5. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Giọng điệu ngông nghênh, kiêu bạc
Trong văn học trung đại Việt Nam, không phải một mình Phạm Thái mới có chất giọng này. Nói đến ngông thì đấy là một cá tính được thể hiện vào giọng điệu văn chương. Cùng thời với Phạm Thái, ta thấy Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Phạm Nguyễn Du… cũng không thiếu điều này. Tuy nhiên, mỗi người mỗi hoàn cảnh nên cách thể hiện cái ngông của họ cũng không giống nhau.
Cái ngông xuất hiện khi người ta ý thức rất cao về tài năng, giá trị bản thân trước cuộc đời. Cái ngông có khi là một cách phản ứng lại đời sống, một cách tự vệ của mỗi người trước những trở lực của cuộc đời. Với Phạm Thái, cuộc đời xô đẩy ông vào quá nhiều nghịch cảnh, chí làm trai bất thành, tình yêu bất thành, ngoài ba mươi tuổi không gia đình, không sự nghiệp, ông như người thừa giữa xã hội thay đổi nhanh chóng từng ngày. Ngông với Phạm Thái là một sự chán chường, bất mãn, đau đớn vì cuộc đời tạo cho ông quá nhiều thách thức cam go.
Chất giọng ngông ngạo của Phạm Thái thể hiện ở thái độ cười nhạo chính mình, đem đặc điểm cá nhân ra để cười cợt, trêu đùa, nghịch ngợm. Ông dám xưng tuổi, đặt tên và tự nhận định về chính mình với danh xưng cá thể:
Có ai muốn biết tuổi tên gì Vừa chẵn ba mươi gọi Chú Lỳ …
Miễn được ngày nào cho sướng kiếp Sống thì nuôi lấy, chết chôn đi.
Cái tên Chú Lỳ tự xưng ấy được phát ngôn với giọng thách thức, đùa cợt, phớt đời. Cái tên dân dã, bình dị, nghịch ngợm lại được xưng bằng điệu bộ tự hào lại trở nên khó quên đến lạ. Câu hỏi như muốn cả muôn đời được biết đến một nhân cách quá khác thường. Lỳ ở Phạm Thái là một sự kiên định không thể đổi thay về một lý tưởng, về sự ngưỡng phục một vài con người, về niềm tin tôn giáo, về một tình yêu chân chính duy nhất. Con người ấy sống giữa cuộc đời không phải để cho người đời phán xét mà tự mình làm chủ lấy mình. Từ “miễn” như một sự phó thác nhưng thực chất là tự bằng lòng, tự thấy mãn nguyện với lựa chọn của mình nên “sướng kiếp”. Và với con người ấy sống chết chẳng có gì đáng để bận tâm cả. Mọi thứ được định đoạt rất nhẹ nhàng: sống thì tự nuôi lấy thân và chết thì chôn đi, thế thôi. Con người sống giữa cuộc đời có mấy ai chuẩn bị cho mình được hành trang tư tưởng nhẹ nhõm như thế.
Cái ngông của Phạm Thái còn được thể hiện trong ý thức bản ngã của ông. Ông bước đến với tình yêu với sự tự tin rất cao về tài năng, về nhân cách:
Khúc đàn này tiếng giong hòa nhạc, Tranh ân tình nét mạc nghìn xuân, Lứa đôi tài tử giai nhân,
Gương in một sắc thanh tân kém gì?
(Sơ kính tân trang)
Chàng Phạm Kim tự tin vào chính mình, không hề kém thua gì một trang tiểu thư khuê các như Trương Quỳnh Như mặc dù ở chàng danh phận chẳng có, cửa nhà cũng không. Có thể thấy, ở Phạm Thái ý thức tài năng, phẩm chất luôn ở mức rất cao. Khác với quan niệm thông thường về vị trí của người con trai trong xã hội: Phải có danh gì với núi sông, Phạm Thái quan niệm về vị trí của người làm trai là ở ý chí, khát vọng lập thân của họ:
Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên;
Mình long đong phận gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mạng.
(Bài văn khóc cô Trương Quỳnh Như)
Trong cuộc đời mình, Phạm Thái đã có lúc đặt tình yêu về phía sau so với sự nghiệp nhưng khi đến với tình yêu, ông vẫn đặt mình và người tình ở vị trí sóng đôi (ta – mình).
Thể hiện rõ nhất cái ngông trong giọng điệu thơ ca Phạm Thái phải nói đến tác phẩm Chiến tụng Tây Hồ phú. Qua cái nhìn của kẻ chiến bại mất giang sơn, những gì đang có ở hiện thực chẳng qua chỉ là ảo ảnh. Ông phủ định thực tại với thái độ thách thức, phủ phàng với lời lẽ nặng nề. Ngay từ những câu mở đầu, ông đã đưa ra lời lẽ đi ngược lại với ý tình của người viết
Tụng Tây Hồ phú:
Ngán nhẽ tụng Tây Hồ; Ngán nhẽ tụng Tây Hồ!
Vốn trước đã lở hầm toang hoác vũng; Có nhẽ đâu mọc đá nhấp nhô gò?
Những câu hỏi xoáy vào niềm tin của người đời về cái đẹp xưa nay của Tây Hồ được Phạm Thái đặt ra cho thấy sự chán ngán thời thế của ông. Ông không nhìn theo cách nhìn của mọi người về cảnh vật xung quanh. Ông nhìn chúng bằng tư tưởng chống đối. Giữa khí thế hùng mạnh của quân Tây Sơn, Phạm Thái chẳng biết e dè, sợ hãi mà dám lội ngược dòng. Đó chính là thái độ ngông nghênh có phần ngạo mạn của một kẻ chiến bại.
Như vậy, Phạm Thái ngông trong thơ văn hoàn toàn có lý do của mình. Bởi đó là nơi duy nhất ông có thể trút bỏ nỗi lòng, là nơi ông có thể là mình với tất cả tình yêu, sự thù hận và cả ý thức bản ngã. Chất giọng ngông nghênh này góp phần tạo nên phong cách và chỗ đứng riêng ông trên thi đàn trung đại.