Sự ra đời của sự vật, hiện tượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm motif trong truyện cổ tích hiện đại việt nam (Trang 33 - 39)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Sự ra đời của sự vật, hiện tượng

Trong cuộc sống, trẻ em vẫn thường hay quan tâm tới nguồn gốc ra đời của các loài vật, cỏ cây, hoa quả và các hiện tượng xung quanh mình. Từ thực tế này, truyện cổ tích hiện đại tiếp tục thể hiện nội dung giải thích nguồn gốc của thế giới loài vật cỏ cây giúp các em hiểu hơn về thế giới này.

Tham gia thể hiện nội dung này, có thể nói, motif hóa thân có nhiều lợi thế. Nó có vai trò chủ đạo trong việc thể hiện sự ra đời của sự vật, hiện tượng. Điều đó thể hiện rất rõ trong sáng tác của các nhà văn: Phạm Hổ, Nguyễn Trí Công, Nguyên Hương…

Phạm Hổ đã sử dụng motif hóa thân để giải thích nguồn gốc của các loài hoa quả ở tác phẩm như: Quả tim bằng Ngọc, Những thanh gươm xanh, Cô bé và ông Táo, Em bé hái củi và chú cừu con, Cô gái bán trầm hương

Quả Loòng Boong ra đời sau một câu chuyện đau lòng. Ông lão nhà giàu có một con chim họa mi hót hay nhất vùng. Nghe nó hót, tất cả những người nuôi chim họa mi khác đều thấy những con chim mình nuôi không còn giá trị nữa. Họa mi rất thích mẹ con em bé nhà nghèo. Mộc đã thả chim bay đi khi ông lão nhà giàu đang muốn bán nó với hai lạng vàng mười. Sau khi thả chim

họa mi ra khỏi lồng, mẹ đã bảo Mộc chạy trốn còn bà ở lại đã bị lão nhà giàu đánh chết. Mộc chạy trốn nhưng vẫn chết. Hàng xóm đem xác hai mẹ con Mộc chôn ở chân rừng và ở chỗ đó mọc lên một khóm cây đơm quả rất sai. Hình quả đó rất đáng yêu, và chỉ lớn hơn quả Hồng Bì một ít. Da nó vàng mát, cùi nó trong như ngọc và nhìn giống như hình quả tim bé nhỏ. Qủa nào cũng mang một cái vết như dấu móng tay ai đó bấm vào. Người quanh vùng bảo đó không phải là dấu móng tay mà là dấu cái mác của tên nhà giàu đã đâm trúng vào trái tim mẹ con bé. Và trái tim bé nhỏ của Mộc bị chảy hết máu đã hóa thành ngọc, hiện lên thành những quả cây kia. Như vậy, hai mẹ con Mộc đã hóa thân thành quả Loòng Boong để người đời sau khi dùng nó đều nhớ đến hai mẹ con nhà nghèo nhưng tốt bụng. Nguồn gốc của quả Loòng Boong chính là sự hóa thân của mẹ con Mộc.

Những thanh gươm xanh của năm học trò nghèo mà ông thầy dạy võ trao cho lúc lên đường đánh giặc là nguồn gốc của loài hoa phượng ngày nay: “Thương bố nuôi năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và còn bóng mát. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng ngày giỗ người thầy dạy võ”. Mỗi khi mùa hè, mùa thi đến, hoa phượng nở đầy cây, đầy trời. Khi mùa hè qua đi trên khắp các cành cây, những quả phượng dài như thanh gươm của năm người con ngày trước… Giải thích về nguồn gốc hoa phượng, Phạm Hổ cho rằng đó là sự hóa thân năm cô cậu học trò.

