Cảm hứng tôn giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ văn nôm của phạm thái (Trang 46 - 52)

5. Cấu trúc luận văn

2.1.3. Cảm hứng tôn giáo

Trong thơ văn Phạm Thái, nổi bật hai tư tưởng, tôn giáo lớn đó chính là Phật giáo, Đạo giáo. Về tư tưởng tôn giáo, Phạm Thái có nhiều quan điểm gần gũi với quần chúng nhân dân. Ông tin vào sự sắp đặt của duyên trời, thiên mệnh. Duyên phận của con người đã được người trời sắp xếp, đó chính là ông Tơ, bà Nguyệt. Ông nhắc khá nhiều đến hai nhân vật lấy từ tích truyện dân gian Trung Hoa này để làm cơ sở lý giải tình duyên của người trần:

- Khéo buồn tênh cho dì Nguyệt lắm,

Đem tơ hồng ngăn cấm người ta. Thày lay ấy mới khéo là,

Xe vào thì ít, nới ra thì nhiều.

(Thuật hoài quốc âm khúc)

- Niềm riêng ta lại biết ta

Duyên này phải mượn trời già giúp xe.

(Thuật hoài quốc âm khúc)

Người con gái trách cứ ông Tơ bà Nguyệt xe duyên chẳng tính toán cho người đời. Xe duyên chẳng tốt lành để bao người phải khổ ải tình duyên. Thiếu nữ cùng thân phận nữ nhân sao dì Nguyệt chẳng bênh vực mà bắt nàng phải khổ vì xe duyên nhầm mới với kẻ ngu dốt. Để giờ đây, tình cảnh của nàng thật bi đát, nàng buồn phiền chẳng biết ngỏ cùng ai, chỉ biết ngậm đắng nuốt cay nơi phòng không chiết bóng, chẳng buồn ngó đến phấn hương:

Tác thanh xuân đã ngoài hai chục Má hồng này mấy chốc mà phai

Phòng loan thở ngắn than dài Biết đem tâm sự với ai tỏ bày? Ủ đôi mày, trông gương thẹn bóng Giọt phiền tuôn, phấn đọng ngân trang.

(Thuật hoài quốc âm khúc)

Khi con người bế tắc trước sự đời, họ lại đặt niềm tin vào những đấng siêu nhiên, vô hình. Tôn giáo là nơi cứu rỗi tâm hồn con người hữu hiệu nhất. Thiếu nữ tìm vào thuật bói toán của Đạo giáo, các vị tiên huyền thoại như Lã Động Tân, Lý Thiết Quài, kinh Kim Cương, kinh Huyết bồn, đức Thế Tôn, đến đền thiêng Phủ Dầy – Kiếp Bạc, bà đồng, bà cốt, lại cầu nguyện đến chúa Kito… Tất cả chỉ vì muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Hỏi người thương ta đâu thế nhẽ?”

Phạm Thái khá am hiểu thuật bói toán, xem tướng số. Để tìm nguyên nhân dẫn đến sự muộn màng duyên phận của thiếu nữ, ông đã vận đủ lý do từ tướng số, bói toán của Đạo giáo, Phật giáo cho đến chúa Chi Thu (Giê – su). Nhìn hình hài người con gái sẽ biết số phận của họ trong tình duyên:

- Vận trung đình tưởng nơi có sự

Lưỡng quyền cao phải chữ hình phu Nhâm truyền thầy vượng du đô Bói ra trùng động, quẻ Nhu kỵ thần - Xem âm phần “hổ chi” xuyên áp “Pháp thủy sa” tiêu nạp cũng không

(Quẻ Nhu tên một quẻ bói trong Kinh Dịch, dưới quẻ Càn, trên quẻ Khảm, mang ý nghĩa trì trệ, chờ đợi)

- Phật duyên nhờ đức Thế Tôn

Kim Cương chẳng hộ, Huyết bồn khó tin Thử triệu tiên, phụ đồng huyền bút

Lã – Lý khôn chữ tốt thơ hay

- Đền thiêng khắp Phủ Dầy – Kiếp Bạc Nên cầu xem hãy các cầu phu

Khấn nguyền với chúa Chi Thu Mấy bình nước phép tôn đồ mỏi tay.

