7. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Quản lý và quản lý nhà nước
Quản lý là yêu cầu khách quan đối với sự tồn tại và phát triển kinh tế- xã hội của tất cả các quốc gia. Quản lý là một hiện tượng xã hội, xuất hiện từ lâu trong lịch sử loài người, được các nhà tư tưởng, các nhà triết học và các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tìm hiểu, nghiên cứu. Hiện nay, đang có nhiều định nghĩa khác nhau về quản lý, tùy theo góc độ tiếp cận và quan điểm của các nhà nghiên cứu. Chính vì vậy, quản lý là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học trong đó có cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội.
Dưới góc độ điều khiển học thì, quản lý là sự tác động định hướng bất kỳ lên một hệ thống nào đó nhằm trật tự hóa nó và hướng nó phát triển phù hợp với những quy luật nhất định. Như vậy, về mặt ngôn ngữ “quản lý’’được hiểu là sự tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng (khách thể) quản lý nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.
Quản lý xã hội là một loại hình của quản lý nói chung, trong đó quản lý xã hội là sự tác động có định hướng (chỉ huy, điều hành, hướng dẫn…) lên các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người làm cho chúng vận động phát triển phù hợp với quy luật, đạt được mục đích và theo ý chí của người quản lý.
Quản lý xã hội được hiểu theo hai nghĩa rộng và hẹp khác nhau.
Theo nghĩa rộng, quản lý xã hội là hiện tượng vốn có một cách cố hữu ở hệ thống xã hội, đảm bảo duy trì từ tính toàn vẹn, sự đặc thù về chất, sự tái tạo và sự phát triển của nó.
Theo nghĩa hẹp, quản lý xã hội là sự tác động có ý thức, có hệ thống, có tổ chức đặc biệt đến xã hội nhằm chấn chỉnh và hoàn thiện cơ cấu hoạt động quản lý. Như vậy, quản lý xã hội là một chức năng lao động xã hội đặc biệt, xuất hiện khi lao động của con người được xã hội hóa.
C.Mác chỉ rõ rằng: “Lao động giám sát và quản lý cần ở cả những nơi mà lao động sản xuất trực tiếp có hình thức của một quá trình phối hợp mang tính xã hội chứ không phải là lao động riêng rẽ của những người sản xuất độc lập” [22, tr. 432]. Tính đa dạng, phức tạp của quá trình này thể hiện ở chỗ nó phải điều chỉnh các quá trình xã hội, các hoạt động của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và hành vi của con người có ý thức. Trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi cấp độ tổ chức của con người từ các nhóm nhỏ đến tầm quốc gia, khu vực và quốc tế đều không thể thiếu vai trò tổ chức và quản lý.
Luận giải về vai trò quản lý xã hội, C.Mác viết: “Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hoà những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng” [22, tr. 480].
Quản lý xã hội là sự thực hiện các chức năng tổ chức nhằm tạo những điều kiện cần thiết để đạt được những mục đích đề ra trong quá trình hoạt động chung của con người. Quá trình quản lý xã hội được thực hiện bằng tổ chức và quyền uy của chủ thể quản lý, buộc đối tượng bị quản lý phải phục tùng. Quyền uy và phục tùng tạo thành nội dung của quyền lực quản lý. Mục đích của quản lý là điều khiển, chỉ đạo chung con người, phối hợp các hoạt động riêng lẻ của từng cá nhân tạo thành một hoạt động chung thống nhất của cả tập thể và hướng hoạt động chung đó theo những mục tiêu đã định trước.
Quyền lực trong quản lý xã hội khi chưa có nhà nước là quyền lực chung của xã hội. Trong xã hội Cộng sản nguyên thủy, chưa có sự phân chia giai cấp, quyền lực chung này không thuộc về riêng một giai cấp, một tầng lớp xã hội nào. Quyền lực mang tính xã hội ấy được đảm bảo, củng cố bằng uy tín của chủ thể quản lý, bằng sự tôn trọng của các thành viên cộng đồng, bằng thói quen, tập quán, truyền thống, đạo đức, tôn giáo thể hiện trong các quy phạm xã hội hoặc đôi khi bằng sự cưỡng chế của tập thể cộng đồng.
Từ khi nhà nước xuất hiện, bộ phận quản lý xã hội quan trọng nhất do nhà nước thực hiện dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước.
Do vậy, quản lý nhà nước là một dạng của quản lý xã hội, đây là một quá trình phức tạp, đa dạng. Hiện nay, quản lý nhà nước thường được hiểu theo hai nghĩa:
Thứ nhất, theo nghĩa rộng: Quản lý nhà nước là toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, để điều chỉnh các quy trình xã hội, các hành vi của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội của công dân và giữ gìn an ninh trật tự xã hội nhằm thực hiện mục tiêu mà nhà nước đặt ra. Như vậy, quản lý nhà nước theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước như hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, các Bộ, các cơ quan ngang bộ và chính quyền các cấp, kể cả hoạt động hệ thống cơ quan Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.
Như vậy, quản lý nhà nước theo nghĩa rộng, là hoạt động của nhà nước trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước.
Nói cách khác, quản lý nhà nước là sự tác động của các chủ thể mang quyền lực nhà nước, chủ yếu bằng pháp luật, tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước.
Bản chất của quyền lực trong quản lý nhà nước hoàn toàn khác với quyền lực có tính chất xã hội - đây là quyền lực nhà nước được ghi nhận củng cố bằng pháp luật và được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, các biện pháp kinh tế - xã hội, các biện pháp tổ chức và sự cưỡng chế của nhà nước.
Các biện pháp này, đặc biệt là sự cưỡng chế đó do bộ máy nhà nước thực hiện, trong đó các cơ quan được thành lập chuyên làm chức năng cưỡng chế có vai trò quan trọng. Như vậy, tất cả các cơ quan nhà nước đều tham gia thực hiện quản lý nhà nước và pháp luật là phương tiện chủ yếu để quản lý nhà nước.
Thứ hai, theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước là những hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước (Chính phủ, các Bộ, các cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương) để điều chỉnh, các hành vi của các tổ chức, cá nhân và giữ gìn an ninh trật tự xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu của các cơ quan quản lý nhà nước đã đặt ra, trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Nói cách khác, quản lý nhà nước là hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Như vậy, hiểu theo nghĩa hẹp thì quản lý nhà nước là một loại hoạt động của nhà nước, do các chủ thể có thẩm quyền (trước hết và chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền), thực hiện trên cơ sở và để thi hành Hiến pháp, pháp luật, nhằm điều chỉnh các hoạt động của con người theo mục tiêu đã xác định trước.