5. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Sử dụng sáng tạo hệ thống thể loại nội sinh
* Sự sáng tạo trong sáng tác thơ Nôm Đường luật
Thơ Nôm Đường luật đến Phạm Thái đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Phạm Thái chỉ có 28 bài thơ Nôm Đường luật nhưng cũng đủ để tạo cho ông một chỗ đứng khác biệt trên văn đàn trung đại. Mặc dù mượn thể thơ Đường luật của Trung Hoa nhưng Phạm Thái và các bậc tiền nhân đã có những đổi mới đáng kể để biến thể thơ này trở thành thể thơ của dân tộc. Phạm Thái có những đóng góp rất riêng với việc thể hiện con người cá nhân với những cảm xúc, tình cảm riêng tư của cá nhân không hề vay mượn đề tài, thi liệu từ văn hóa Trung Hoa. Chủ đề sáng tác thơ Nôm của Phạm Thái tựu trung ở 3 nhóm chính: Thơ đối đáp với Trương Đăng Thụ, Thơ khóc thay nàng Long Cơ nỗi đau mất chồng, thơ trao gửi tâm tình giữa Phạm Kim và Trương Quỳnh Thư, Nhụy Châu trong Sơ kính tân trang… thơ tự trào.
Nổi bật là một số bài thơ trao gửi tâm tình của Phạm Thái với tình nhân được gắn với tác phẩm truyện thơ Nôm Sơ kính tân trang. Một số bài được các nhà biên khảo đặt tên theo mục đích ra đời của tác phẩm như Thư gửi tình nhân 1, 2; Tình nhân gửi thư 1,2; hoặc đặt tên theo cảm xúc của chủ thể: Mộng nhớ Quỳnh nương, theo địa điểm xuất hiện tác phẩm: Thơ trên vách lầu chuông ở Kim Sơn, Họa thơ trên vách lầu chuông ở Kim Sơn, Ngôn chí 1, 2… Ngoài ra, có một số bài tác giả tự thuật về chính bản thân mình với cảm hứng trào phúng cũng khá mới mẻ như Tự trào, Tự thuật, Hay rượu…
Nét đặc sắc về thể loại thơ Nôm Đường luật ở Phạm Thái là sự mới mẻ ở cảm hứng sáng tạo, nội dung cảm xúc và độc đáo về ngôn ngữ, vần điệu, niêm luật… Về cảm hứng nhân văn, thơ Phạm Thái thể hiện tình yêu lứa đôi nồng nhiệt thời xuân trẻ của những tài tử giai nhân. Các tác phẩm tổn tại dưới dạng đối đáp, diễn tả sinh động trạng thái tình cảm của mỗi nhân vật trong từng thời điểm. Khi ướm hỏi tình yêu, Phạm Kim thời xuân trẻ dùng những
lời lẽ thật tếu táo nhưng cũng ý nhị, thâm sâu:
Dẩy dun hoa lá bởi tay trời,
Nghĩ đến duyên do cũng nực cười. …
Đèn nguyệt ví bằng gương chẳng bợn, Xin soi cho tỏ nỗi niềm người.
(Thư gửi tình nhân 1)
Trương Quỳnh Thư nhắn lại đầy ẩn ý nhưng đầy hứa hẹn với người mà nàng cảm mến:
Dắt mối đưa duyên cũng bởi trời, Vì ai dun dẩy, nghĩ như cười. …
Miễn rằng vàng đá lòng như một, Chớ có trăng hoa nữa bẽ người.
