Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy UBND, các Sở, ngành của thành phố; sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy Sóc Sơn, sự chủ động trong điều hành của UBND huyện, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân nên kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu
kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất các ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Giá trị sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2.64%/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2010 đạt 86 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người 18.1 triệu đồng/người/năm, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như vùng chè tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn; vùng cây ăn quả tại các xã Phú Minh, Phú Cường, Thanh Xuân, Hiền Ninh, Nam Sơn, Bắc Sơn…; vùng hoa nhài tại các xã Đông Xuân, Phù Lỗ. Vùng rau an toàn tại các xã Thanh Xuân, Đông Xuân, Xuân Giang, Việt Long. Vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã ven sông như: Tân Hưng, Bắc Phú, Việt Long, Xuân Giang… Sản lượng các loại cây trồng đều tăng, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi - thủy sản ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nội ngành nông nghiệp.
Trình độ văn hóa và kỹ năng sản xuất của lao động nông thôn có nhiều tiến bộ, số lao động qua đào tạo đạt 28,74%. Là huyện được công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ hộ nghèo đến đầu năm 2011 theo chuẩn mới là 15,04%.
Hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn nhiều năm qua được đầu tư ngày càng đáp ứng tốt hơn cho phát triển kinh tế phục vụ đời sống nhân dân. Tính đến hết năm 2010, đã cứng hóa được trên 60% đường giao thông nông thôn; 100% số xã có hệ thống điện lưới quốc gia, 100% số xã có hệ thống đài truyền thanh, hệ thống thông tin liên lạc, bưu điện phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn cao, tỷ lệ kênh mương được cứng hóa còn thấp; trang thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục, y tế, văn hóa còn hạn chế.
Trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong những năm qua đã được nâng lên một bước. Song, ở một số nơi vai trò lãnh đạo quản lý của chính quyền hiệu lực chưa cao. Một số chủ trương, chính
sách của Đảng, nhà nước chậm được cụ thể hóa hoặc triển khai chưa hiệu quả. Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội và phục vụ dân sinh thiếu sự chủ động, sáng tạo, chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, chưa phát huy hết được tiềm năng của địa phương và nhân dân.