Bên cạnh đó, nhà văn còn khiến người đọc không khỏi bất ngờ với cách lí giải nguồn gốc của loài hoa huệ. Sự xuất hiện của hoa huệ ngày hôm nay là cả một câu chuyện về cô gái bán trầm hương dũng cảm “nhất định con sẽ trừ được nó. Con nghe bao nhiêu người bị chết vì nó, con không thể chịu được!”. Diệt được tên tướng giặc nhưng cô gái vẫn không gặp được anh cả và cô đã

chết trong tay bọn cướp. Người anh cả sau khi tìm được xác em, đã cùng bà con chôn cất cô chu đáo. Người cha giận anh cả vì không cứu được em. Chính vì thế, người anh buồn rầu, sau đó chết đi hóa thành con ve kim cứ kêu và tự than trách một mình. Quanh am của cô gái, bà con trồng một loài hoa trắng muốt, năm cánh nở như sao và đặc biệt về đêm có mùi hương thật ngát, thật đậm, phảng phất như có mùi trầm hương. Loài hoa đó chưa có tên nên các cụ lấy tên của cô gái đặt cho hoa là hoa huệ.

Với cách nhìn nhận riêng về thế giới bằng con mắt của trẻ thơ, Phạm Hổ đã để cho các nhân vật hóa thân thành những sự vật, hiện tượng. Nhà văn đã lí giải nguồn gốc các loài hoa quả thật ngộ nghĩnh nhưng mang đầy tính chân thực và chính xác. Hơn thế nữa, motif hóa thân làm cho các sự vật, hiện tượng trở nên gần gũi, quen thuộc hơn với bạn đọc trẻ thơ.

Nguyễn Trí Công cũng có những lí giải về nguồn gốc của sự vật, hiện tượng là do con người, loài vật hóa thân. Nếu Phạm Hổ đi sâu vào thế giới hoa quả thì Nguyễn Trí Công lại tập trung vào nguồn gốc một số loài chim.

Tác giả đã giải thích nguồn gốc của loài chim quốc khác hẳn cách giải thích của dân gian. Đó là câu chuyện về một anh thanh niên hèn nhát không đi đánh giặc. Khi ấy, cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân Nam đã đi đến thắng lợi. Bọn giặc phương Bắc bị đánh tơi bời, phải rút chạy về nước. Sau khi non nước yên bình, những chàng trai yêu nước lại quay về làng cũ, tiếp tục cấy cày nơi xóm làng thân yêu. Còn Quốc vẫn cứ sống lẩn lút trong rừng sâu. Dù biết rằng đất nước đã thanh bình nhưng nghe mẹ tự sát chết, Quốc không dám trở về làng cũ nữa, anh ta vừa xấu hổ vừa sợ bị trị tội. Mẹ Quốc sau khi chết đi, hồn đã hóa thành một loài chim lạ, cứ bay tìm con trong rừng, luôn miệng gọi con tha thiết như muốn bảo con hãy lên đường giết giặc. Đến giờ loài chim ấy vẫn còn kêu “quốc, quốc!”.

Nguyễn Trí Công, vị tú tài thông minh, hay chữ nhưng đi thi mãi mà không đậu được cử nhân. Bởi bọn gian thần trong triều rất nhiều, chúng đua nhau xua nịnh nhà vua và tham ô nhũng lạm dân chúng một cách trắng trợn. Cú mỗi lần tổ chức khoa thi là chúng lại nhận của đúc lót của bọn con nhà giàu học hành ngu dốt và cho chúng đỗ, còn những học trò văn hay chữ tốt thì bị đánh rớt bởi nghèo nên chẳng có gì làm quà cho bọn tham quan ô lại đó. Với tài trí thông minh, vị tú tài đã gặp được vua. Chàng đã giúp vua nhận ra quanh mình có rất nhiều bọn quan tham ô gây hại cho đất nước. Sau khi đã xét xử bọn quan lại trong triều đình, vị tú tài vâng lệnh nhà vua đi tuần thú ở các địa phương. Anh ta đi tới đâu, bọn quan lại nhũng lạm đều sợ mất vía tới đó. Do làm việc quá nhiều, vị tú tài lâm bệnh và chết trên đường đi tuần thú. Hồn anh hóa thành một loài chim lạ, có hai mắt thật to và rất tinh tường. Với nhiệm vụ của mình, loài chim ấy vẫn săn lùng bọn chuột bọ phá hoại tới nơi tới chốn cho đến tận bây giờ.

