6. Kết cấu của đề tài
2.3.2. Những tồn tại và nguyên nhân
2.3.2.1. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những thành công bước đầu, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân các KCN trong quá trình triển khai vấp phải không ít khó khăn. Mặc dù việc quy hoạch đất đai để xây dựng hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân, các ưu đãi đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân đã được đề cập trong các Luật, Văn bản của Trung ương, địa phương nhưng việc thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc.
Việc quy hoạch phát triển các KCN thường chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển; chưa chú trọng gắn việc xây dựng quy hoạch chi tiết từng khu công nghiệp với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, đặc biệt là đối với người lao động nhập cư.
Thực tế phát triển các khu công nghiệp thời gian qua đã đặt ra vấn đề nhà ở cần phải được giải quyết phù hợp với thu nhập của công nhân, nhất là công nhân nhập cư. Hiện nay, đa số công nhân đang phải sống rất khó khăn do thiếu chỗ ở. Một số phải chấp nhận sống trong những khu nhà tạm bợ với diện tích khiêm tốn, một số khác phải thuê nhà ở bên ngoài. Một thực tế hiện nay ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đó là người công nhân đang phải sống trong những điều kiện hết sức khó khăn, đa số phải đi thuê nhà với chất lượng nhà ở thấp. Một số khu công nghiệp cũng đã có những khu nhà ở dành cho công nhân nhưng số lượng nhà như vậy là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, việc phát triển quỹ nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp đang là mục tiêu được tỉnh hướng tới để từng bước nâng cao chất lượng sống tại các khu vực này.
Tình trạng hàng trăm nghìn công nhân nhập cư làm việc trong các khu công nghiệp chưa có nhà ở ổn định trở thành phổ biến đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp không những cho bản thân người công nhân nhập cư, mà cả các địa phương nơi có khu công nghiệp, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp.
Hiện tại, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thu hút được gần 30 vạn lao động trực tiếp, trong đó có đến gần 70% là lao động nhập cư. Ở hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, số người lao động nhập cư có điều kiện sống rất khó khăn. Do lao động nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp tăng mạnh về số lượng, dẫn tới nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi hầu hết chính quyền địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp đều chưa chú trọng tới việc xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá thấp. Điều này chủ yếu do việc xây dựng nhà ở đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao, nên rất ít doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Các địa phương phát triển nhanh về khu công nghiệp cũng chưa có những quyết sách căn cơ để giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân nhập cư.
Số lao động nhập cư thường phải thuê nhà trọ ở khu vực xung quanh khu công nghiệp để cư trú với chất lượng thấp, không đảm bảo điều kiện vệ sinh và điều kiện sống tối thiểu. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động nhập cư và vấn đề vệ sinh môi trường sống của những khu vực xung quanh khu công nghiệp. Với mức thu nhập thấp và điều kiện nhà ở khó khăn hiện nay, người lao động rất thiếu điều kiện để thoả mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu tình cảm. Đặc biệt, trong các khu công nghiệp có số lao động nữ nhiều, vấn đề hôn nhân và gia đình trở nên bức xúc nhưng chưa được các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể quan tâm thỏa đáng.
Các chính sách để phát triển hệ thống trường học, y tế, văn hóa nhằm chăm sóc sức khỏe thân thể, tinh thần cho công nhân khu công nghiệp mới ở giai đoạn hoạch định chính sách, việc thực thi chưa có kết quả khả quan. Hiện nay, trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có 8 trường mầm non với 29 nhóm lớp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu gửi con của các nữ công nhân. Nhiều công nhân phải gửi con ở các trường tư thục với chi phí lớn, vì vậy phải cắt giảm các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày để dành kinh phí cho con học tập. Tại các khu công nghiệp mới chỉ xây dựng các trạm y tế với trang thiết bị thô sơ, có khả năng khám chữa các bệnh thông thường, chưa đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho công nhân. Các thiết chế văn hóa cũng mới chỉ ở trong giai đoạn quy hoạch, chứ chưa được xây dựng, vì vậy đời sống tinh thần của công nhân lao động chưa được đảm bảo.
