5. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Cảm hứng nhân văn
Trong bối cảnh xã hội cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa nhân đạo xuất hiện không phải là một yếu tố hay một tính chất mà là một trào lưu. Hầu như tất cả những tác phẩm tiêu biểu của văn học chữ Nôm giai đoạn này đều tập trung vào vấn đề con người, nhận thức con người, đề cao con người, đấu tranh với các thế lực đen tối phản động của xã hội để khẳng định giá trị chân chính của con người. Trào lưu này thể hiện trên hai phương diện: phê phán các thế lực phong kiến chà đạp con người, yêu cầu giải phóng tình cảm, đề cao con người và cuộc sống trần thế của con người. Trong thơ Nôm Phạm Thái, nội dung thứ hai chiếm phần quan trọng.
Trong giai đoạn đang lên của nhà nước phong kiến, trong một chừng mực nào đó, giai cấp thống trị cần quan tâm đến quyền lợi của quần chúng.
Bộ luật Hồng Đức còn quan tâm đến một số quyền lợi của người phụ nữ. Nhưng khi nhà nước suy tàn giai cấp phong kiến thi hành một nền chuyên chế tàn bạo, hà khắc để thống trị nhân dân. Chúng không ngừng tăng cường áp bức bóc lột và tăng cường không khống chế về mặt tinh thần, tình cảm. Phản ứng lại tình trạng đó, quần chúng một mặt vùng dậy đấu tranh vũ trang để giành cơm áo bằng sáng tác văn học nghệ thuật và đấu tranh đòi quyền giải phóng tình cảm.
Đề tài tình yêu trở thành một đề tài có sức hấp dẫn đối với văn học giai đoạn này. Trong truyện thơ, ngâm khúc, thơ văn đều bám vào chủ đề tình yêu lứa đôi. Phạm Thái nói về tình yêu trong hầu hết các sáng tác của mình, Phạm Nguyễn Du viết Đoạn trường Lục, Ngô Thì Sỹ biết Khuê ai tiểu lục. Viết về tình yêu các tác giả được thể hiện mơ ước của họ về tình yêu tự do, không ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến, khẳng định tự do yêu thương để gián tiếp phủ nhận lễ giáo phong kiến. Trong các truyện Nôm bác học, các tác giả thường xây dựng những mối tình vượt ngoài lễ giáo phong kiến như tình yêu Kim Trọng Thúy Kiều, Phạm Kim Trương Quỳnh Thư, Phan Tất Chính Trần Kiều Liên, Lương Phương Chân - Dương Giao Tiên.
Ca ngợi tình yêu, sống hết mình cho tình yêu đẹp, đó là điều mà người đời vẫn thường nhắc đến ở Phạm Thái, đó cũng là minh chứng cho tấm lòng sắc son, chung tình cao đẹp của một trang nam tử giữa xã hội nam quyền. Qua tác phẩm thơ văn Nôm, Phạm Thái gửi trao tâm tình cho mối tình nồng nàn, say đắm với người yêu duy nhất của đời mình là Trương Quỳnh Như. Mối tình đẹp Phạm Trương được khắc họa sâu sắc qua tác phẩm truyện Nôm trứ danh Sơ kính tân trang và trong những bài văn khóc người tình đầy bi ai, thống thiết của Phạm Đan Phượng. Trần Trọng Dương nhận xét rằng: “Phạm Thái là một kẻ lãng tử trong chốn tình trường, là một gã lãng du trong cõi đời bể dâu biến động, là một tình lang tài hoa trong cõi thơ Nôm, là một thi tiên
ngang tàng và cực đoan trong ngôn từ và hành động” [17;152]. Viết về mối tình quá đỗi nên thơ này, Phạm Thái đã cho người đời thấy rằng, trong xã hội phong kiến, đặc biệt là giai đoạn với sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức tư tưởng quần chúng, nhân dân, con người ta đã sống đúng với phẩm chất người của mình như thế nào.
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như đến với nhau hoàn toàn tự nguyện bởi sự tâm đầu ý hợp trong lời thơ tiếng văn, từ đó tình yêu nảy nở thật tình cờ. Trong Sơ kính tân trang, mối tình đầu tiên với Trương Quỳnh Thư, Phạm Kim cũng nhờ thơ ca dẫn lối. Nàng cảm nhận chân tình và tài năng trác tuyệt của chàng qua thơ mà gửi trao tâm tình. Sức mạnh của thơ đã chắp cánh cho tình yêu của hai người bay xa. Minh chứng cho điều này là rất nhiều đoạn thơ, từ, văn đan xen vào trong tác phẩm truyện Nôm để tác phẩm trở nên sống động, độc đáo như mối tình có một không hai của kẻ tài tử, giai nhân này.
Nhu cầu giải phóng tình cảm không chỉ thể hiện ở đề tài tình yêu mà còn gắn liền sự xuất hiện của người phụ nữ trong văn học. Chưa bao giờ văn học nói nhiều về người phụ nữ như ở giai đoạn này. Hình ảnh người phụ nữ là hình ảnh thành công nhất của văn học giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Hầu như tác giả nào cũng viết về người phụ nữ. Người phụ nữ nữ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau: người bình dân, quý tộc, lao động, kỹ nữ đều được đề cập đến ở nhiều khía cạnh.