(Thuật hoài quốc âm khúc)

Tất cả các đặc điểm siêu hình của gia thế và bản thân nàng không có gì hội tụ đủ để có cuộc tình duyên hạnh phúc. Từ âm phần, tướng mạo, Phật trời cũng chẳng độ cho nàng. Phạm Thái cũng như bao con người chốn dương gian này, đều lý giải cuộc đời mình thông qua những đấng siêu hình. Quả thật, nhìn vào phẩm chất cá nhân, người con gái này có đầy đủ yếu tố để hạnh phúc nhưng sự đời trớ trêu khiến nàng long đong như vậy, điều này chỉ có thể trách vào thế lực siêu nhiên.

Cảm hứng Phật giáo trong thơ Phạm Thái được thể hiện rõ nhất thông qua những tác phẩm như Tờ phả khuyến chùa Nghiêm Xá, Tờ phả khuyến

chùa Tam Thanh, Tờ phả khuyến lễ kết hạ, Đề chùa Tiêu Sơn, Sơ kính tân

trang… Phạm Thái có tư tưởng về Phật giáo khá rõ ràng: ông một lòng tôn

kính Phật pháp, đả kích những gì đi ngược lại chính đạo. Ông hết lòng đề cao phép nhiệm màu của đức Phật:

Đức Phật ta;

Chén nổi ấn thiêng; Tích bay phép nhiệm.

Trời cao du nhưng nghe cũng không xa; Phật ở đấy có dối đâu được khỏi.

(Tờ phả khuyến chùa Nghiêm Xá)

Cõi trời là nơi ngự trị của đức Thế Tôn, tưởng rằng xa nhưng thật ra lại rất gần. Vì vậy đức Phật có thể nhìn thấu tất cả tâm can, hành tẩu chúng sinh, …

Đức Phật ta:

Mở cửa từ bi; rộng đường phương tiện.

Đỉnh Thứu Lĩnh lầu lầu trăng tuệ, đá kiếp dù muôn đợt cũng không mờ; Doành Đà Doanh hây hẩy gió hòa, sông ân dẫu nghìn tầm khôn nhẽ lộng. Gẫm đạo chân như là thế ấy;

Xem cơ huyền tạo dễ hay đâu.

(Tờ phả khuyến làm tam quan chùa Tam Thanh)

Mở đầu tất cả các tờ văn phả khuyến, Phạm Thái đều dành sự ngưỡng vọng chân thành đến đức độ của đấng Như Lai:

Đức Phật ta:

Mở giáo Nam châu; Vâng truyền Tây thổ.

Nước tịnh chảy cành dương thánh thót, rập tàn nhà lửa cháy bừng bừng;

Bể từ chèo biển giác lênh đênh, chở lặng sóng ơn tuôn cuồn cuộn. Tai trí huệ nghe thấu lời thiện ác;

Mắt quang minh dòm suốt chốn u minh.

(Tờ phả khuyết lễ kết hạ)

Bên cạnh đó, nổi bật trong văn phả khuyến là tư tưởng nhân quả - báo ứng mà học thuyết Phật giáo đã thường nhắc nhở người đời:

- Kẻ dựng phúc hẳn là gặp phúc, ghi tên muôn kiếp đá không mòn;

Người tìm nhân âu lại được nhân, dấu để nghìn năm gương chẳng bụi.

(Tờ phả khuyến chùa Nghiêm Xá)

- Gương âm dương soi vạn cổ không lòa;

Cân họa phước nhắc hai đồng chẳng mếch.

Đức An Nan Mông Sơn thí thực, vậy thân sau khỏi chốn luân hồi; Đức Mục Liên phá ngục độ thân, mà mạng được vẹn bề báo đáp.

Tư tưởng về sự hãn hữu của đời người trong Phật Giáo cũng nhiều lần được Phạm Thái nhắc đến. Phật Giáo xem cuộc đời như bóng câu vụt qua cửa sổ, như ánh chớp có rồi lại không:

Cửa hồng trần thoảng bóng bạch câu, hồn kim cổ bông hoa dòng nước; Tranh bích hàn vờn hình thương cẩu, kiếp tử sinh giây chớp đóa mây.

(Tờ phả khuyến làm tam quan chùa Tam Thanh)

Mọi sự vật hiện tượng hay con người đều sinh và diệt trong thoáng chốc:

- Có sinh có diệt, tạo hóa khôn lường;

Kẻ ở kẻ về, nhân tình chạnh cảm.

