân dân ngày càng gia tăng. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến xảy ra tình trạng các BVCL của tỉnh Đắk Lắk có cùng hạng, cùng số gường bệnh nhưng số lượng bác sĩ được bố trí không giống nhau; thậm chí xảy ra tình trạng BVCL của tỉnh Đắk Lắk có số gường bệnh ít hơn nhưng lại có số lượng bác sĩ nhiều hơn so với các BVCL khác.
Thứ tư: Mặc dù đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn được bố trí làm việc tập trung ở các BVCL của tỉnh Đắk Lắk, nhưng việc phân bổ đội ngũ này là không đồng đều giữa các BVCL của tỉnh Đắk Lắk; đặc biệt các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao chủ yếu tập trung ở BVCL tuyến tỉnh; điều này, đã góp phần làm hạn chế chất lượng cung cấp các dịch vụ y tế ở các BVCL tuyến huyện, đặc biệt là ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.
Thứ năm: Mặc dù tỉnh Đắk Lắk đã có các chính sách thu hút bác sĩ đến làm việc trong ngành Y tế nói chung và tại các BVCL của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, tuy nhiên, các chính sách này chưa thật sự phát huy hiệu quả và bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần có sự thay đổi với cách tiếp cận mới.
Nghề y là một nghề đặc biệt, bác sĩ có thời gian đào tạo dài hơn các ngành nghề khác với đầu vào khắt khe; trong quá trình đào tạo, sinh viên ngành y chịu rất nhiều áp lực từ việc vừa phải tiếp thu một lượng kiến thức khổng lồ vừa phải đi trực tại các Bệnh viện; vì vậy, khi ra trường các sinh viên ngành y thường chọn cho mình một vị trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, vừa phải đảm bảo thu nhập phục vụ cuộc sống và tiếp tục học tập để nâng cao trình độ.
Trong bối cảnh khối y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, với nhiều cơ hội việc làm và mức lương được chi trả dựa trên năng lực trình độ, hiệu quả làm việc của bác sĩ; thì việc chi trả một lần chế độ thu hút khoảng hơn 10 triệu đồng và mức hỗ trợ hàng tháng khoảng hơn 100 ngàn đồng là rất thấp, không có tác động rõ nét đến đời sống của người được thụ hưởng; chưa tạo được động lực để thu hút các bác sĩ.
Thêm vào đó, vì bác sĩ có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp nên việc không có một chính sách thu hút, đãi ngộ tốt sẽ không thể giữ chân được các bác sĩ có trình độ làm việc tại các BVCL của tỉnh Đắk Lắk; đây là một trong những lý do mà từ năm 2011 – 2016 có 25 bác sĩ xin nghỉ việc và với xu
hướng ngày càng tăng.
Thứ sáu: Mặc dù công tác đào tạo đã được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện tốt; tuy nhiên, việc cử bác sĩ đi đào tạo chủ yếu tập trung ở BVCL tuyến tỉnh, chưa có sự phân bổ đồng đều ở các BVCL tuyến huyện, điều đó, gây ra sự chênh lệch về trình độ và khả năng cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng tốt của các BVCL tuyến huyện; ngoài ra, vì có ít bác sĩ có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các BVCL tuyến huyện nên chưa tạo được thương hiệu và lòng tin của người dân đối với việc cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh của BVCL tuyến huyện, điều đó góp phần xảy ra tình trạng quá tải cho BVCL tuyến trên.
Theo quy định tại điểm c, Khoản 4, Điều 36, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, ngày 12/4/2012 quy định thì viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết (gấp 02 lần thời gian đào tạo) thì sẽ phải đền bù chi phí đào tạo. Như vậy, điều kiện ràng buộc để bác sĩ phải làm việc ở các BVCL của tỉnh Đắk Lắk sau khi kết thúc khóa đào tạo là không cao. Trong khoảng thời gian đi học, bác sĩ được Nhà nước chi trả lương, học phí, tài liệu, chi phí đi lại và một số chi phí khác, sau khi tốt nghiệp, khi có cơ hội việc làm và mức thu nhập tốt hơn, bác sĩ có thể chấp nhận điều kiện đền bù chi phí đào tạo để đến làm ở vị trí mới.
Thứ bảy: Công tác đánh giá bác sĩ mặc dù ngày càng đi vào thực chất hơn, tuy nhiên, việc huy động sự tham gia của khách hàng (bệnh nhân) trong đánh giá đối với cung cách, thái độ phục vụ của bác sĩ là còn hạn chế; BVCL của tỉnh Đắk Lắk chưa có cách thức thuận lợi để khách hàng trực tiếp đánh giá bác sĩ. Công tác thi đua khen thưởng mặc dù đã triển khai kịp thời, nhưng việc khen thưởng ở cấp tỉnh đối với đội ngũ bác sĩ không giữ chức vụ quản lý là chưa thỏa đáng.