Vị trí, vai trò của chính quyền địa phương cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ CHỨC và HOẠT ĐỘNG của CHÍNH QUYỀN địa PHƯƠNG cấp HUYỆN từ THỰC TIỄN HUYỆN NGHĨA HÀNH, TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 26 - 28)

Chính quyền địa phương cấp huyện được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 bao gồm: huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Theo quy định của pháp luật, cấp huyện được chia thành 3 loại (I, II, III). Tuy nhiên, ngoài 3 loại trên, còn chia theo:

- Huyện gắn với khu vực nông thôn;

- Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương gắn với khu vực đô thị

Mổi đơn vị hành chính cấp huyện đều được tổ chức chính quyền tương ứng. Chính quyền cấp huyện gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Chính quyền địa phương cấp huyện là đơn vị hành chính trung gian nằm giữa tỉnh và xã. Chính quyền địa phương cấp huyện chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền địa phương cấp tỉnh và trực tiếp quản lý nhà nước đối với chính quyền địa phương cấp xã.

Hội đồng nhân dân: Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định:

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Một mặt, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Hội đồng nhân dân được cơ quan giao quyền thay mặt thực hiện quyền lực nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân cùng cấp, giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân ở địa phương.

Mặt khác, với tư cách là cơ quan đại diện, Hội đồng nhân dân là cơ quan do cử tri bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín. HĐND là đại diện tiêu biểu cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân ở địa phương, đại diện cho trí tuệ tập thể của nhân dân.

Ủy ban nhân dân: Vị trí pháp lý và vai trò của Ủy ban nhân dân được quy định rõ tại Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Uỷ ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ CHỨC và HOẠT ĐỘNG của CHÍNH QUYỀN địa PHƯƠNG cấp HUYỆN từ THỰC TIỄN HUYỆN NGHĨA HÀNH, TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 26 - 28)