2.1.1.1. Vị trí địa lý
- Vị trí địa lý: Hướng Hoá là huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam và Tây giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp với huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Đakrông. Toàn huyện có 22 đơn vị hành chính trong đó 20 xã và 02 thị trấn (Khe Sanh và Lao Bảo) (trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn; 11 xã giáp biên với nước bạn Lào), có cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo nằm trên trục đường Quốc lộ 9 nối liền với các nước trong khu vực: Lào, Thái Lan, Mianma và Khu vực Miền Trung Việt Nam. Có đường biên giới dài 156 km tiếp giáp với 3 huyện bạn Lào.
- Địa hình: Địa hình Hướng Hoá rất đa dạng. Núi và sông xen kẽ nhau, tạo thành địa hình chia cắt, sông suối đều bắt nguồn từ núi cao. Khí hậu mang những nét điển hình của khí hậu nhiệt đới - gió mùa, quanh năm nóng ẩm, nhiệt độ trung bình năm 22 độ C, lượng mưa bình quân 2.262 mm/năm. Đất đai chủ yếu có hai loại: cát pha và đất đỏ bazan, thuận lợi cho việc phát triển nông - lâm nghiệp. Tài nguyên rừng và khoáng sản phong phú, có tiềm năng khai thác lâu dài.
- Khí hậu:Có thể chia ra 3 tiểu vùng khí hậu mạng những sắc thái khác nhau: Tiểu vùng khí hậu Đông Trường Sơn: gồm các xã nằm phía Bắc của huyện (Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Linh), đây là vùng chịu ảnh hưởng rỏ nét của nhiệt đới gió mùa Đông Bắc. Nền nhiệt tăng cao vào mùa nóng và chịu ảnh hưởng của gió mùa tây nam khô nóng, nhiệt độ bình quân cả năm tương đối cao (24,9 độ C). Tiểu vùng khí hậu chuyển tiếp (giáp các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Húc, thị trấn Khe Sanh). Là vùng chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu giao thoa giữa Đông và Tây Trường Sơn. Nền khí hậu tương đối ôn hoà trong năm, mang sắc thái á nhiệt đới, nhiệt độ bình quân cả năm là 22 độ C. Đặc biệt, thị trấn Khe Sanh nằm ở giữa đỉnh Trường Sơn nên có khí hậu khá lý tưởng, là lợi thế cho phát triển du lịch và nghỉ dưỡng.
- Thủy văn: Nguồn nước dồi dào từ những con sông: Sê Păng Hiêng, Sê Pôn, Rào Quán và hệ thống ao hồ, hàng trăm con suối, khe nhỏ, nước ngầm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện.
2.1.1.2. Điều kiện tự nhiên
- Tài nguyên đất: Huyện Hướng Hóa có diện tích tự là: 115.235,8 ha. Các loại đất chia theo mục đích sử dụng bao gồm:
Đất nông nghiệp: Có diện tích là 92.240,7 ha, chiếm 80,05% tổng diện tích đất tự nhiên. Bình quân đất nông nghiệp/người là 990,68 m2. Diện tích còn lại 22.995,1 ha chiếm 19,95% là đất phi nông nghiệp và chưa sử dựng.
- Đất sản xuất nông nghiệp. Trong 92.240,7 ha đất nông nghiệp, có 30,759 ha đất sản xuất nông nghiệp chiếm 26,69%, đất trồng cây hàng năm 11.776,5 ha, đất trồng cây lâu năm 18.985,5 ha, đất lâm nghiệp 61.370,4 ha (đất rừng sản xuất: 16.136,5 ha, đất rừng phòng hộ 22,588,2 ha, đất rừng đặc dụng 22.645,7 ha).
