Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Ngành tài nguyên và môi trường đã được ban hành hai Nghị quyết quan trọng của Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi
khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; cùng với việc ban hành các Luật đất đai, Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước... tạo hành lang pháp lý khá đồng bộ cho công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong thực tiễn, phát huy nguồn lực về tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững.
Thứ hai, cơ cấu tổ chức bộ máy của Phòng tài nguyên và môi trường của thị xã tiếp tục được hoàn thiện, kiện toàn, từng bước đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ; kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức trong phòng đã được nâng lên.
Đã kịp thời báo cáo, phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường trong xử lý những vấn đề mang tính chiến lược như biến đổi khí hậu; đề xuất các giải pháp trong giải quyết các vấn đề nóng của địa phương; phối hợp xử lý các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm, khai thác đất san lấp, cát sỏi trái phép... Công tác quản lý nhà nước về đất đai đã có chuyển biến rõ nét, hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo yêu cầu của Quốc hội, đã tập trung cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, bước đầu hình thành nên mô hình quản lý đất đai hiện đại; kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, lãng phí đất đai bước đầu đã đạt được kết quả tích cực; vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản được tháo gỡ góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; Tích cực triển khai Luật tài nguyên nước, Luật khoáng sản; thực hiện tốt công tác báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh trong việc chấn chỉnh công tác cấp phép tài nguyên khoáng
sản; tài nguyên nước, khoáng sản được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả theo hướng bền vững. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các điểm nóng về môi trường tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương đã cơ bản được xử lý như: Công ty TNHH Hà Xuyên, Như Ý..., công tác thẩm định Kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ được nâng cao...
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường cho cán bộ quản lý, nhân dân trên địa bàn được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo thực hiện nên đã đạt nhiều kết quả. Cụ thể, 100% cán bộ làm công tác quản lý về đất đai, tài nguyên và môi trường đều được tham gia tập huấn, bồi dưỡng các điểm mới quy định tại Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, phần lớn người dân đều hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi sử dụng đất, khai thác tài nguyên. Kết quả thể hiện rõ ở việc công tác cấp GCNQSDĐ trên địa bàn thị xã chuyển biến rõ rệt, tỉ lệ cấp GCN tăng cao, người dân chủ động kê khai, đăng ký cấp GCN và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, việc khai thác đất san lấp, cát sỏi trái phép giảm rõ rệt, doanh nghiệp chủ động xin cấp phép khai thác mỏ... công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được chặt chẽ và có hiệu quả hơn.
Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được chỉ đạo triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế và các sai phạm để xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm; đồng thời qua thanh tra, kiểm tra những hạn chế về chính sách, pháp luật cũng được kịp thời bổ sung, hoàn thiện.