Theo quy định tại khoản 7, Điều 2 Luật Tố cáo năm 2011 thì: “Giải quyết tố cáo là việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc xử lý tố cáo của
người giải quyết tố cáo”.
Người giải quyết tố cáo phải ra quyết định về việc tiến hành xác minh và kết luận về nội dung tố cáo, xác định trách nhiệm của người có hành vi vi phạm, áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người vi phạm.
Trong việc giải quyết tố cáo, Luật tố cáo năm 2011 không quy định điểm dừng (lần đầu, lần hai). Theo đó, trong nhiều trường hợp người tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật nhưng do lợi ích của chính mình người tố cáo lại tiếp tục có đơn gửi đến các cơ quan cấp trên và do pháp luật không quy định điểm dừng nên các cơ quan cấp trên phải tiếp tục xem xét dẫn đến việc tố cáo thường kéo dài, khó chấm dứt.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 205, Luật đất đai năm 2013 thì “việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy
định của pháp luật về tố cáo”.
Việc tố cáo và giải quyết tố cáo về đất đai có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, tố cáo về đất đai không chỉ chiếm tỷ lệ cao mà còn là phổ biến
trong số các vụ việc tố cáo hiện nay. Nhất là ở các thành phố lớn.
Thứ hai, tố cáo về đất đai thường liên quan đến hoạt động của bộ máy hành
chính nhà nước mà cụ thể là tố cáo hành vi vi phạm của cơ quan, của cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động quản lý đất đai. Như việc tố cáo người có thẩm quyền đã không xử lý hoặc xử lý không kịp thời đối với hành vi lấn, chiếm đất công; tố cáo hành vi giao đất không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền; tố cáo hành vi bán đất trái phép…
Thứ ba, giải quyết tố cáo thường phức tạp; mất nhiều công sức, thời gian vì
hồ sơ tài liệu có liên quan nằm ở nhiều cơ quan, nhiều giai đoạn; có khi hàng chục năm về trước. Để có quyết định giải quyết khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội thì việc xác định, xem xét phải hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Thứ tư, theo quy định của Luật tố cáo năm 2011 thì tố cáo là nhằm bảo vệ lợi
ích của Nhà nước, xã hội và công dân (bao gồm cả người tố cáo) nhưng tố cáo về đất đai trong thời gian vừa qua chủ yếu là vì lợi ích của chính người đi tố cáo; đó là việc tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư… Do đó, người cán bộ làm công tác giải quyết tố cáo phải hết sức công tâm, khách quan, am hiểu
chính sách, pháp luật; đặc biệt là phải tập trung nghiên cứu để hiểu được bản chất và nguyên nhân phát sinh tố cáo, từ đó mới đưa ra hướng giải quyết dứt điểm.
Thứ năm, tố cáo về đất đai thường kéo dài nhiều năm, có vụ hàng chục năm,
do lợi ích từ đất đai mang lại lớn và ngày càng tăng lên theo xu hướng phát triển của xã hội và cũng là do pháp luật tố cáo không quy định điểm dừng trong việc giải quyết tố cáo.
Thứ sáu, tố cáo đông người cũng là một trong những đặc điểm cần nhắc đến
trong lĩnh vực tố cáo về đất đai, do QĐHC trong quản lý đất đai có thể tác động đồng thời đến lợi ích của nhiều người, có khi là hàng chục, hàng trăm người. Ví dụ như quyết định thu hồi đất để thực hiện một dự án xây dựng tuyến đường hay khu công nghiệp.