Thực hiện chính sách bồi thường tài sản gắn liền với đất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 66 - 71)

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

2.2.2.2. Thực hiện chính sách bồi thường tài sản gắn liền với đất

Tính từ ngày 01/7/2014 đến ngày 30/6/2016, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt bồi thường đối với tài sản trên đất bị thu hồi là 10.850,86 tỷ đồng, trong đó số tiền bồi thường đối với nhà ở và công trình xây dựng là 7.594,98 tỷ đồng, bồi thường tài sản khác là 892,63 tỷ đồng (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, 2016).

Việc bồi thường bằng cách bán nhà ở tái định cư hầu như không thực hiện và cơ quan nhà nước cũng không có thống kê báo cáo cụ thể.

*) Về mặt tích cực

61

Sau khi có Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và ban hành các quyết định số 67/2015/QĐ-UBND và số 68/2015/QĐ-UBND để quy định đơn giá bồi thường các loại tài sản trên đất và được triển khai áp dụng trên thực tế. Việc bồi thường đối với nhà ở riêng lẻ của người dân cơ bản đáp ứng với nguyện vọng của người thu hồi đất. Công tác kiểm đếm được tổ chức thực hiện công khai, có sự phối hợp tốt giữa người bị thu hồi, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, chính quyền địa phương và có sự giám sát của các đoàn thể chính trị ở cơ sở nên giảm tình trạng khiếu kiện về kết quả đo đếm, xác định giá trị thiệt hại. Tác giả đã khảo sát 102 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Phong Điền có 885 hộ bị ảnh hưởng) cho thấy có đến 95 hộ dân (tỷ lệ 93,1%) cho rằng việc đo đếm tài sản trên đất là công khai, chính xác và có sự giám sát của chính quyền địa phương, đoàn thể nơi cư trú, các hộ còn lại cho rằng có sự không công bằng trong đo đếm với hộ khác bị ảnh hưởng tương tự, không có hộ nào cho rằng việc đo đếm bị thiếu hoặc không rõ ràng.

Việc bồi thường đối với nhà ở cấp IV, công trình xây dựng khác, bồi thường chi phí di dời công trình công cộng cơ bản đáp ứng đủ chi phí cho việc xây dựng mới, di dời đến nơi mới. Đối với việc bồi thường các công trình lắp ghép, nhà gỗ... còn cao hơn chi phí xây lắp mới.

Đối với việc bồi thường tài sản là cây trồng, vật nuôi (là thủy sản) cơ bản đáp ứng nhu cầu tái sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người bị thu hồi đất. Việc xây dựng các đơn giá cây trồng, vật nuôi theo hướng: đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất; đối với cây lâu năm thì mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất; cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di

62

chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại; đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Khi xây dựng đơn giá bồi thường cây trồng lâu năm, cây lâm nghiệp, vật nuôi là thủy sản thì giá trị bồi thường không bao gồm giá trị tận thu cây cối là cơ bản sát với tình hình thực tế và giảm gánh nặng rất nhiều cho chi phí bồi thường của Nhà nước.

Việc triển khai kiểm đếm, đo đạc xác định sản lượng cây trồng, vật nuôi làm cơ sở xác định thiệt hại để bồi thường hầu hết đều có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp, thủy sản nên đảm bảo sự công bằng, thuyết phục được người bị ảnh hưởng.

*) Về hạn chế, tồn tại

- Hiện tại, theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai thì khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường. Trong các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không hướng dẫn cụ thể thế nào là chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất và ai là cơ quan xác định tài sản bị ảnh hưởng là tài sản hợp pháp. Trường hợp pháp luật quy định phải đăng ký tài sản gắn liền với đất nhưng chủ sở hữu không đăng ký thì có được công nhận và có được bồi thường khi thu hồi đất hay không đều chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn cho cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ. Trên thực tế triển khai thực hiện ở các địa phương thì hầu hết các trường hợp được bồi thường về đất đều được bồi thường tài sản gắn liền với đất, chỉ có các trường

63

hợp tạo dựng tài sản sau khi có thông báo thu hồi đất mà bị lập biên bản vi phạm như xây dựng nhà, công trình mới, trồng cây để chờ bồi thường... mới không được bồi thường. Do quy định không chặt chẽ nên trong rất nhiều dự án trên địa bàn, người dân tạo lập ra tài sản khi mới có thông tin về quy hoạch, chủ trương đầu tư dự án để đón nhận bồi thường. Điển hình như các dự án Khu Công nghiệp Phong Điền, dự án Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, dự án Mở rộng Quốc lộ 1A, dự án Làng Đại học Huế...