2.3.2.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Có thể nói thực trạng về nhà ở của công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay đang có tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu cả về số lượng và chất lượng. Cung về nhà ở thì có hạn mà cầu thì ngày càng gia tăng mạnh mẽ cùng với sự phát triển của các KCN. Có thể tựu chung lại thực trạng trên là do những nguyên nhân sau:
* Thứ nhất, các cơ chế chính sách của nhà nước còn chưa đồng bộ và chưa đầy đủ:
Xét ở tầm vĩ mô ta thấy, số lượng lao động trong các KCN tăng nhanh nhưng quy hoạch phát triển KCN chưa tính tới yêu cầu về chỗ ở của công nhân. Khi lập các dự án đầu tư xây dựng các KCN, các chủ dự án đầu tư hầu như không quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Cho đến khi tất cả đã xong xuôi, cơ sở hạ tầng đã hoàn thành thì vấn đề nhà ở cho công nhân mới trở nên bức xúc.
Thời gian qua chúng ta chưa có những chính sách đồng bộ về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân nhất là trong cơ chế thị trường không thể chỉ dựa vào vấn đề đầu tư từ ngân sách Nhà nước như thời bao cấp nhưng cũng không thể thả nổi cho doanh nghiệp và người công nhân.
Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cũng đã có những tìm tòi, vận dụng nhưng hiện vẫn chưa có một cơ chế chính sách nào có thể vận dụng chung để giải quyết tương đối hiệu quả vấn đề nhà ở cho công nhân các KCN từ khía cạnh doanh nghiệp.
* Thứ hai, sự quan tâm của địa phương tới vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN còn chưa đúng mức:
Đứng trên quan điểm về quản lý nhà nước, việc đặt vấn đề xây dựng nhà cho lao động trong các KCN phải là nhiệm vụ của cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh. Việc quy hoạch, hình thành, xây dựng và phát triển các KCN là do nhu cầu và đề xuất của các chính quyền cấp tỉnh. Tuy nhiên đến nay các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn chưa có những động thái cụ thể trong vấn đề này. Đồng thời từ phía các cơ quan Trung ương cũng chưa có được những giải pháp, những cơ chế đủ để giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, khi trình phê duyệt các quy hoạch KCN hầu như luôn kèm những phương án phát triển những khu tái định cư, khu nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, khi KCN được phê duyệt thì động thái tiếp theo của chính quyền cấp tỉnh về phát triển khu nhà ở cho công nhân hầu như không được triển khai.
* Thứ ba, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập:
Các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phát triển với tốc độ nhanh hơn tốc độ phát triển của các đô thị. Việc đầu tư cho phát triển đô thị ít hơn phát triển công nghiệp, nhất là các hạ tầng khung cho đô thị có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Quy hoạch đô thị và phát triển các KCN chưa nắm bắt kịp những xu thế mới của tiến trình đô thị hoá, CNH- HĐH và những lợi thế về mặt địa điểm đã dẫn đến những ý tưởng thiếu thực tế và vì vậy không đáp ứng được thực tiễn phát triển. Bên cạnh đó, tính cạnh tranh quyết liệt trong thu hút đầu tư đã dẫn tới tình trạng thiếu phối hợp giữa các địa phương và giữa các cấp các ngành trong các chính sách phát triển kinh tế nói chung cũng như trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị nói riêng.
* Thứ tư, cơ sở hạ tầng yếu kém:
Phát triển công nghiệp thường kéo theo gia tăng dân số cơ học tại các đô thị. Thực tế đó cũng đặt ra bài toán đối với tỉnh Bắc Ninh về khả năng đáp ứng được về cơ sở hạ tầng. Hiện nay hệ thống hạ tầng kĩ thuật chủ yếu là tập trung tại nơi có mật độ dân cư cao, khu vực trung tâm và các đô thị hay bên trong các KCN trung tâm. Nếu như cơ sở hạ tầng được xây dựng để phục vụ cho các KCN và các vấn đề xã hội khác thì cũng gặp phải những vấn đề khó khăn về ngân sách, hạn chế về công tác đền bù, giải tỏa, việc xây dựng hàng rào bên trong và hàng rào bên ngoài dự án cũng chưa thể kịp để đáp ứng tiến độ của dự án. Có nhiều nơi mạng lưới giao thông bên ngoài các KCN, cụm công nghiệp chưa phát triển mạnh gây nên tình trạng khó khăn trở ngại cho việc liên hệ giữa các đô thị với các KCN và các vùng lân cận khác.
