7. Kết cấu của luận văn
1.3.1. Kinh nghiệm tuyển dụng công chức tại một số địa phương
Nhìn chung, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang áp dụng hình thức thi tuyển để chọn người mới vào cho cơ quan hành chính Nhà nước, nhất là những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Trong khi đó, ở một số tỉnh mới được thành lập, chia tách, tái lập như Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh… lại áp dụng nhiều hình thức tuyển dụng công chức như: Thi tuyển, xét tuyển, tuyển dụng trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức…
1.3.1.1. Kinh nghiệm tuyển dụng công chức tại tỉnh Tây Ninh
Là tỉnh tiếp giáp với Bình Phước, điều kiện tự nhiên, văn hóa – kinh tế - xã hội cuả tỉnh Tây Ninh có những nét tương đồng với đặc điểm của tỉnh Bình Phước. Do vậy, công tác tuyển dụng công chức của tỉnh Tây Ninh có nhiều điểm mới và một số kinh nghiệm có thể được ứng dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh Bình Phước.
Tây Ninh xác định luôn coi trọng và thường xuyên đổi mới công tác tuyển dụng công chức, cụ thể như: Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, từ thông báo tuyển dụng công chức, quá trình tổ chức thi tuyển đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đúng luật đến công khai người trúng tuyển ở vị trí cần tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng văn phòng điện tự liên thông. Quan trọng hơn nữa là thái độ đến trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyển dụng.
Năm 2018, tỉnh Tây Ninh tổ chức tuyển dụng công chức với số lượng nhu cầu cần tuyển dụng là 88 chỉ tiêu, trong đó cấp tỉnh và huyện có 55 chỉ tiêu; cấp xã 33 chỉ tiêu. Do chỉ tiêu tuyển dụng ít, nên tỉnh Tây Ninh tổ chức thi tuyển công chức cấp xã chung với thi tuyển công chức cấp tỉnh, cấp huyện. Về nội dung thi tuyển, thí sinh thi tuyển công chức cấp tỉnh, cấp huyện phải thi 4 môn: Kiến thức chung, nghiệp vụ chuyên ngành, ngoại ngữ và tin học; cấp xã thi 3 môn: kiến thức chung, nghiệp vụ chuyên ngành và tin học.
Do chú trọng và làm tốt công tác tuyển dụng, từ khâu rà soát, lập kế hoạch đến khâu tổ chức thi tuyển, nên chất lượng nguồn nhân lực được tuyển dụng tại tỉnh Tây Ninh được nâng cao đáng kể, số người trúng tuyển có trình độ đại học trở lên chiếm tỉ lệ rất cao.
1.3.1.2. Kinh nghiệm tuyển dụng công chức tại tỉnh Bình Dương
Theo Nghị quyết ngày 06 tháng 11 năm 1996 của Quốc hội về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, tỉnh Sông Bé được chính thức chia tách thành hai tỉnh là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.
Từ khi thành lập đến nay, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế để trở thành một tỉnh công nghiệp trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương luôn coi trọng đến công tác cán bộ, tuyển dụng cán bộ, công chức và đã đề ra chủ trương “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài, đón nhà đầu tư về làm việc tại tỉnh với những chính sách và nhiều chế độ đãi ngộ đa dạng, hợp lý và rất kịp thời.
Trong công tác tuyển dụng công chức, các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Bình Dương luôn quan tâm và trú trọng đến chất lượng nguồn tuyển. Cho nên, trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương luôn ưu tiên tuyển dụng vào Nhà nước đối với những người có trình độ từ đại học trở lên, tốt nghiệp chính quy tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh (ưu tiên nguồn tuyển tại chỗ), cụ
thể như: trường Đại học Bình Dương, trường Đại kỹ thuật Bình Dương, trường Đại học Thủ Dầu Một và các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật khác trong cả nước như: trường Đại học sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa, Đại học khoa học tựn nhiên.
Theo đó, trong những năm gần đây, thực hiện chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại tỉnh, Bình Dương đã thực hiện tuyển dụng công chức theo những hình thức khác nhau, như: Thi tuyển, tuyển dụng đặc cách và tiếp nhận công chức từ ngoài tỉnh có trình độ sau đại học, đáp ứng được ngay yêu cầu nhiệm vụ và vị trí công tác.
Có thể khẳng định, hiện nay Bình Dương là một trong những tỉnh có nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả nước với đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỉ lệ rất cao (khoảng 93,2%).