- Đơn giá về nhà ở và công trình xây dựng phục vụ sinh hoạt riêng lẻ chưa sát với giá thị trường. Về nguyên tắc, đối với nhà ở và công trình sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường theo giá trị xây dựng mới. Đối với nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt cũ, xuống cấp khi được bồi thường theo giá xây mới rất được người bị thu hồi ủng hộ. Ngược lại, đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt mới xây dựng khi được bồi thường không đủ để tạo dựng lại nhà, công trình mới nên có sự so bì, ít đồng thuận khi công khai phương án bồi thường. Các đơn giá xây dựng này thường được ban hành một lần và sử dụng cho nhiều năm nên càng về lâu càng lạc hậu và không còn sát với giá thị trường nếu không điều chỉnh kịp thời.

- Cơ cấu đơn giá nhà ở trong Quyết định số 68/2015/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh còn rất chung chung, khó áp dụng trong thực tế. Qua quá trình triển khai thực hiện, có nhiều loại nhà ở, công trình xây dựng không có đơn giá tương ứng để áp dụng. Điều này gây ra sự tùy tiện trong việc xây dựng phương án bồi thường của người làm công tác bồi thường, hỗ trợ. Ví dụ điển hình là vụ khiếu kiện kéo dài tại dự án Đường vào khu quy hoạch Bàu Vá (thành phố Huế) của hai hộ dân liên quan đến lựa chọn đơn giá nhà ở để bồi thường do có thay đổi đơn giá cũ và mới.

64

- Việc đo đạc, xác định diện tích nhà ở, công trình xây dựng có một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu sự giám sát của chính quyền cấp xã và đoàn thể địa phương dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện phải điều chỉnh nhiều lần như dự án Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Đối với bồi thường cây trồng, việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, một số trường hợp tùy tiện. Theo bảng đơn giá kèm theo Quyết định số 67/2015/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh thì chưa có quy định phân biệt cụ thể khi nào được áp giá theo diện tích, khi nào được áp giá theo số cây. Về nguyên tắc khi xây dựng đơn giá theo diện tích phải bằng đơn giá tính theo số cây nếu việc trồng cây theo đúng quy chuẩn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế công tác kiểm đếm cho thấy đa số người nông dân trồng trọt không tuân theo tiêu chuẩn của ngành mà theo tập quán địa phương. Mặt khác, rất nhiều loại cây hiện nay chưa có quy chuẩn về trồng trọt của ngành nông nghiệp nên việc áp dụng rất khó. Liên quan đến việc áp dụng đơn giá cây trồng để bồi thường theo diện tích hay theo số lượng cây đã xảy ra nhiều vụ khiếu kiện phức tạp như ở các dự án Lòng hồ thủy điện Hương Điền, dự án Nhà máy Xi măng Đồng Lâm, Khu công nghiệp Phong Điền...

*) Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại - Nguyên nhân chủ quan

+ Do công tác khảo sát, xây dựng chính sách bồi thường, bảng giá, đơn giá bồi thường tài sản trên đất của các cơ quan nhà nước chưa thực hiện tốt dẫn đến những bất cập trong việc thực hiện chính sách bồi thường tài sản gắn liền với đất vẫn tiếp diễn và chậm được khắc phục.

+ Do trình độ, năng lực pháp lý, năng lực thực tiễn và cả phẩm chất của một số công chức, viên chức làm công tác đo đếm, áp giá bồi thường... về tài

65

sản gắn liền với đất chưa đáp ứng yêu cầu công tác này vì đội ngũ này đa số là nhận viên hợp đồng và rất nhiều người không có chuyên môn liên quan đến công việc phải làm hàng ngày.

- Nguyên nhân khách quan

+ Do tính đa dạng, phức tạp và thường xuyên biến động về chủng loại, giá trị của tài sản trên đất như nhà ở, công trình xây dựng, các loại cây cối, vật nuôi nên khó có một bảng đơn giá cụ thể, chính xác và phù hợp theo từng thời kỳ.

+ Do chưa có một cơ chế để cập nhật giá cả thị trường của các tài sản trên đất theo từng thời kỳ nhằm chủ động điều chỉnh bảng giá tài sản cho hợp lý.

+ Do đa số tài sản gắn liền với đất hiện nay tại địa phương chưa được đăng ký theo quy định nên việc xác định nguồn gốc, giá trị và tính hợp pháp của tài sản gặp khó khăn. Tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tại địa phương không có phép hoặc sai phép, lấn chiếm đất đai làm nhà ở, trồng cây diễn ra khá phổ biến trong thời gian dài; một số người dân có thông tin về việc giải phóng mặt bằng đã chủ động tạo dựng tài sản để đón bồi thường, hỗ trợ dẫn đến việc xác định điều kiện bồi thường tài sản gắn liền với đất rất khó khăn và thường phải kéo dài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 66 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)