7. Kết cấu của luận văn:
1.2. Chính sách thu hút nguồn nhân lựcchất lượng cao vào khu vực công:
1.2.3. Các nội dung của chính sách thu hút nguồn nhân lựcchất lượng cao
lượng cao vào khu vực công:
1.2.3.1. Tuyển dụng nhân lực chất lượng cao:
Tuyển chọn nhân sự là quá trình đánh giá các ứng viên theo nhiều khía cạnh khác nhau dựa vào các yêu cầu của công việc, để tìm được những người phù hợp với các yêu cầu đặt ra.
Quá trình tuyển chọn là khâu quan trọng nhằm giúp cho các lãnh đạo đưa ra được các quyết định tuyển dụng một cách đúng đắn nhất. Quyết định tuyển dụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và đối với các tổ chức, bởi vì quá trình tuyển dụng tốt sẽ giúp cho các tổ chức có được những con người có kỹ năng phù hợp với sự phát triển của tổ chức trong tương lai. Tuyển dụng tốt cũng sẽ giúp cho tổ chức giảm được các chi phí do phải tuyển chọn lại, đào tạo lại cũng như tránh được các thiệt hại rủi ro trong quá trình thực hiện các công việc. Để tuyển dụng đạt được kết quả cao thì cần phải có các bước tuyển dụng phù hợp, các phương pháp thu thập thông tin chính xác và đánh giá các thông tin một cách khoa học.
Chính sách tuyển dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao: Là quá trình phát hiện, tuyển chọn những con người được xác định là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục tuyển chọn để từ đó giúp cho các lãnh đạo xem xét, quyết định tuyển dụng nhân lực chất lượng cao một cách đúng đắn nhất.
Đối tượng thu hút được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Ngoài ra nếu về làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài các chính sách chung còn được hưởng các chế độ, chính sách, chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi khác theo quy định hiện hành của pháp luật.
1.2.3.2. Sử dụng nhân lực chất lượng cao:
Nguồn nhân lực chất lương cao được bố trí công tác, tạo điều kiện về môi trường làm việc, được tôn trọng, phân công công việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo; được đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc thuận lợi để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; trường hợp cần thiết thì được đầu tư nguồn lực và trang thiết bị đặc biệt để triển khai chương trình, đề án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học đã được cấp thẩm quyền đánh giá là khả thi; được tạo điều kiện để tiếp cận, khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
Những người được tuyển dụng theo chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng xem xét, lựa chọn và đưa vào diện quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực công tác ở Trung ương và địa phương. Sau khi được tuyển dụng từ 01 đến 02 năm, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể được xem xét, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương ở cấp huyện trở lên. Cán bộ, khoa học trẻ có năng lực được giao chủ trì các đề tài, công trình, nghiên cứu khoa học từ cấp tỉnh trở lên để tập trung đào tạo, bồi dưỡng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực.
1.2.3.3. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực:
Trên cơ sở định hướng của các văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết Trung ương, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành những quy phạm pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng công chức và chỉ đạo, triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Từ những quy định về công chức, Nhà nước ta coi việc đào tạo, bồi dưỡng công chức cũng là nghĩa vụ, quyền lợi của công chức cần được thể chế hóa trong Luật cán bộ, công chức. Theo đó “Cán bộ, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các
hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật…”. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chức, Luật cán bộ, công chức còn quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng công chức như sau: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức có trách nhiệm xây dựng và công khai quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức; cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm tạo điều kiện để công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức; Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức giữ vai trò bổ trợ, tăng cường kiến thức, kỹ năng để công chức, viên chức có đủ năng lực đáp ứng hoạt động quản lý, điều hành. Đào tạo và bồi dưỡng là hai khái niệm phản ánh cùng một mục tiêu là truyền kiến thức cho công chức, viên chức. Tuy vậy, hai thuật ngữ này có những tính chất, nội dung, phạm vi tồn tại và quy trình khác nhau.
Theo Điều 5, Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì “Đào tạo là quá trình truyền thụ, tiếp nhận có hệ thống những tri thức, kỹ năng theo quy định của từng cấp học, bậc học”. Thông qua đó trở thành người có trình độ cao hơn trước đó. Như đào tạo để cấp bằng lý luận chính trị cao cấp, đào tạo cử nhân hành chính và các chuyên gia đầu ngành. Chương trình của đào tạo gắn liền với một trình độ học vấn ở một cấp độ nhất định, vì vậy sau một quá trình đào tạo mỗi người học được cấp bằng. Đào tạo là quá trình thay đổi dạng hoạt động nghề nghiệp hay phương thức hoạt động nghề nghiệp (bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với công việc phản ánh thông qua năng lực…) để phù hợp với những thay đổi môi trường, đáp ứng đòi hỏi của môi trường.
