a. Khái niệm quản lý
Quản lý là yêu cầu khách quan đối với sự tồn tại và phát triển kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia. Dưới góc độ điều khiển học, quản lý là sự tác động định hướng bất kỳ lên một hệ thống nào đó nhằm trật tự hóa nó và hướng nó phát triển phù hợp với những quy luật nhất định. Như vậy, về mặt ngôn ngữ “quản lý” được hiểu là sự tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng (khách thể) quản lý nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.
Quản lý xã hội là một loại hình của quản lý nói chung, trong đó quản xã hội là sự tác động có định hướng (chỉ huy, điều hành, hướng dẫn…) lên các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người làm cho chúng vận động, phát triển phù hợp với quy luật, đạt được mục đích và theo ý chí của nhà quản lý.
C.Mác chỉ ra rằng: “Lao động giám sát và quản lý cần ở cả những nơi mà lao động sản xuất trực tiếp có hình thức của một quá trình phối hợp mang tính xã hội chứ không phải là lao động riêng rẽ của những người sản xuất độc lập”. Tính đa dạng, phức tạp của quá trình này thể hiện ở chỗ nó phải điều chỉnh các quá trình xã hội, các hoạt động của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và hành vi của con người có ý thức. Trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi cấp độ tổ chức của con người từ các nhóm nhỏ đến tầm quốc gia, khu vực và quốc tế đều không thể thiếu vai trò tổ chức và quản lý.
Luận giải về vai trò của quản lý xã hội, C.Mác viết: “Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt đọng cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì
cần phải có nhạc trưởng” [C.Mác (1960, Tư bản,quyển II, tập 2, tr.33-34, Nxb.Sự thật, Hà Nội].
Như vậy, nói đến quản lý phải bao gồm các yếu tố (các điều kiện) sau: - Phải có ít nhất một chủ thể quản lý là tác nhân tạo ra các tác động và ít nhất một đối tượng chịu tác động của chủ thể quản lý và các khách thể có quan hệ gián tiếp với chủ thể quản lý;
- Phải có mục tiêu vạch ra cho cả đối tượng và chủ thể quản lý;
- Chủ thể quản lý có thể là cá nhân hoặc tổ chức, đối tượng quản lý có thể là con người, sự vật, hiện tượng được chủ thể quản lý;
- Khách thể, xét trong quan hệ độc lập với chủ thể, là con người hoặc tổ chức mà qua đó chủ thể quản lý có thể tác động lên đối tượng quản lý.
Sơ đồ 1: Logic của quá trình quản lý
Từ những luận giải như trên chúng ta có thể rút ra một khái niệm chung nhất về quản lý:
Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng và khách thể quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường.
b. Khái niệm quản lý nhà nước
Quản lý Nhà nước là một dạng của quản lý xã hội, đây là một quá trình phức tạp, đa dạng. Do vậy, theo nghĩa rộng: quản lý nhà nước là toàn bộ hoạt
động của bộ máy Nhà nước, để điều chỉnh các quy trình xã hội, các hành vi của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội của công dân và giữ gìn an ninh trật tự xã hội nhằm thực hiện mục tiêu mà Nhà nước đặt ra. Như vậy, quản lý nhà nước theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước như hoạt động của Quốc hội, hoạt động của Chính phủ, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và chính quyền các cấp, kể cả hoạt động hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.
Ở nghĩa hẹp, quản lý nhà nước là những hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước (Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương) để điều chỉnh các hành vi của các tỏ chức, cá nhân và giữ gìn an ninh trật tự xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu của các cơ quan quản lý nhà nước đã đặt ra trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Nói cách khác, quản lý nhà nước là hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước là một loại hoạt động của Nhà nước, do các chủ thể có thẩm quyền (trước hết và chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền), thực hiện trên cơ sở và để thi hành Hiến pháp, pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động của con người theo mục tiêu đã xác định trước.
Như vậy, quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành đối với tất cả mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội, trên tất cả các mặt của đời sống xã hội bằng cách sử dụng quyền lực nhà nước có tính cưỡng chế đơn phương nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng, duy trì ổn định, an ninh trật tự và thúc đẩy xã hội phát triển theo một định hướng thống nhất của nhà nước.
QLNN là những hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được tiến hành để tác động tới các hoạt động của các đối tượng quản lý trong xã hội nhằm đạt được các mục tiêu của Nhà nước một cách cụ thể nhất. QLNN đối với các lĩnh vực có 7 nội dung:
Một là, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung của việc xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các công việc sau:
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã có trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung;
- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành;
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và thay thế những văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, UBND các cấp ban hành;
- Tổ chức thực hiện các quy định pháp luật: tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, tiếp thu ý kiến, điều chỉnh, sửa đổi.
Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Nội dung này bao gồm các hoạt động sau:
- Xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước quản lý các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của các bộ, ngành;
- Xây dựng tổ chức bộ máy QLNN đối với hoạt động của các cấp chính quyền địa phương;
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị: phối hợp theo chiều dọc, theo chiều ngang;
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, giữa Đảng với Nhà nước, giữa Nhà nước với các tổ chức Chính trị - xã hội.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Nội dung này bao gồm các công việc sau:
- Xây dựng cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm CBCC nhà nước;
- ĐTBD, phát triển đội ngũ CBCC nhà nước;
- Không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCC nhà nước;
- Xây dựng bản lĩnh Chính trị và phẩm chất đạo đức của đội ngũ CBCC;
- Đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với CBCC nhà nước; - Tạo môi trường và động cơ làm việc cho CBCC;
- Xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với CBCC.
Bốn là, lãnh đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Nội dung này bao gồm các công việc sau:
- Quản lý tổ chức bộ máy, việc thành lập, chia tách, sát nhập của các cơ quan, tổ chức;
- Quản lý hoạt động của các cơ quan, tổ chức;
- Quản lý việc tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, bãi nhiệm CBCCVC trong các cơ quan, tổ chức;
- Quản lý các hoạt động của các tổ chức Chính trị - xã hội, các nghiệp đoàn, các tổ chức phi chính phủ;
- Quản lý quan hệ quốc tế của các cơ quan, tổ chức.
Năm là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Nội dung này bao gồm các công việc sau:
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương;
- Xây dựng các quy chế phối hợp giữa các cơ nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể xã hội;
- Xây dựng các quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp và với công dân.
Sáu là, hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý nhà nước. Nội dung này bao gồm các công việc sau:
- Mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động giao lưu, trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động QLNN;
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thông tin về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý các lĩnh vực đến bạn bè quốc tế;
- Hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc phòng, chống tội phạm xâm hại đến an ninh, trật tự của đất nước.
Bảy là, thanh tra, kiểm tra và giải quyết những khiếu nại, tố cáo, xử lý những vi phạm pháp luật. Nội dung này bao gồm các công việc sau:
- Thanh tra, kiểm tra việc thực thi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước của các cơ quan nhà nước và đội ngũ CBCC; - Tiếp nhận đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức và công dân đối với các cơ quan nhà nước;
- Xử lý các vi phạm chính sách, pháp luật theo những quy định của pháp luật.