(Bài văn khao thần ôn dịch)

- Kìa xem cơ nước chảy hoa tàn, hồn kim cổ bóng ngựa câu thấp

thoáng.

Thì phải sợ đương đông chớp sáng, đám lợi danh hình lửa đá lập lòe.

(Tờ phả khuyến lễ kiết hạ - khi ông ở chùa Tiêu Sơn)

Cõi đời này chỉ là tạm bợ, không thể tồn tại được lâu, chốn tịnh độ mới là nơi vĩnh cửu:

Cõi doanh hoàn âu là cảnh phù sinh; Chốn Tịnh độ mới thực miền Lạc quốc.

(Tờ phả khuyến làm tam quan chùa Tam Thanh)

Phạm Thái nghẹn ngào vì mất người yêu cũng mượn thuyết vô thường của Phật Giáo để diễn tả: “Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa… Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm” (Khóc Trương quỳnh Như)

Trong lòng Phạm Thái, Trương Quỳnh Như là cô gái xinh đẹp nhất, ưu tú nhất. Vì thế, khi mất đi người yêu, chàng tìm mọi ngọn nguồn, lý lẽ để giải thích cho oan trái này. Kinh kim Cang có bài kệ: “Nhất thiết hữu vi pháp, như

mộng huyễn, như bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Nghĩa là tất cả các pháp hữu vi đều như mộng, như huyễn, như bóng, như bọt nước, như sương mai, như tia chớp, không có gì là thật cả. Trương Quỳnh Như cũng chỉ là một pháp hữu vi mà thôi, cũng không thể nào tránh được lẽ vô thường.

Phật giáo xem cuộc đời là bể khổ, chỉ có giác ngộ chân như của đạo Phật thì con người mới thoát khỏi doành mê nhự, bể trầm luân:

- Lá buồm gấm thổi gió từ bể giác, doành mê nhự chở kẻ trầm luân; Bóng đèn hoa lồng mây tuệ ngàn thiêng, bể khổ sáng đưa người ám muội.

(Tờ phả khuyến chùa Nghiêm Xá)

Để thoát khỏi bể trầm luân, ông khuyên con người hành thiện, lánh ác, tích đức để tránh báo ứng:

- Nhà tích thiện ắt phúc thừa hẳn gặp, lời Dịch kinh còn trành trạnh

như in;

Người tìm nhân âu đạo cả chẳng riêng, câu Bảo lục vốn rành rành hãy tạc.

(Tờ phả khuyến làm tam quan chùa Tam Thanh)

- Vậy phải hò làm việc phước,

Dám xin mở tấm lòng hằng!

(Tờ phả khuyến lễ kết hạ - khi ông ở chùa Tiêu Sơn)

Phạm Thái ra sức khuyên răn con người hiếu thuận, trả đạo tứ ân:

Chữ hiếu ấy trước chưng trăm nết, kìa Nho sử còn ghi; Đạo hằng dù trên trả bốn ơn, nọ Phật kinh hãy tạc. Làm nhân tử phải vẹn bề hiếu tử;

Há thiên tâm có phụ kẻ đạo tâm.

(Tờ phả khuyến lễ kết hạ - khi ông ở chùa Tiêu Sơn)

Như vậy, trong thơ văn Nôm, Phạm Thái đưa ra những quan niệm về Phật Giáo khá gần gũi với tư tưởng quần chúng nhân dân như nhân quả báo ứng, ở hiền gặp lành, kiếp luân hồi, vô thường… Những chủ trương, thuyết

pháp của Phật giáo được Phạm Thái diễn đạt rõ ràng, súc tích, đầy sức thuyết phục trong các tác phẩm của mình. Từ đó, con người có thể tìm thấy chân như của đạo Phật mà tự khuyến dụ bản thân mình. Sức thuyết phục của những nguyên lý đạo Phật càng được nâng cao hơn bởi chính người nêu lên nó là một tăng sư. Vì lẽ đó, những điều ông nói vừa là lý thuyết đồng thời cũng là những điều ông đang thực hành. Do đó, sức lan tỏa của những bài văn phả khuyến, nhưng vần thơ viết về Phật giáo đến được với nhiều người hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ văn nôm của phạm thái (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)