Hệ thống chính sách pháp luật của nhà nước phản ánh mức độ “trơn tru”, chuyên nghiệp hoá của toàn bộ hoạt động BHXH. Các chính sách càng rõ ràng, càng phù hợp với điều kiện thực tế khách quan bao nhiêu thì hoạt động BHXH càng chuẩn xác bấy nhiêu. Thực tế đã minh chứng, quốc gia nào có hệ thống chính sách pháp luật càng rõ ràng, càng minh bạch thì các hoạt động trong nội tại của quốc gia đó càng chính xác. Các chính sách pháp luật của nhà nước nó phản ánh sự ưu tiên đối với một hoạt động cụ thể. Chính sách BHXH của nhà nước ảnh hưởng đến việc thực hiện quản lý, tổ chức hoạt động BHXH. Nó thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với đời sống người lao động nói riêng và tới các phúc lợi của xã hội nói chung. Hệ thống chính sách pháp luật nhà nước về BHXH càng rõ ràng, chi tiết thì việc thực hiện các hoạt động BHXH càng thiết
thực, và BHXH mới thực sự trở về với đúng bản chất của nó “đảm bảo cuộc sống cho người lao động”.
Hệ thống chính sách pháp luật nhà nước về BHXH sẽ tạo ra cơ sở pháp lí cho cải cách thủ tục hành chính ngành BHXH. Khuôn khổ pháp luật cho cải cách thủ tục hành chính ngành BHXH phải đạt được những yêu cầu sau:
- Phải có nội dung phù hợp với thể chế kinh tế mới;
- Phải tạo ra được một chế độ công vụ, hình thành được các chế định về nghĩa vụ hành chính; trách nhiệm của cơ quan hành chính và công chức hành chính trước dân; và thiết lập một cơ chế kiểm soát của nhân dân đối với cơ quan hành chính.
Đối với nước ta, BHXH là chính sách quan trọng là trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước, nếu làm tốt công tác này sẽ góp phần bảo đảm đời sống nhân dân, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thu hút, mở rộng càng nhiều người tham gia BHXH, tức là chính sách BHXH của Đảng đã đi vào cuộc sống, được người dân hưởng ứng, đón nhận. Khi nhiều người tham gia đóng BHXH thì quỹ BHXH càng lớn, an sinh xã hội càng được bảo đảm. Đại hội VII của Đảng ta đã đề ra chủ trương đổi mới chính sách BHXH theo hướng phát triển tới người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế, từng bước tách quỹ BHXH khỏi Ngân sách nhà nước. Tới các kỳ Đại hội VIII, IX và X, XI bên cạnh việc khẳng định quan điểm tiếp tục đổi mới thực hiện chính sách BHXH, BHYT, từng bước mở rộng vững chắc hệ thống BHXH, Đảng ta đã đề ra mục tiêu tiến tới áp dụng chế độ BHXH cho mọi người lao động, mọi tầng lớp nhân dân và tiến tới BHYT toàn dân. Ngày 26/5/1998 Bộ Chính trị ra Chỉ thị 15-CT/TW về tăng cường lãnh đạo thực hiện chế độ BHXH đã chỉ rõ "Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Như vậy, chính sách BHXH, BHYT qua mỗi thời kỳ, giai đoạn lại càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong xã hội, trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, khẳng
định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về BHXH, BHYT là đúng đắn. Để chính sách BHXH, BHYT thực sự đi vào lòng dân, yêu cầu đặt ra đối với ngành BHXH càng cao, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của toàn Ngành trên mọi lĩnh vực nghiệp vụ, trong đó trực tiếp nhất là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, phải cải cách hơn nữa, đơn giản, thuận tiện hơn nữa, phong cách phục vụ chu đáo, tận tâm hơn nữa mới tạo được niềm tin trong nhân dân. Như vậy, cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu, là điều kiện đối với sự phát triển của ngành BHXH.