Motif quy định xây dựng kiểu nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm motif trong truyện cổ tích hiện đại việt nam (Trang 69 - 76)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Motif quy định xây dựng kiểu nhân vật

3.2.1.1. Kiếu nhân vật tài năng, thông minh

Nếu truyện cổ tích dân gian, các nhân vật dũng sĩ, nhân vật phiêu lưu thường xuất hiện thì ở truyện cổ tích hiện đại, kiểu nhân vật tài năng, thông minh được chú trọng hơn. Bởi nó phù hợp với thị hiếu của trẻ em thời hiện đại.

Các nhân vật tài năng ở truyện cổ tích hiện đại là những người giỏi về một lĩnh vực như chàng họa sĩ (Ngôi đền đỏ), người đánh đàn hay (Cây đàn và bầu rượu của người thầy), ông cụ mê chim (Chim lưu ly)… Họ là những người có đam mê, ham thích đến say sưa và sẵn sàng trả giá cho niềm đam mê đó.

Chàng họa sĩ trong ngôi đền đỏ là nhân vật có tài năng hội họa bật nhất. Chàng có tài vẽ những ý nghĩ và mơ ước của người đối điện.

Tâu bệ hạ, thần muốn xin phép bệ hạ được vẽ cái điều mong ước của bệ hạ. Chẳng đã có lúc bệ hạ nghĩ rằng: sau khi ngăn chặn được giặc ngoại xâm, bệ hạ sẽ cho dựng một cổng khải hoàn để ăn mừng và ghi công những người đã quyết lòng bảo vệ đất nước. Thần xin phép được dâng lên bệ hạ cái ý mọn của thần là không nên dựng cổng mà nên xây một ngôi đền theo kiểu này cho nó vừa đẹp, vừa trang nghiêm.

Nhờ tài năng hội họa của mình, chàng họa sĩ vẽ đúng ý của nhà vua và được vua khen: “Ta khen nhà ngươi vẽ đúng, ta rất xúc động về tấm lòng và ý tứ của nhà ngươi”.

Người đánh đàn hay trong Cây đàn và bầu rượu của người thầy là nhân vật có tài đánh đàn hay đến nỗi “người ham nói chuyện đến mấy cũng phải dừng lại để nghe”, trong mỗi điệu đàn “đủ các điệu vui, buồn, hờn, giận, trách móc, an ủi, van lơn của đủ các loại người ở trên đời”.

Truyện Chim Lưu Ly xuất hiện ông cụ chỉ cần nghe tiếng hót là có thể biết được đó là loài chim gì. Chính vì thế, cụ đã yêu và đã sống với những tiếng hót ấy từ lúc tóc còn để trái đào. Bây giờ thì tóc cụ bạc trắng. Với những loài chim hót hay, hầu như cụ thuộc tính nết của từng loài. Cũng giống như ông cụ mê chim, có tài nhận biết được tiếng chim thì cũng có nhân vật mê làm vườn. Đó là nhân vật ông cụ trong Cây lạ quả ngon. “Nghe ở đâu có cây lạ quả ngon, ông đều lặn lội đi tìm mua về… Với ông cụ, một giống cây lạ quả ngon là một niềm vui, một nguồn hạnh phúc…”. Với tài năng và đam mê, ông cụ đã trở thành một nghệ nhân đích thực: “Hai bên đường từ cái cổng đỏ rực hoa râm bụt vào nhà ông trồng hai cây chuối. Ông biết cách trồng sao cho hai cây chuối cùng ra hoa, cùng kết buồng, cùng hướng về một phía như để chào mừng người đi ra, đi vào”.

Đặc biệt, các nhân vật tài năng, thông minh trong truyện cổ tích hiện đại không chỉ có người lớn mà còn là nhân vật trẻ em. Tài năng của nhân vật trẻ em trong truyện cổ tích hiện đại là tài năng về một lĩnh vực như: quân sự (anh em nhà trăm mắt Dứa và Na trong Anh em nhà trăm mắt, Quất trong Cây chanh quả vàng, cô bé trong Cô bé và ông Táo), giải trí (Lưu, chàng Lân),…

Các nhà văn hiện đại đã xây dựng kiểu nhân vật có tài bắn cung, quất roi, trừ yêu quái… Anh em Dứa và Na là hai nhân vật trẻ em thông minh trong truyện Anh em nhà trăm mắt. “Dứa có tài bắn những mũi tên đồng, mười phát không chệch một. Dứa lại chỉ thích bắn những mũi tên đồng hơi lượn hình vòng cung, và kẻ thù thì rất khó lường trước để né tránh. Còn Na hằng trăm dặm, Na cũng nhận ra, không nhầm lẫn”. Bên cạnh hai anh em nhà trăm mắt, tác giả còn xây dựng một anh bạn to lớn nhưng không phải là người tốt. Em gái đã nhận ra ngay điều đó. Khi giặc xuất hiện anh bạn không cùng Dứa diệt giặc mà lấy cớ mẹ bệnh để lánh đi. Anh Dứa và cô Na vừa dẹp xong giặc thì người bạn to lớn xuất hiện. Nhờ tài năng, anh em nhà trăm mắt đã chủ

động làm được những việc tốt giúp đỡ dân làng.

Nhân vật Quất trong Cây Chanh quả vàng có tài quất roi. “Quân cứ chập hai, ba, rồi bốn, năm cây mây lại cho vừa tay, cân sức để luyện tập. Ngọn roi của Quân, mỗi lần múa lại vù vù như bão nổi. Gặp trăn dữ, Quân vụt một cái, trăn dữ đứt đôi gặp hổ ác, Quân quật một roi, hổ ác toác đầu. Người quanh vùng thấy tài quất roi của Quân liền gọi là Quất”. Với tài năng như vậy, Quất đã chủ động xin phép cha mẹ lên đường về kinh giúp vua diệt tên tướng giặc.

