1.2.2.1. Khái niệm quản lý nhà nước về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ
Hiện nay, chưa có tài liệu nào đưa ra một định nghĩa chung về hoạt động quản lý nhà nước về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Chúng ta có thể hiểu hoạt động quản lý nhà nước về nội dung này như sau: Quản lý nhà nước
về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ là hoạt động thực thi quyền hành pháp của nhà nước, đó là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực pháp luật nhà nước đối với các hoạt động về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ nhằm làm cho các hoạt động giao thông đảm bảo trật tự, an toàn và đúng quy định
1.2.2.2. Nội dung quản lý nhà nước về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ a). Hoạt động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật quy định về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ là công cụ phục vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động về đào tạo lái xe mà bắt buộc mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ theo quy định.
b) Tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức quản lý nhà nước về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ
Để tổ chức thực hiện tốt pháp luật, cần phải có hệ thống bộ máy quản lý nhà nước thống nhất, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng. Đội ngũ cán bộ, công chức quản lý phải đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và được đào tạo bài bản.
Quản lý nhà nước đối về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ là nhiệm vụ không chỉ của riêng một cơ quan nào, do vậy cần xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Cần xác định quản lý nhà nước về đào tạo lái xe cũng là một khoa học, phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về công tác này, đầu tư mạnh mẽ về con người và cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước.
c) Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ
Văn bản quy phạm pháp luật phải được tổ chức triển khai sâu rộng đến mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức làm công
tác quản lý đào tạo. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo.
Khi văn bản đã được phổ biến, có hiệu lực pháp luật phải tổ chức đưa văn bản vào áp dụng, thi hành. Thông qua những quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các quy định liên quan điều chỉnh hoạt động được thực hiện trên thực tiễn. Công tác phổ biến chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước cần duy trì thường xuyên thông qua các hình thức hội nghị, lớp tập huấn và tin bài.
d) Hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá
Trong quá trình quản lý, điều hành các hoạt động về đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động của các đối tượng quản lý. Việc thanh tra, kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động phải được tiến hành thường xuyên đối với mọi mặt hoạt động của đối tượng quản lý. Thực hiện tốt hoạt động này sẽ đảm bảo cho hoạt động của các đối tượng quản lý được thực hiện theo đúng quy định, đồng thời phát hiện kịp thời những sai lệch, vi phạm để có biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả. Kiểm tra, đánh giá là biện pháp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đối tượng quản lý, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội.
e) Hoạt động cưỡng chế, xử lý các vi phạm
Thực hiện cưỡng chế hành chính, xử lý các hành vi vi phạm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với các hoạt động về đào tạo lái xe . Mang tính răn đe, thể hiện tính thượng tôn của pháp luật.