khi Nhà nước thu hồi đất
Chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đồng bộ, thống nhất, khách quan đảm bảo lợi ích cho các bên có liên quan. Trên thực tế, “bồi thường” và “hỗ trợ” là hai hành vi tách rời nhau với hai hàm ý khác nhau, theo đó, người bị thu hồi đất có thể được bồi thường hoặc có thể được hỗ trợ tùy theo tính chất, đặc điểm đất bị thu hồi. Hiểu một cách cụ thể, thì bồi thường là quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người bị thu hồi đất với yêu cầu phải đảm bảo đầy đủ điều kiện về sản xuất và đời sống cho họ mà không cần có bất kỳ một sự hỗ trợ nào khác là quyền lợi và trách nhiệm của cả “ba bên” (Nhà nước, người bị thu hồi và nhà đầu tư), còn việc “hỗ trợ” chỉ xảy ra khi người bị thu hồi đất không được bồi thường hoặc không cần bồi thường là hành vi mang tính chất xã hội, nhân đạo, không bắt buộc và có điều kiện. Từ đó, cần thiết phải có sự điều chỉnh tách rời hai hành vi này để thể hiện được sự khác biệt về quan điểm của người sử dụng đất đúng pháp luật khi bị thu hồi đương nhiên phải được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng mà không cần phải “xin” một sự “hỗ trợ” nào.
Pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần xem xét bồi thường về đất không chỉ với tư cách là tài sản mà còn là tài nguyên và tư liệu sản xuất Luật Đất đai năm 2014 vẫn giữ nguyên tắc khi Nhà nước thu hồi đất
thì bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương.
Cách tiếp cận trên xuất phát từ quan niệm đơn giản coi đất đai là tài sản có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương. Trên thực tế, ngoài ý nghĩa là tài sản, đất đai còn là tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất và nguồn sống của con người. Vì đất là tư liệu sản xuất của người bị thu hồi đất nên nhà đầu tư ngoài việc bồi thường giá trị như một tài sản còn phải bồi thường về thu nhập, sinh kế cho người bị thu hồi đất.
Cơ chế bồi thường, hỗ trợ hợp lý cần dựa trên nguyên tắc “Nhà nước chi trả tiền bồi thường đối với giá trị quyền sử dụng đất theo nghĩa là tài sản của người mất đất; nhà đầu tư chi trả bồi thường phần giá trị để khôi phục tài nguyên đất, rừng tự nhiên trên đất cho Nhà nước và chi trả phần giá trị để khôi phục những tổn thất cho người sử dụng đất do mất tư liệu sản xuất”. Nếu chỉ là khoản hỗ trợ trong một thời gian nhất định thì coi như đã phó mặc việc tìm sinh kế mới cho người bị thu hồi đất. Do đó, thay vì phó mặc gánh nặng hỗ trợ đào tạo nghề đối với người bị thu hồi đất cho Nhà nước, nhà đầu tư cần phải được yêu cầu cùng bàn bạc với người bị thu hồi đất về cơ hội tìm sinh kế mới cho họ; đồng thời, nhà đầu tư phải chi trả cho người bị thu hồi đất một khoản tiền tương ứng với mức thu từ sử dụng đất trước đây cho tới khi người bị thu hồi đất có nguồn thu nhập mới và theo nguyên tắc, càng để lâu, chi phí bồi thường càng lớn để bắt buộc nhà đầu tư không thể trì hoãn. Theo nguyên tắc này, nhà đầu tư cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng đất đai trong bài toán đầu tư để chi phí ít nhất, chính quyền địa phương cũng khó đánh đổi mọi giá cho sự phát triển, như vậy chắc chắn sẽ giảm được tham nhũng từ đất đai và bảo vệ được nguồn lực đất đai.
Nhận thức về vai trò của đồng thuận và nâng cao sự đồng thuận của người dân đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Để phương án
bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan có thẩm quyền đưa ra phù hợp, nhận được sự đồng thuận của người dân; bảo đảm việc hỗ trợ được khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định, cần bổ sung nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Điều 74 của Luật Đất đai hiện hành như sau: “Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt khi đạt được ít nhất 70% ý kiến đồng ý của những người tham gia ý kiến từ cộng đồng dân cư địa phương”.