(Thư gửi tình nhân 2)
Mối tình Phạm – Trương hoàn toàn tự do, không hề chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Họ để bản thân cuốn theo tình yêu mà không chịu sự câu thúc bởi một thế lực nào. Điều này cho thấy tư tưởng tự do, phóng khoáng của con người thời đại mà những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi như Phạm – Trương là đại diện tiêu biểu. Người con gái như Trương Quỳnh Thư dám bộc bạch niềm hy vọng của mình về tình yêu chung thủy với người con trai chỉ mới gặp gỡ lần đầu thì quả thật táo bạo. Chàng lãng tử Phạm Kim cũng sẵn sàng sống chết, đeo đuổi tình yêu sét đánh với người con gái hơn hẳn mình về danh phận thì cũng thật dũng cảm. Cũng tương tự như vậy, mối tình về sau với Nhụy Châu, Phạm tăng cũng dũng cảm vượt qua thân phận của mình để đeo đuổi mối tình mới chớm với người con gái tự do, thông tuệ như Nhụy Châu:
Hương lửa tình này dễ nói năng,
Chẳng hay lòng khách thấu cùng chăng? … Lời này dặn với tri âm nhẽ:
Chớ phụ cầm treo đợi dưới trăng (Tình nhân gửi thư 1)
Nhụy Châu cũng là người con gái rất yêu thích sự tự do. Nàng phiêu dạt khắp nơi với hình hài nam tử cũng để thỏa mãn chí phiêu bồng của mình. Có lẽ vì thế mà không lạ gì khi nàng mạnh dạn đón nhận tình cảm thiết tha của một tài tử như Phạm Kim. Hồi đáp những lời gửi trao tâm tình của Phạm Kim, Nhụy Châu cũng giãi bày gan ruột:
Nguyệt lão se dây khéo dở dang, Xanh xanh chi nỡ phụ hồng nhan! … Đội ơn công tử lòng như một, Bồ liễu duyên sao khéo bẽ bàng?
(Tình nhân gửi thư 2)
Như vậy, trong tư tưởng về hạnh phúc lứa đôi, Phạm Thái là người rất hiện đại. Ông tán đồng thậm chí nhiệt thành ủng hộ những mối tình tự do, chân thành, dám nghĩ, dám sống cho người mình yêu. Thơ Nôm Đường luật là một phương tiện hữu hiệu giúp ông chuyển tải điều đó. Trong hình thức đối đáp, thơ Đường luật được lựa như cách mã hóa thông điệp của ngươi gửi. Nó bộc lộ ưu thế khi chuyển tải những nỗi lòng sâu kín của chủ thể trữ tình đồng thời tạo được độ khó cho người đáp. Người đáp cần phải giãi mã thông điệp và thể hiện lại với hình thức tương tự. Phạm Kim trong hai lần gửi thư cho tình nhân đã dùng những hình ảnh mang tính ẩn dụ để ngụ tình: yến – hồng, đào – liễu, lửa ân – bể ái, đèn – gương, vườn đào – dặm liễu, vàng đá – nước non, cầm – trăng… Quỳnh Như, Nhụy Châu cũng sử dụng những cặp hình ảnh ngụ tình rất tinh tế để thể hiện tấc lòng mình: lá thắm – thư vàng, vàng đá
– trăng hoa, chim – vàng… những hình ảnh này được sử dụng phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người, phù hợp với tình cảm của mỗi người. Vì vậy, những tác phẩm thơ Nôm luật Đường thể hiện tình yêu của Phạm Thái trở nên sang trọng hơn, tinh tế, ý nhị hơn. Bên cạnh đó, cách sử dụng những từ ngữ bình dân, từ cảm thán, các biện pháp tu từ như ẩn dụ, từ láy… đã góp phần làm cho tác phẩm không quá khó hiểu hay xa rời cảm xúc của người bình dân.
* Sự mới mẻ vượt trội trong sáng tác truyện thơ Nôm
Truyện thơ Nôm là một thành tựu rực rỡ của văn chương trung đại, đồng thời cũng là bước phát triển vượt bậc của văn học giai đoạn cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Sơ Kính tân trang của Phạm Thái như một bản tự thuật về mối tình có thật giữa ông và Trương Quỳnh Như. Tác phẩm là những dòng tự bạch, những hàng tình lệ mà ít truyện thơ Nôm ở giai đoạn này có được. Trong khi hầu hết các truyện Nôm trước và sau Sơ kính tân trang đều vay mượn cốt truyện từ tiểu thuyết Minh Thanh hay bát đại tài tử thư của Trung Hoa thì Phạm Thái vẫn đi trên con đường của mình, đó là con đường tình ái của chính ông.