Một trong những điều làm nên vị trí của Phạm Thái trên văn đàn thời trung đại là ông đã sống và dành tình yêu thương hết lòng cho những người phụ nữ. Những người đẹp trong mộng ông yêu thương đã đành, cả những người có phận số không may, sớm mất chồng, thiếu nữ muộn màng duyên phận cũng được ông dành sự cảm thông sâu sắc. Hiện diện trong thơ văn Nôm của Phạm Thái là hình ảnh sinh động của nhiều kiếp hồng nhan bi đát, đáng thương.
Ông thương cảm cho thiếu nữ phận hẩm duyên ôi. Thiếu nữ đẹp người đẹp nết lại bắt xe duyên cùng những kẻ thất phu:
Vì ai đưa mối trần gian,
Khiến người thục nữ sánh đoàn ngu nhân.
(Thuật hoài quốc âm khúc)
Tình cảnh thiếu nữ chờ đợi duyên tình được ông thấu hiểu sâu sắc:
Hoa ủ ê đeo tình khổ não
Gió lay cành lắt léo khêu duyên Nguyệt nom mờ mịt bên hiên
Tuyết đầm gối chiếc không yên giấc hòe.
(Thuật hoài quốc âm khúc)
Phạm Thái đặc biệt dành sự ngưỡng vọng cho những người phụ nữ chung thủy tiết liệt. Trong “Bài văn khao thần ôn dịch”, ông dùng những từ ngữ đẹp, hình ảnh đẹp để ngợi ca những người phụ nữ giữ đạo hạnh và tiết trinh cho chồng:
“Doành ái mộ ngàn thu vẹn tiết
Người quyết chí để trọn nghì phu phụ, Thuyền ái ân chèo dòng biếc lênh đênh… Thúy Ái gương thu soi tiết chánh”
(Đề tòa nhà Nghĩa Lư 2)
Trên mâm cỗ khao vọng tha nhân, Phạm Thái vẫn để một vị trí xứng đáng cho những liệt nữ. Và phần thưởng xứng đáng cho những con người như vậy là “Thuyền Phạm Lãi, Ngũ Hồ buồm tếch gió, vui nước trời một sắc tươi xanh”. Họ sẽ được sống thong dong, thanh thản, tỏa rạng tiết danh đến ngàn đời.
Hơn thế nữa, khi chứng kiến nỗi đau bất tận của nàng Long Cơ, vợ Thanh Xuyên hầu khi chồng mất đi, Phạm Thái đã không dằn được cảm xúc. Ông cảm phục người phụ nữ tiết liệt:
Hoa kề cổ trủng đeo tình nặng Trăng rạng cô lư sáng tiết trong.
(Đề tòa nhà Nghĩa Lư 2)
Phạm Thái dành nhiều bài thơ để viết về tâm tình của cô phụ Long Cơ bởi ông đã chứng kiến và thương cảm cho tấm lòng yêu thương chồng hết mực của nàng. Ông ví Long Cơ như Ngu Cơ, như hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh trong sử sách Trung Hoa. Những người phụ nữ thà chết theo chồng chứ không cần sống khi chồng đã mất đi:
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
(Đề tòa nhà Nghĩa Lư 2)
Nàng Long Cơ muốn chết theo chồng nhưng bao người ngăn cản, bởi nàng còn cha mẹ chồng già nua cần chăm sóc, con thơ chưa đến tuổi trưởng thành phải bảo ban. Tuy nhiên, mất đi người chồng như Trương Đăng Thụ, nàng sống cũng như chết:
Khêu sầu chín khúc chùng dây sắt, Diễn thảm năm canh quạnh giọt đồng.
(Đề tòa nhà Nghĩa Lư 1)
Về cơ bản đây là giai đoạn văn học sáng bừng tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, vừa có bản sắc dân tộc vừa mang tính chất loại hình. Đó là tiếng nói của sự khẳng định con người trước xã hội và trước tự nhiên. Tiếng nói ấy không chịu khuất phục trước khuynh hướng phủ định khả năng xây dựng, cải tạo cuộc sống của con người. Đặc biệt là sự khẳng định những yêu cầu hạnh phúc của con người, chống đối lại những chủ trương cai trị của nho giáo. Phạm Thái là một trong những tác gia tiêu biểu cho trào lưu nhân văn, nhân đạo, nhân bản ở giai đoạn này. Những tình cảm ông dành cho người phụ nữ không hề hạ mình, giả dối mà đó là chân tình, thấu hiểu. Có được điều đó là
nhờ những tháng ngày vật lộn, bôn ba cùng đời sống của người dân, ông tiếp thu sâu sắc văn hóa dân gian, tư tưởng dân gian luôn coi trọng, bảo bọc người phụ nữ. Tinh thần nhân đạo đó không có một sách vở thánh hiền nào nói đến mà chỉ tồn tại trong “xanh tươi” của đời sống người bình dân.