Thông thường đào tạo là một quá trình trang bị kiến thức cơ bản mới hoặc ở trình độ cao hơn.
Cũng theo Điều 5, Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì “Bồi dưỡng là quá trình hoạt động trang bị, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng làm việc” nhằm làm tăng thêm kiến thức mới cho những người đang giữ chức vụ đang thực thi công việc của một ngạch, bậc nhất định để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Khối lượng kiến thức, kỹ năng được quy định trong các chương trình, tài liệu phải phù hợp với từng cán bộ, công chức. Kết quả của các khóa bồi dưỡng, người học sẽ nhận được chứng chỉ ghi nhận kết quả như: bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên hoặc chuyên đề, công tác chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ…
Từ hai khái niệm trên, ta có thể hiểu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức là quá trình truyền thụ, tiếp nhận có hệ thống tri thức, kỹ năng theo quy định của từng cấp học, bậc học dưới các hình thức khác nhau phù hợp với yêu cầu nhằm bổ trợ cho công chức, viên chức có kỹ năng giải quyết có chất lượng công việc được Nhà nước giao do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện.
Hiện nay chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được triển khai theo kế hoạch, dưới sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý công chức ở Trung ương và địa phương. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được lấy từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn khác. Ngoài những quy định chung về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của cơ quan có thẩm quyền các công chức, viên chức còn chủ động tự đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu cá nhân.
1.2.3.4. Chế độ đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao:
Khi nghiên cứu tiền lương trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, C. Mác đã chỉ rõ, về bản chất, tiền lương là giá cả sức lao động, biểu hiện ra bên ngoài như là giá cả lao động. Cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế, quan niệm về tiền lương cũng có những thay đổi. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tiền lương được định nghĩa là một phần thu nhập quốc dân biểu hiện dưới hình thức tiền tệ, được nhà nước phân phối một cách có kế hoạch cho công nhân viên căn cứ vào số lượng và chất lượng lao động mà họ cống hiến. Hiện nay nền kinh tế thị trường, tiền lương được hiểu là số lượng tiền tệ mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo giá trị sức lao động mà họ hao phí trên cơ sở thỏa thuận theo hợp đồng lao động. Tại điều 55, chương VI “Tiền lương” của Bộ Luật Lao động ban hành năm 1994 có ghi: “Tiền lương của người lao động do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc”.
Chính sách tiền lương thuộc một trong các chính sách kinh tế - xã hội quan trọng, trực tiếp liên quan đến lợi ích của hàng triệu người, ảnh hưởng đến sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Việc xây dựng chính sách tiền lương đúng đắn, có cơ sở khoa học là hết sức cần thiết nhằm tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên do tính phức tạp của nó, trong từng giai đoạn nhất định chính sách tiền lương khó đáp ứng ngay mọi yêu cầu. Hơn nữa, nền kinh tế và đời sống xã hội của nhân dân ở nước ta đang biến đổi và phát triển nhanh. Vì thế chính sách tiền lương phải được xem xét, bổ sung kịp thời để ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của nền kinh tế cũng như của người lao động. Thông thường, trong giai đoạn đầu áp dụng, chính sách phát huy tốt tác dụng do nó phù hợp, nhưng sau một thời gian nhất định nó ngày càng trở nên lạc hậu, lỗi thời và
đòi hỏi phải được thay thế. Chu kỳ sống của một chính sách tùy thuộc chủ yếu vào chỗ nó được xây dựng trên cơ sở nào, có khoa học hay không, điều kiện để nó phát huy tác dụng còn tồn tại hay không. Chính sách tiền lương gắn chặt với chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công, tạo thành một hệ thống chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước. (Nguồn: Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008. Giáo trình kinh tế nguồn nhân lực. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trang 12-13).
Chính sách tiền lương đối với những người thuộc diện thu hút được tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức. Theo quy định thì người tập sự có trình độ thạc sỹ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng được hưởng 85% mức lương bậc 02 của ngạch tuyển dụng; trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tùy điều kiện của từng địa phương sẽ có mức hỗ trợ tài chính một lần sau khi tuyển dụng, thu hút.