Gặp gỡ và gắn kết tâm hồn mình với Trương Quỳnh Như, Phạm Thái dường như đã thoát ly đời mình vào cõi mộng. Ông sống trọn vẹn cho mối tình đẹp như thơ này vì vậy, khi Quỳnh Như mất, Phạm Thái dang dở khóc thương nghẹn lòng. Nỗi niềm đó được ông ký thác vào trang thơ. Tác phẩm được viết vào năm 1804, gồm 1484 câu thơ, chủ yếu là thơ lục bát. Sự khác biệt của tác phẩm ở chỗ là ông cho nhân vật mang họ của mình, chỉ đổi tên, còn người yêu của ông cũng chỉ đổi tên mà thôi, nhưng cái tên ấy lại chính là quê quán của nhân vật. Kết cấu của tác phẩm cũng thật độc đáo, đó là sự kết hợp giữa hai yếu tố thực và ảo. Phần thực từ câu đầu đến câu 886; phần ảo từ câu 887 đến hết. Đó cũng là điểm khác biệt so với truyện Nôm thông thường: gặp gỡ - tai biến – đoàn viên. Sơ kính tân trang cũng có phần đoàn viên nhưng lại là phần ảo, là ước mơ
thầm kín của tác giả trong tình yêu: Quỳnh Thư chết nhưng tái sinh ở kiếp sau thành Thụy Châu để ở bên Phạm Kim hạnh phúc suốt đời.
Điểm độc đáo của tác phẩm còn ở nội dung tư tưởng của tác giả. Ông xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho tư tưởng thời đại. Trước hết đó tư tưởng yêu thương, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Quỳnh Thư, Thụy Châu trong tác phẩm là những người con gái đẹp người, đẹp nết. Họ đều dám nghĩ, dám làm và dám sống quyết liệt cho tình yêu. Vượt qua tất cả những định kiến của xã hội, họ chủ động đến với tình yêu cho dù đối ngẫu của họ chỉ có tài và tình, không của cải vật chất, không địa vị xứng đáng. Quỳnh Như dám chết cho người mình yêu, Thụy Châu dám vượt qua rào cản về vị thế để yêu tăng sư. Quỳnh Như nhung nhớ người yêu đến quên ăn, quên ngủ, sao nhãng tất cả mọi việc trên đời, kể cả việc yêu thích của phụ nữ là trang điểm. Hơn nữa, nàng còn hành động chẳng thua kém gì Thúy Kiều:
Canh ba vang tiếng kim trang,
Thác rèm hoa thấy một nàng tiên nga. Chiều ủ liễu, vẻ ôi hoa,
Ngọc ngần môi thắm, châu sa má đào. Nhác xem chàng ngỡ chiêm bao, Dẫu người sắt cũng lệ trào, lọ ai?