Nguồn gốc các loài chim như cò, chích chòe, sáo sậu, sơn ca,… cũng được hóa thân từ nhân vật. Chim cò là sự hóa thân của anh ngư phủ trẻ hay nói dóc. Với tài nói dóc của mình, anh chàng gặp phải việc không thể chối từ, đó là nhảy xuống sông mò tìm chuỗi ngọc của công chúa bị rơi xuống sông. Anh chàng mò mãi, mò mãi và cuối cùng kiệt sức, chết chìm dưới khúc sông ấy. Hồn anh chàng đánh cá giỏi tài nói dóc hóa thành một loài chim lạ, mình trắng muốt, cổ thon dài, mỏ dài, chân cao. Loài chim ấy cứ bay đáp trên bờ sông, lặn lội mò tìm chuỗi ngọc quý của công chúa. Và trong tình cảnh tuyệt vọng, nó gào lên: “Mò, mò!”. Đây là giống cò mà ta hay thấy trên các bãi sông, bờ ruộng bây giờ. Chim chích chòe là hóa thân của lão địa chủ dám thi đấu với nhà vua về thóc lúa, vàng bạc. Lão bị tịch thu hết của cải và trở thành kẻ đầu đường xó chợ. Lão không còn ăn ngon mặc đẹp nữa mà chỉ khoác chiếc áo đen sì sì, vá chằng vá đụp đi xin khắp nơi. Đau xót vì bỗng nhiên

trắng tay, lão địa chủ mang bệnh nặng rồi chết gục bên đường. Hồn lão hóa thành chim đen có điểm chấm trắng ở cánh và suốt ngày kêu lên: “Ít hè! Ít hè!”. Đó là giống chim chích chòe bây giờ. Hay chim sáo sậu là hóa thân của lão địa chủ rất gian ác và keo kiệt. Vì thế, chim sáo sậu có thân đen mượt và cứ quanh quẩn bên ruộng nương. Nó thường đậu trên lưng trâu, bò mà người ta thường thấy bây giờ. Chim sơn ca là hóa thân của người hát rong. Chim có mình nâu đỏ phủ lông tơ trắng mịn cứ đêm về nó lại cất tiếng hót du dương trầm bổng làm say đắm lòng người. Loài vật được hóa thân từ nhân vật sẽ có nhiều điểm của nhân vật. Chắc hẳn, cách xây đựng câu chuyện qua những motif như vậy sẽ gây hứng thú cho bạn đọc.

Trong cổ tích Nguyên Hương, người đọc cũng bắt gặp khá thường xuyên nội dung giải thích đặc điểm nguồn gốc sự vật hiện tượng. Chỗ riêng của Nguyên Hương là đi vào giải thích hiện tượng. Cầu vồng một hiện tượng thiên nhiên rất được trẻ thơ ngắm nhìn sau cơn mưa. Với tài năng và cái nhìn bằng con mắt trẻ thơ, Nguyên Hương lí giải hiện tượng này khá độc đáo. Nàng Vân có bảy người em gái. Khi các cô còn nhỏ, nàng Vân luôn muốn dạy các cô may vá. Thế nhưng, không cô nào muốn học, cầm kim cố làm gãy, đụng vô vải cố tình làm rách. Đến khi nhà vua tìm vợ cho bảy chàng hoàng tử, nhà vua muốn tìm cho hoàng tử của mình những cô vợ xinh đẹp, khéo tay may vá. Bảy cô em gái liền hối thúc nàng Vân may cho mình những chiếc áo xinh đẹp nhất. Nhờ tài may vá của nàng Vân, các nàng đều được chọn làm vợ hoàng tử. Thế rồi hoàng hậu nảy ý mở một cuộc thi giữa các cô vợ của hoàng tử. Thời hạn trong ba ngày, mỗi người nộp một cái áo cho hoàng hậu chấm điểm. Nàng Vân thương các em như nhau nên không nỡ để đứa em nào của mình chịu thiệt. Nàng Vân đã cố gắng may hết bảy chiếc áo thật đẹp đúng hạn để các em dâng lên hoàng hậu. Bảy chiếc áo hoàn thành cũng là lúc nàng Vân kiệt sức và qua đời. Cảm thương tấm lòng của nàng Vân, hoàng hậu lấy bảy

cái áo đẹp mà nàng Vân dốc sức may cho kịp để khoác lên ngôi mộ cô đơn của nàng. Thần gió sợ người ta lấy mất áo quý đành nhờ thần Mây giữ hộ. Thỉnh thoảng sau cơn mưa, thần mây lấy bảy áo ra phơi. Người ta gọi đó là cầu vồng.

