1.3.2.1. Mục tiêu, chiến lược phát triển và quan điểm về vấn đề tạo động lực cho giáo viên của nhà trường
Bất kỳ nhà trường nào cũng đều đặt ra mục tiêu và chiến lược phát triển cụ thể của mình. Và muốn làm được như vậy, cần phát huy cao độ yếu tố làm việc cho giáo viên trong điều kiện hiện nay. Các chính sách quản trị nhân lực nói chung và chính sách tạo động lực nói riêng đối với giáo viên nói riêng phải hướng tới việc đạt được mục tiêu và chiến lược phát triển của nhà trường qua các năm học và phát triển ngành giáo dục huyện nhà.
Nhà trường mà cụ thể là các nhà quản lý chính là người sử dụng lao động. Do vậy, quan điểm của họ có ảnh hưởng mang tính quyết định đến việc hoạch định chính sách của nhà trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào người quản lý nhà trường cũng có quan điểm đúng; nên cần tham khảo và rút ra kinh nghiệm từ các nhà trường khác trong quản lý nhân sự để đưa ra các chính sách tạo động lực thúc đẩy giáo viên làm việc hăng say và có hiệu quả.
1.3.2.2. Phong cách lãnh đạo, quản lý
Trong nhà trường, người lãnh đạo, quản lý là người trực tiếp quản lý và chỉ đạo người lao động do đó phong cách lãnh đạo sẽ ảnh hưởng tâm lý, kết quả làm việc của cấp dưới, bầu không khí làm việc. Một lãnh đạo giỏi và nhiều kinh nghiệm sẽ biết cách làm việc hiệu quả với nhiều giáo viên khác nhau, từ đó tạo ra sự vui vẻ, hòa đồng trong môi trường làm việc, hiệu suất
công việc cao hơn. Ngược lại, một nhà quản lý thiếu kinh nghiệm sẽ làm cấp dưới không phục, làm việc thiếu nhiệt tình. Có 3 phong cách lãnh đạo rõ ràng: Người lãnh đạo có phong cách độc đoán, chuyên quyền: Họ đưa ra các quyết định và người lao động phải thực hiện nên tạo tâm lý căng thẳng, không có động lực làm việc. Tuy nhiên sẽ phát huy hiệu quả những khi cần quyết định nhanh, quyết đoán.
Người lãnh đạo có phong cách dân chủ: Trong quá trình ra quyết định sẽ tham khảo ý kiến của người lao động, tạo lập tinh thần hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, đôi lúc sẽ chậm trễ trong việc ra quyết định nếu người lãnh đạo không quyết đoán.
Người lãnh đạo có phong cách tự do: Những người này cho phép nhân viên cấp dưới đưa ra các quyết định, giảm chi phí quản lý trung gian, nhưng nếu cấp dưới không đủ năng lực sẽ đem lại thiệt hại cho nhà trường.
Do vậy, để tạo động lực làm việc hiệu quả, tổ chức cần có chính sách đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý đúng đắn và có chính sách đào tạo cán bộ kế cận hợp lý.
1.3.2.3. Vị thế, tiềm năng của nhà trường
Việc lựa chọn chính sách tạo động lực lao động hiệu quả phụ thuộc vào vị thế, tiềm năng của từng trường; nếu trường trung học cơ sở có vị thế trung tâm huyện thì sự ảnh hưởng tác động lớn, thuận lợi khác so với các trường trung học cơ sở ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh. Vị thế, tiềm năng của nhà trường càng cao thì các nguồn lực phục vụ thực thi chính sách tạo động lực lao động càng lớn và hiệu quả càng cao.