Giữa đêm vắng nàng băng ngõ hẹp đến bên thềm nhà người yêu. Nàng đến để từ biệt mối tình duy nhất của mình để đi đến một quyết định vô cùng táo bạo: “Thiếp nay tay có son in/Quỳnh nương hai chữ thì xin nhớ cùng”. Sau đó, nàng bình thản đi vào cõi vĩnh hằng để gìn giữ nguyên vẹn mối tình dành cho tình lang. Quỳnh Thư đẹp cái đẹp của người con gái trung trinh, sống với nòi tình, còn Thụy Châu lại mang nét đẹp của tuổi trẻ, yêu người vì chuộng tài, vì sự lãng tử, tài hoa của Phạm Kim. Nàng là con vợ bé của Trương công – bạn của cha Phạm Kim. Lớn lên, nàng giả trai, tu luyện như
một đạo sĩ ngao du bốn phương và tình cờ nàng gặp Phạm Kim ở chùa Kim Sơn. Cả hai xướng họa văn chương như một đôi tri kỷ. Phạm Kim nhận ra nàng là gái giả trai, ngày đêm mơ tưởng, bỏ cả việc tu tập để lãng du. Thụy Châu cũng đến với tình yêu một cách nồng nhiệt, chân thành:
Trở vào trong chốn xuân đài, Gửi rằng: “Thực kẻ có tài tri âm Bây giờ gặp kẻ danh cầm
Nỡ lòng nào để bức chìm cho đang”.
Nàng đã yêu ngay tiếng đàn tri âm của Phạm Kim cất lên. Đến khi nhận ra duyên ước bấy lâu ngóng trông, nàng mạnh dạn đến với tình yêu:
Sai đồng đến chốn lầu tây
Mượn chàng Kim kính về rày sóng xem So châu sơ lại như in
Tức thì về chốn thư hiên gửi tình.
Những người con gái ấy mang trong mình tư tưởng cởi mở, phóng khoáng của tuổi trẻ. Họ không chịu nhiều ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến cũ kỹ mà hướng đến một tình yêu tự do, không ràng buộc. Phạm Thái thấy được điều đẹp đẽ đó là hết lời ca ngợi họ trong tác phẩm của mình. Thụy Châu là mơ ước của Phạm Kim về một tình yêu trọn vẹn. Đó là giấc mộng vàng của thiên tình sử vừa lãng mạn vừa độc đáo chưa từng có tiền lệ.
Trên phương diện nghệ thuật, nhiều ý kiến cho rằng kết cấu của Sơ kính
tân trang lỏng lẻo, không theo quy luật thông thường của truyện thơ Nôm.
Thực ra, chỗ khác thường đó lại chính là đóng góp của Phạm Thái, đặc trưng cơ bản của Phạm Thái, đó chính là tính ngẫu hứng trong tư duy nghệ thuật. Ông cầm bút không theo một ý đồ nghệ thuật nào cả. Sáng tác Sơ kính tân trang là để tưởng niệm mối tình đã mất, là để thỏa mãn cảm xúc chất chứa trong lòng vì vậy không hề câu nệ bất kỳ thể thức, lề lối nào. Ngòi bút của
ông chịu sự chi phối của một tư duy nghệ thuật duy cảm. Dòng cảm xúc, ý tưởng thơ đưa nhà thơ đến đâu thì ngòi bút của ông theo đến đấy. Khi cần vận dụng thể tài nào là ông đưa ngay vào trang thơ, nên tác phẩm truyện thơ Nôm nhưng quy tập rất nhiều tác phẩm nhỏ thuộc nhiều thể loại khác nhau: thơ lục bát, song thất lục bát, từ, thơ Đường luật… khiến cho: “Nhịp thơ đi như triều lên gió loạn, bẻ gãy mọi tiết tấu hiền hòa, êm dịu của thể thơ lục bát vốn rất mềm mại để tạo nên một nhịp điệu mới, hỗn độn và ngang tàng”. Chính nhờ đó mà tác phẩm đến với người đọc bằng những cảm xúc hết sức chân thật, đong đầy, lay động trái tim của biết bao con người qua thời gian.
Ở phương diện thể loại, Phạm Thái luôn có những cách tân đầy đột phá về mặc tư tưởng và thể thức. Ông không chịu khuôn mình vào một mẫu có sẵn nào cả mà luôn để cho ngòi bút tự do sáng tạo. Điều đó thể hiện được tài năng ưu trội cũng nhưng thể hiện cá tính phóng khoáng của ông, một con người vốn đã quen “Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp, Trong thú yên hà mặc tỉnh say”.