a. Hoàn thiện quy định về phạm vi áp dụng
Hiện nay, trong bối cảnh Luật Việc làm năm 2013 với quan điểm BHTN là một trong các chính sách của thị trường lao động và gắn với quan hệ lao động thì việc chuyển BHTN sang Luật Việc làm là phù hợp. Nhưng theo quy định thì nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; lực lượng vũ trang; những người lao động làm việc theo mùa vụ sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Và rõ ràng, đối tượng áp dụng bảo hiểm thất nghiệp hẹp hơn rất nhiều so với đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc và cần được mở rộng nhóm đối tượng này.
b. Hoàn thiện quy định về đối tượng áp dụng
Ngày 20/11/2014, Luật BHXH đã được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện ổn định theo các văn bản hướng dẫn Luật BHXH như: người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí và bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Việc mở rộng đối tượng áp dụng chế độ BHXH bắt buộc đối với học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học hưởng sinh hoạt phí từ Ngân sách Nhà nước và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Quy định mới này sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng diện bao phủ của BHXH bắt buộc, bởi các nhóm đối tượng này khá ổn định và chiếm một tỷ lệ tương đối. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang có một lực lượng khá đông đảo đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã đang được hưởng phụ cấp
khác với 10 năm về trước phần lớn cán bộ không chuyên trách cấp xã là do nhiều cán bộ về hưu đảm nhận, nên chưa có chính sách BHXH. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách cấp xã gắn bó tâm huyết với công việc đang đảm nhận thì việc quy định chính sách BHXH là rất cần thiết.
Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng được giao kết bằng văn bản, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật lao động. Luật BHXH năm 2014 mở rộng BHXH bắt buộc cho nhóm đối tượng này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc của BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, quy định này để triển khai được trên thực tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi, nhóm này rất khó quản lý, do tính chất đặc thù của loại lao động này thay đổi thường xuyên, công việc không ổn định, nơi cư trú cũng thay đổi theo trong khi cơ chế quản lý về lao động, tiền lương và thủ tục tham gia đóng BHXH, dừng đóng BHXH còn nhiều hạn chế. Nhằm mở rộng diện bao phủ của BHXH đến đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động, đảm bảo ASXH, để thuận tiện cho NLĐ và NSDLĐ thực hiện được quy định mới này, cần có lộ trình, phương án cụ thể, đặc biệt là sự chuẩn bị về nhân lực, phương tiện công nghệ thông tin cho ngành BHXH và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý về lao động tại địa phương và cơ quan BHXH.
Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Về bổ sung nhóm đối tượng này, bên cạnh mặt tích cực là đem lại quyền lợi chính đáng cho NLĐ trong những trường hợp NSDLĐ sử dụng hình thức ký HĐLĐ này để trốn tránh việc đóng BHXH cho NLĐ. Do vậy, với việc bổ sung nhóm đối tượng này sẽ khắc phục được hiện tượng “lách luật” của đơn vị trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ. Nhưng trong nhiều trường hợp, lao động hợp đồng có thời hạn 3 tháng thường là hợp đồng thử việc, sau thử việc có thể được kí hợp đồng tiếp hoặc không. Việc bổ sung đối tượng là NLĐ làm việc theo
HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, trường hợp NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng cũng có những đặc thù tương tự.
Từ những vấn đề nêu trên, hình thức HĐLĐ đối với những công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng nên chăng chuyển sang đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ NSDLĐ phải kê khai và chi trả đầy đủ các khoản BHXH cho NLĐ có công việc tạm thời dưới 3 tháng để NLĐ có công việc tạm thời dưới 3 tháng có quyền và được tự nguyện nộp BHXH tại địa phương nơi cư trú hoặc làm việc thường xuyên của NLĐ. Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (khoản 2 Điều 2). Việc bổ sung nhóm đối tượng này, sẽ không chỉ mang ý nghĩa mở rộng đối tượng, mà còn tiến tới sự phù hợp với quá trình phát triển thị trường lao động.