Nhóm nhân tố đặc điểm tài chính

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 34 - 38)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

1.4.1.Nhóm nhân tố đặc điểm tài chính

Nhóm nhân tố phản ánh đặc điểm tài chính của doanh nghiệp bao gồm: Quy mô doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính, mức sinh lời, hiệu suất sử dụng tài sản và tài sản đảm bảo.

(1) Nhân tố quy mô doanh nghiệp

Nghiên cứu về nhân tố này, ở phạm vi một quốc gia, nhóm tác giả Cheung và cộng sự (2005) trong nghiên cứu “Determinants of Corporate Disclosure and Transparency: Evidence from Hong Kong and Thailand”. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: ở Hồng Kông, các doanh nghiệp có quy mô lớn thì mức độ công bố và minh bạch thông tin cao hơn doanh nghiệp nhỏ. Lý giải cho

kết luận này, nhóm tác tác giả cho rằng các doanh nghiệp lớn thường có nhiều nhà đầu tư lớn hơn các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn thường thu hút sự chú ý của các nhà phân tích.

Cùng xem xét nhân tố quy mô doanh nghiệp như nhóm tác giả Cheung có nghiên cứu của Bushman và công sự (2004) với tựa đề “What Determines Corporate Transparency?” thực hiện nghiên cứu trên 45 quốc gia trên toàn thế giới. Nhóm tác giả cũng kết luận rằng: Doanh nghiệp có quy mô lớn thì mức độ minh bạch thông tin tài chính cao hơn doanh nghiệp nhỏ.

(2) Nhân tố đòn bẩy tài chính

Trong nghiên cứu với tựa đề “Minh bạch thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của tác giả Lê Thị Mỹ Hạnh năm 2015. Nghiên cứu sử dụng số liệu của 178 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Tác giả kết luận: các DNNY có đòn bẩy tài chính càng cao thì mức độ minh bạch thông tin tài chính càng cao. Tác giả giải thích rằng các khoản nợ của của nhiều DNNY trên TTCK chủ yếu vay từ ngân hàng. Khi vay nợ thì một trong những yêu cầu quan trọng mà bộ phận tín dụng của các ngân hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp BCTC với đầy đủ thông tin. Do vậy, các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao trong cơ cấu vốn sẽ chịu sự giám sát của các bên liên quan nhiều hơn các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu. Các chủ nợ sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin nhiều hơn để đảm bảo lợi ích của họ. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Nhất Nam (2015) với tựa đề“Các yếu tố ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE” cũng cho rằng yếu tố đòn bẩy tài chính có ảnh hưởng thuận chiều đối với tính minh bạch thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết. Tác giả cho rằng doanh nghiệp sẽ minh bạch thông tin để đáp ứng yêu cầu của chủ nợ và giảm thiểu hành vi kiểm soát của chủ nợ, nâng

cao vị thế của mình trong mắt chủ nợ và tiềm năng trong việc thay đổi nhà cung cấp tín dụng để tìm được nguồn vốn tối ưu với chi phí thấp nhất.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Cheung và cộng sự (2005) lại chỉ ra rằng không có mối liên hệ nào giữa đòn bẩy tài chính và mức độ minh bạch thông tin tài chính ở cả hai thị trường Thái Lan và Hồng Kông.

(3) Nhân tố mức sinh lời

Trong nghiên cứu của nhóm tác giả Cheung và cộng sự (2005) kết luận rằng mức sinh lời (ROA) có ảnh hưởng đến mức độ công bố và minh bạch thông tin tài chính của các doanh nghiệp tại Hồng Kông nhưng tại thị trường Thái Lan lại cho kết quả ngược lại. Sự khác biệt này xuất phát từ đặc điểm riêng biệt của từng thị trường. TTCK Hồng Kông là một thị trường vốn phát triển. Một thị trường vốn phát triển hơn sẽ kèm theo cơ sở hạ tầng tài chính tốt hơn, phạm vi của nhà phân tích rộng hơn, cũng như hệ thống pháp luật thực thi hiệu quả. Trong khi đó, một thị trường kém phát triển hơn như Thái Lan có thể không có tất cả các cơ chế hỗ trợ cần thiết và phải dựa vào cơ chế khác nhau để tăng mức độ công bố và minh bạch của doanh nghiệp.

Luận văn thạc sĩ của tác giả Dương Thị Cẩm Vân (2014) với tựa đề “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin của các công ty cổ phần niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội”. Tác giả sử dụng tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) để xem xét mối quan hệ giữa mức sinh lời với sự minh bạch thông tin. Kết quả cho thấy tính minh bạch thông tin tài chính của doanh nghiệp liên quan đến sự kỳ vọng về khả năng sinh lời trên tài sản của doanh nghiệp.

Cùng xem xét ảnh hưởng của nhân tố mức sinh lời đến tính minh bạch thông tin tài chính nhưng tác giả Lê Thị Mỹ Hạnh (2015) sử dụng tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE). Theo tác giả, doanh nghiệp có mức sinh lời cao

sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin nhiều hơn. Các doanh nghiệp có mức sinh lời cao thường minh bạch thông tin nhằm thu hút sự quan tâm của thị trường, từ đó giá trị cổ phiếu của họ được gia tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp có mức sinh lời thấp thường công bố ít thông tin hay công bố không rộng rãi nhằm che giấu tình trạng hoạt động kém hiệu quả của mình.

(4) Nhân tố hiệu suất sử dụng tài sản

Theo tìm hiểu của tác giả, nghiên cứu về sự ảnh hưởng của nhân tố hiệu suất sử dụng tài sản đến tính minh bạch thông tin trên BCTC có bốn nghiên cứu liên quan. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu này lại khác nhau. Trong nghiên cứu của nhóm tác giả Cheung và cộng sự (2005) kết luận rằng nhân tố hiệu suất sử dụng tài sản của các doanh nghiệp ở thị trường Thái Lan không ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin tài chính của các doanh nghiệp nhưng nhân tố này lại có ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin tài chính các doanh nghiệp tại Hồng Kông.

Các nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho kết quả khác nhau. Tác giả Lê Thị Mỹ Hạnh (2005) và Dương Thị Cẩm Vân (2014) đều cho rằng nhân tố hiệu suất sử dụng tài sản không ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin tài chính. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Nhất Nam (2015) lại đưa ra kết luận: doanh nghiệp có hiệu suất sử dụng tài sản càng cao thì càng minh bạch thông tin báo cáo tài chính. Tác giả lý giải rằng: doanh nghiệp có hiệu suất sử dụng tài sản cao thì mức độ công bố thông tin và minh bạch cao hơn doanh nghiệp có hiệu suất sử dụng tài sản thấp vì các doanh nghiệp có hiệu suất sử dụng tài sản cao có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích hơn, do vậy họ sẽ công bố thông tin nhiều hơn và thông tin minh bạch hơn.

Có hai nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của nhân tố tài sản đảm bảo đến tính minh bạch thông tin tài chính. Tác giả Dương Thị Cẩm Vân (2014) kết luận rằng nhân tố tài sản đảm bảo không ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tuy nhiên, khi nghiên cứu trên thị trường Hồng Kông, nhóm tác giả Cheung và cộng sự (2005) lại tìm thấy sự ảnh hưởng thuận chiều giữa nhân tố tài sản đảm bảo và mức độ công bố và minh bạch thông tin tài chính của các DNNY. Lý giải cho mối quan hệ này, nhóm tác giả cho rằng các doanh nghiệp có giá trị tài sản cố định cao thường phải minh bạch thông tin cho những người bên ngoài về việc sử dụng tài sản cố định vào dự án nào.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 34 - 38)