Trong lĩnh vực thực hiện pháp luật bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải phù hợp với yêu cầu của Luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp khác, phải thiết lập trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, mọi vi phạm phải được xử lý theo pháp luật, áp dụng pháp luật phải đúng nội dung, thẩm quyền và phải tôn trọng những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tính hiệu lực của hệ thống pháp luật liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những tiêu chí hàng đầu cho việc thực hiện pháp luật về vấn đề này. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm: Hiến pháp năm 1992; Hiến pháp năm 2013; Luật Đất đai năm 2003;
Nghị định số 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP; Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về thường, hỗ trợ, tái định cư và các văn bản có liên quan khác...Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nhưng để thực hiện pháp luật về vấn đề này có hiệu quả thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên đây cần đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau (Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) [41]:
- Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.
- Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
- Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.