Có một xu hướng chung là hệ thống giao thông công cộng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, ngay cả ở TP. Bắc Ninh thì tỷ lệ này cũng không phải là cao. Điều này khiến cho tình trạng ách tắc giao thông rất phổ biến, mặt khác đất dành cho xây dựng hệ thống giao thông mới đạt được 5% đất đô thị. Từ đó làm cho sự tiếp cận giao lưu giữa các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt, nghỉ ngơi, kinh doanh, sản xuất trong các KCN bị hạn chế một cách nghiêm trọng.
Ngoài hệ thống giao thông, thì việc cung cấp điện nước cho các đô thị, các KCN cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt
của công nhân. Việc cung cấp điện nước cho các khu đô thị, KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay chưa có quy hoạch và kế hoạch khai thác cân đối và hợp lý, quá trình thực hiện còn nhiều chậm trễ đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các doanh nghiệp KCN cũng như khả năng thu hút đầu tư vào KCN nói chung và lĩnh vực nhà ở cho công nhân tại các KCX nói riêng.
* Thứ năm, nguồn vốn và quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn hạn hẹp:
Vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay đang lâm vào tình trạng khó khăn như trên không thể không nói đến một nguyên nhân rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đầu tư xây dựng đó là nguồn vốn và quỹ đất dành cho xây dựng.
Xuất phát từ việc không có đủ cơ chế, chính sách chỉ đạo triển khai nên hiện nay quỹ đất để có thể hình thành và xây dựng các khu nhà cho lao động các KCN đang thiếu nhiều. Để có thể tạo ra các quỹ đất này thì công tác giải phóng mặt bằng phải được triển khai đồng bộ. Tuy nhiên khi đó vấn đề đặt ra sẽ là chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất cao vì khi KCN đã và đang trong giai đoạn hình thành thì sẽ kéo theo giá đất xung quanh các KCN bị đẩy lên rất cao. Có thể lấy một ví dụ như KCN Thuận Thành, hiện rất khó có thể tạo được quỹ đất để phục vụ cho lao động trong KCN. Hoặc như KCN Quế Võ, đất xung quanh hiện đã là đất đô thị nên quỹ đất để có được là cả một vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm.
Ngoài ra, việc huy động các nguồn vốn từ khu vực tư nhân để xây dựng nhà ở cho công nhân còn khó khăn, do đây là các dự án gắn liền với phúc lợi xã hội, có khả năng sinh lợi thấp và thu hồi vốn chậm, vì vậy việc phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chưa thỏa mãn nhu cầu của công nhân lao động.
* Thứ sáu, xây nhà ở không đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng xã hội (như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, bưu điện, chợ, siêu thị,...). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng ở một số khu nhà ở đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở. Một trong những đặc điểm khác biệt giữa nhà ở cho sinh viên và nhà ở cho người lao động là người lao động có nhu cầu về lập gia đình, có nhu cầu sinh con, như vậy nhu cầu nhà trẻ, trường học, trạm y tế là không thể thiếu. Tuy nhiên do không có quy hoạch quỹ đất nên việc quy hoạch và thiết kế nhà ở cho sinh viên và cho công nhân lao động không có sự khác biệt lớn.
Tiểu kết chương 2
Trong chương này, tác giả đã nêu, phân tích, đánh giá được toàn bộ thực trạng thực hiện các chính sách nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; đánh giá các khâu trong cả quá trình thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Tác giả đã đi sâu phân tích, đánh giá quá trình thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, để tìm ra nguyên nhân và những điểm hạn chế của chính sách về các mặt: Chính sách tại điều kiện, sự phối hợp tổ chức thực hiện để thấy rõ được những kết quả đạt được và những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách nhà ở cho công nhân các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua.
Thông qua phân tích thực trạng của quá trình thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cho thấy việc phát triển nhà ở cho công nhân các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mặc dù đã đạt được những kết quả, có sự chuyển biến tích cực về nhà ở cho công nhận tại các khu công nghiệp, song so với tình hình thực tế còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tổ chức thực hiện mạnh mẽ, tích cực nhiều hơn nữa. Để đạt mục tiêu và yêu cầu đặt ra, công tác thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cần phải được xử lý một cách toàn diện, tổng thể, chiến lược dài hạn mà thực tiễn đang đặt ra.
Từ phân tích thực trạng quá trình thực hiện chính sách về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Và từ cơ sở lý luận về quá trình thực hiện chính sách phát triển nhà ở, tác giả có căn cứ để xây dựng chương 3.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN TẠI CÁC KHU
CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH