Xuất phát từ Đại hội VI, Đảng ta đã đề ra những quan điểm và chính sách đổi mới, trước hết là đổi mới kinh tế; phấn đấu đưa nông nghiệp trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa; đến Đại hội XI của Đảng lại thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó đã xác định những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại là: Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011- 2020 đã xác định rõ định hướng trong xây dựng nông thôn mới: quy hoạch phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho một triệu lao động
nông thôn mỗi năm. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển. Như vậy, kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, quan điểm, chủ trương, biện pháp về xây dựng nông thôn mới của Đảng ta ngày càng rõ và đến Đại hội XI thì hoàn chỉnh và thống nhất chỉ đạo trên phạm vi toàn quốc. Đến Đại hội XII đã chỉ rõ: “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu; có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất ”.
3.1.2. Quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới
Thực hiện đường lối của Đảng, trong những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh của cả xã hội. Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Trung ương đã kế thừa kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng xã nông thôn mới. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Ban Chỉ đạo đã thống nhất các xã lựa chọn những tiêu chí mà đa số người dân thấy cần thì tập trung làm trước, khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, xóm, từng hộ dân có thể tự làm được đã tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng, cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đã huy động tổng lực các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, rất chú trọng huy
động các nguồn vốn khác như từ ngân hàng, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân, như góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền, đóng góp tinh thần và động viên người thân thành đạt tham gia. Bên cạnh đó, đã quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao kỹ năng tay nghề, giải quyết việc làm cho nông dân theo cả hai hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp; quan tâm tới chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn. Đồng thời, chú trọng phát động và tổ chức rộng khắp phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Mô hình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nhằm định hướng rõ trong chỉ đạo thực hiện. Việc xây dựng mô hình nông thôn mới là một quá trình chuyển đổi căn bản chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam từ hướng cung sang hướng vào nhu cầu thị trường. Đồng thời đảm bảo sự tham gia tối đa của người dân vào quá trình phát triển theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý thành quả và dân hưởng lợi". Đây là cơ sở để phát huy nội lực, hướng vào xây dựng tính bền vững cho việc phát triển nông thôn.
Mô hình nông thôn mới là tập hợp các hoạt động qua lại để cụ thể hoá các chương trình phát triển nông thôn; mô hình nhằm bố trí sử dụng các nguồn lực khan hiếm về tài chính, nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị để tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ trong một thời gian xác định và thỏa mãn các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường cho sự phát triển bền vững ở nông thôn.
Đây là quan điểm có tính khái quát và có tính mạch lạc về mô hình phát triển nông thôn trong thời kỳ đổi mới. Như vậy, xây dựng mô hình nông thôn mới là phát triển nông thôn có đặc điểm chung nhất là gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân.