7. Kết cấu của luận văn
2.2.3. Các chính sách giảm nghèo bền vững ở Việt Nam
Trên cơ sở định hướng của Đảng về giảm nghèo bền vững, Chính phủ ban hành các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong phạm vi cả nước. Đó là:
- Thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo
Chính sách tín dụng cho hộ nghèo được chú trọng thực hiện trong giai đoạn 2001 đến 2010 và giai đoạn 2011 đến nay vẫn còn hiệu lực, được sử dụng để thực hiện chủ trương giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách tín dụng dành cho hộ nghèo là chương trình được triển khai rộng rãi, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Nhờ chính sách này thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội từ năm 2005 - 2012, đã có gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm mục đích cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Chính sách này được thực hiện theo Quyết định số 167/QĐ-TTg
ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Tiếp đó ngày 29/10/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 67/QĐ-TTg để bổ sung thêm đối tượng là các hộ nghèo, có khó khăn về nhà ở.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo
Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo với mục đích nhằm hỗ trợ miễn phí 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo để được khám, chữa bệnh, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người nghèo. Chính sách này được thực hiện theo Nghị định số 62/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Luật Bảo hiểm y tế; Thông tư số 09/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế; Quyết định 538/QĐ- TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 08/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về nâng mức hỗ trợ đóng thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo
Chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo được thực hiện theo Nghị định số 49/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ và Nghị định số 74/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010- 2011 đến năm 2014- 2015, có hiệu lực thực hiện từ 01/9/2013.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt
Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt được thực hiện theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào
- Thực hiện chính sách hỗ trợ về trợ giúp pháp lý đối với người nghèo
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào DTTS, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác, giúp họ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống. Đây là một trong những chính sách được triển khai thực hiện trong các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ. Để thực hiện chính sách này, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006, Chính phủ đã ban hành: Quyết định số 52/QĐ-CP ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011- 2020. Năm 2011, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đã đề ra mục tiêu tổng quát là: “Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng” [2].
- Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1489/2012/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã đề ra mục tiêu là: “Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư”. Các chính sách giảm nghèo bền vững bao gồm các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù được thực hiện thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững [3].
Các chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình, dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và các chương trình khác phải tập trung các hoạt động và nguồn lực ưu tiên đầu tư trước cho các huyện nghèo, xã nghèo để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở các địa bàn này.