- Hệ thống suối: Phân bố dày đặc ở vùng thượng nguồn. Các thung lũng suối phần lớn rất hẹp, độ dốc lớn tạo ra nhiều thác cao hàng trăm mét và phân bậc phức tạp. Nhìn chung, hệ thống sông suối của Hướng Hóa phân bố đều khắp, điều kiện thủy văn thuận lợi cung cấp nguồn nước dồi dào phục vụ cho sản xuất và đời sống, đồng thời có tiềm năng thủy điện cho phép xây dựng một số nhà máy thuỷ điện với công suất vừa và nhỏ. Đặc biệt, công trình Thuỷ lợi - Thuỷ điện Quảng Trị trên sông Rào Quán giá trị đầu tư trên 2000 tỷ đồng đã hoàn thành cung cấp điện cho Quảng Trị và hoà vào mạng lới điện Quốc gia với công Suất 64 MW. Ngoài ra, công trình thuỷ điện Hạ Rào Quán và thuỷ điện La La đã hoàn thành đưa vào khai thác, tạo điều kiện phát triển điện lưới trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh nhà nói chung, đồng thời tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con trong huyện.
- Tài nguyên rừng: Tài nguyên rừng và thảm thực vật
Toàn huyện có 61.370,4 ha đất lâm nghiệp có rừng với tổng trữ lượng gỗ khoảng 05 triệu m3. Rừng Hướng Hóa có khoảng gần 1.000 loại thực vật thuộc 528 chi, 130 họ, trong đó có 175 loài cây gỗ. Động vật rừng cũng khá phong phú và đa
dạng. Hiện tại có khoảng 67 loài thú, 193 loài chim và 64 loài lưỡng cư bò sát (thuộc 17 họ, 3 bộ) đang sinh sống tại rừng Hướng Hóa.
- Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản của huyện Hướng Hóa khá phong phú và đa dạng, đặc biệt là khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng và làm vật liệu xây dựng. Có 50 mỏ và điểm khoáng sản, trong đó có 16 điểm, mỏ vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng với các loại chủ yếu như đá vôi, đá sét và các chất phụ gia (như đá bazan, quặng sắt), cát cuội sỏi, cao lanh. Ngoài ra còn có các điểm, mỏ khoáng sản khác như vàng v.v...
- Nước khoáng: Phân bố ở các xã: Hướng Lập, Hướng Sơn cho phép phát triển công nghiệp sản xuất nước khoáng, phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, chữa bệnh.
- Vàng: Phân bố ở Hướng Lập với trữ lượng khoảng 7 tấn, trong đó điểm mỏ vàng thôn A Xóc (xã Hướng Lập) đã được thăm dò có thể tổ chức khai thác với quy mô lớn.
Nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn hầu hết chưa được điều tra thăm dò chi tiết, cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới để có sơ sở thu hút đầu tư, tổ chức khai thác đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của huyện.
- Tài nguyên du lịch: Hướng Hóa có nhiều tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn khá phong phú, phân bố rộng khắp trên các địa bàn trong huyện và gần các trục giao thông chính nên rất thuận lợi cho khai thác. Đặc biệt Hướng Hóa có hệ thống di tích chiến tranh cách mạng gắn liền với cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, trong đó có những địa danh nổi tiếng Việt Nam và thế giới như: Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Khe Sanh, Làng Vây, Nhà tù Lao Bảo... Hướng Hóa còn là nơi bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng, đó là cơ sở để tạo sản phẩm du lịch hoài niệm về chiến trường xưa độc đáo. Hướng Hóa có những cánh rừng và những thác, gềnh, hang động với những cảnh quan đẹp, còn nguyên sơ với những hang động, như động Prai (xã Hướng Lập), thác Ô Ô (xã Tân Long), khu vực hồ Rào Quán - Khe Sanh....để phát triển du lịch sinh thái và du lịch homestay. Hướng Hóa có vị trí đầu cầu trên hành lang kinh tế Đông - Tây, điểm kết nối giữa
sản phẩm du lịch Đông - Tây, Con đường di sản miền Trung và Con đường huyền thoại. Có tiềm năng phát triển du lịch nghiên cứu văn hóa dân tộc như lễ hội dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, lễ hội truyền thống cách mạng và những món ăn mang đặc sắc của núi rừng Hướng Hóa.... Tiềm năng du lịch cho phép Hướng Hóa phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong giai đoạn tới.