việc đẩy mạnh xã hội hóa các tổ chức thực hiện dịch vụ về chất lượng an toàn thực phẩm, thu hút sự tham gia rộng rãi của cả xã hội vào công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm
Chất lượng ATVSTP chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế- xã hội, năng lực quản lý, trình độ sản xuất- kinh doanh, khoa học công nghệ, trình độ dân trí, tập quán, thói quen tiêu dùng,...Trong khi đó, quản lý ATVSTP đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm.
Do vậy, hoàn thiện quản lý nhà nước về ATVSTP phải gắn với việc đẩy mạnh xã hội hóa các tổ chức thực hiện dịch vụ về chất lượng, an toàn thực phẩm, thu hút sự tham gia rộng rãi của cả xã hội vào công tác quản lý ATVSTP nhằm huy động ở mức cao nhất các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác quản lý và bảo đảm chất lượng ATVSTP.
Hiện tại, quản lý ATVSTP đã được xã hội hóa trong một số hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn như HACCP, GMP, Viet GAP...; đào tạo, tập huấn kiến thức về ATVSTP, tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATTP; kiểm nghiệm...
Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được đẩy mạnh, chưa có cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực từ các đoàn thể, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp... trong việc bảo đảm chất lượng, ATVSTP, đặc biệt là trong hoạt động giám sát của cộng đồng; chưa tận dụng và phát huy tổng thể các nguồn nội lực và ngoại lực cho hoạt động đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Do vậy, cần thiết đảy mạnh xã hội hóa, trong đó các Hội, Hiệp hội sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có thể tham gia vào: nghiên cứu, phát triển, áp dụng công nghệ mới nhằm sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATVSTP; xây dựng các phòng kiểm nghiệm và tham gia kiểm soát chất lượng, ATVSTP; quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định của pháp luật liên quan đến ATVSTP; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP cho các hội viên; giám sát và cung cấp các thông tin phản ánh của người tiêu dùng cho các cơ quan chức năng liên quan đến ATVSTP...
Trên cơ sở này, điều chỉnh nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan nhà nước, theo đó, cơ quan nhà nước tập trung vào quản lý vĩ mô thông qua các hoạt động chủ yếu: tạo lập hành lang pháp lý cho ATVSTP; xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển ATVSTP cho quận, liên huyện, xã; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi ph1ạm pháp luật trong lĩnh vực ATVSTP.