Nguyên Hương còn đi vào giải thích hiện tượng vì sao con nhện có 8 chân. Xí Xọn – một cô phù thủy nhỏ đến học nghề dệt lụa của nàng Dương. Thế nhưng, Xí Xọn vốn xí xọn nên cứ mải soi gương trang điểm thật lâu. Khi Xí Xọn đến hội thi thì những cuộn tơ đẹp nhất đã được các cô gái khác chọn hết rồi, chỉ còn lại những cuộn tơ bị lỗi sần sùi. Xí Xọn được nàng Dương giúp đỡ nhưng tấm lụa Xí Xọn dệt xong vẫn xù xì. Các phù thủy thất vọng, trước khi bay vèo đi, họ nổi cơn giận dữ biến Xí Xọn thành con vật tám chân với lời nguyền là chưa dệt nên lụa đẹp thì không được quay về thế giới Phù thủy. Từ đó, Xí Xọn trở thành con nhện, suốt ngày mải miết dệt tơ.

Bên cạnh motif hóa thân, motif vật thiêng biến sắc cũng góp phần thể hiện nội dung sự ra đời của sự vật, hiện tượng là do con người, loài vật hóa thân. Điều này thể hiện rất rõ trong Con ốc kì lạ của Phạm Hổ. Quả roi dưới cái nhìn của nhà văn là những con ốc kì lạ. Ngày xưa, học trò đi học thường bị thầy đánh roi vì lười biếng. Với những chi tiết ấy, nhà văn đã giải thích nguồn gốc của quả roi ngày nay rất độc đáo. Nhân vật người thầy của Phạm Hổ có phương pháp dạy học lạ lùng: “Tôi không phạt bằng roi. Tôi có con ốc này thay cho roi nên gọi là ốc roi. Tự nó sẽ khen và chê rất công bằng. Học giỏi thì nó sẽ sáng lên như đèn và giúp cho các anh thành đạt. Học kém thì nó sẽ đen dần lại như cục than và chỉ có đem vứt xó”. Trong những học trò của thầy, tên nhà giàu là người lười biếng, nhác học lại ngỗ ngược, gang tị, thủ đoạn nên anh ta có kết cục: “Con ốc của thằng con lão nhà giàu thì đen ngòm như một hòn than xỉ. Ngày hôm sau không nén được giận, nó liền bứt con ốc ra và vứt luôn xuống ao. Ngực nó bỗng đau nhói lên chỗ con ốc hay nằm

trước kia và liền đó, nó ngã lăn ra, hộc máu, chết ngay tức khắc. Còn hai người học trò nhà nghèo chăm học, tử tế thì thành công: họ đỗ đạt và nối tiếp con đường đi dạy của người thầy để giúp ích cho đời. Khi họ chết: “không hiểu vì sao từ mộ của họ bỗng mọc lên hai mầm cây rất đẹp, rất hiền… Cây ở mộ người con gái giả trai thì quả màu hồng, còn cây ở mộ người con trai thì quả màu trắng”. Tác giả đã xây dựng câu chuyện đúng với hiện thực bởi ngoài đời cũng có những quả roi màu đỏ và màu trắng.

Như vậy, với cái nhìn của người hiện đại, các tác giả đã giải thích nguồn gốc của sự vật, hiện tượng bằng sự hóa thân của nhân vật. Cách giải thích này khá độc đáo và đầy thú vị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm motif trong truyện cổ tích hiện đại việt nam (Trang 33 - 39)