Cô bé trong Cô bé và ông Táo là nhân vật có tài săn bắn. Nhưng trong lần hai cha con đi tiêu diệt con quái đầu người cô bé đã hi sinh. Bởi trước khi chết, con quái đầu người đã quẫy mạnh một cái, dứt được cái đuôi ra khỏi mũi dao. Sau đó, nó liền cuốn ngay lấy người cô bé. Cô bé vừa chặt được cái đầu con quái thì cũng bị con quái quấn gẫy cả xương mềm nhũn cả người.

Trong lĩnh vực trò chơi giải trí, Nguyên Hương đã xây dựng các nhân vật chơi các trò chơi dân gian như: Chàng Minh và chàng Thanh trong Đôi hài vạn dặm có tài chơi tạt lon, nàng Thu trong Thử giày có tài nhảy sạp, Lưu trong Nồi thần có tài chơi dích lá,… Với việc xây dựng truyện cổ tích hiện đại với những nhân vật có tài năng về các trò chơi như vậy, tác giả truyện cổ tích hiện đại đã ngầm mong muốn giáo dục trẻ em hiện đại và người lớn hiện nay hãy hướng về những trò chơi dân gian nhiều hơn.

Bên cạnh kiểu nhân tài năng, truyện cổ tích hiện đại còn xuất hiện nhân vật thông minh. Đó chính là thằng Quấy trong Thằng Quấy, chàng Lân trong

Bịt mắt bắt kẻ nói dối, chú bé Người trong Chú bé người và ông trăng…

Thằng Quấy (Nguyễn Huy Tưởng) xuất hiện nhân vật trẻ em thông minh với vai trò nhân vật chính là Quấy. Sự thông minh của Quấy được thể hiện qua việc em lừa hổ rất nhiều lần: con rắn hổ mang là khố của chúa làng, tổ ong là cái trống, tiếng hai cậy cọ vào nhau là tiếng sáo. Nhờ sự thông minh ấy, Quấy đã bắt được hổ và giao cho chúa làng. Hơn thế nữa, Quấy còn trị

được ông Trăng “Trời và Giăng đang hăng say nhìn bể. Quấy lùi lại đằng sau bốc một nắm cát sẵn trong tay. Lừa lúc ông Trăng vô ý, Quấy chạy lên trước, ném cả vốc cát vào mặt ông. Mặt Giăng đang đỏ rực như lửa, bỗng mờ mờ đi, sáng nhạt nhạt, dịu dàng, mát mẻ hiền lành”. Quấy làm thật nhiều việc tốt: bắt được hổ, trị được ông trăng. Thế nhưng, chúa làng là người xấu xa, độc ác, luôn luôn ức hiếp Quấy và mọi người: “Chúa làng lại đánh tôi, bà Chúa làng lại chửi mắng tôi, con cái Chúa làng lại hành hạ tôi. Tôi bắt được hổ, lợn của Chúa làng không lo ai lấy mất nữa. Chúa làng đã chẳng cảm ơn thì chớ, lại còn làm khổ tôi hơn trước”. Vì thế, Quấy đã tìm cách trị con voi dữ và trị luôn tên chúa làng độc ác. Như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, nhờ bản tính thông minh mà nhân vật đã chủ động thay đổi cuộc sống của mình.

Chàng Lân trong Bịt mắt bắt kẻ nói dối (Nguyên Hương) là nhân vật trẻ em thông minh, có tài. Chàng đã giúp quan huyện xử kiện rất nhiều lần. Cô áo xanh cho rằng: “Tấm lụa đẹp này tôi mới mua, trên đường về gặp mưa nên vào trú ở ngôi miếu đầu làng cùng cô gái này. Thấy lụa bị ướt, tôi phơi lụa trên cây sào, không may trời nổi gió mạnh thôi bay tấm lụa, cô gái này chạy theo lượm được mà không chịu trả lại cho tôi”. Cô áo cam cũng khai y hệt như thế. Quan huyện lo lắng không biết làm cách nào với vụ kiện này. Chàng Lân đã nhanh trí nghĩ ngay ra cách bịt mắt bắt kẻ nói dối: “đưa hai cô ra ngôi miếu, cô nào thật sự phơi tấm lụa sẽ nhận biết được chiều cao của cây sào”. Với cách làm của chàng Lân, quan huyện nhanh chóng giải quyết được vụ kiện: “Cô áo xanh cứ với tay lên lần mò rờ rẫm cây cột với vẻ lúng túng, còn cô áo cam quơ tay quanh cây cột một hồi thì nói ngay gió thôi bay luôn cả cây sào rồi! Lúc nãy khi tôi trải lụa để phơi thì thấy cây sào nằm ngang đầu tôi mà!”.

Nhân vật chú bé Người trong Chú bé Người và ông Trăng (Phạm Hổ) cũng là nhân vật trẻ em thông minh. Chú bé đã giúp mọi người ở trần gian có cái bóng vào ban đêm bằng cách chủ động lên gặp ông Trăng: “Cháu nhờ ông

giúp cho con Người ban đêm cũng có cái bóng của mình!”.

Từ những trường hợp trên, chúng tôi nhận thấy, kiểu nhân vật tài năng, thông minh là nhân vật trung tâm trong các truyện có sự xuất hiện của nó. Hơn thế nữa, những nhân vật này vừa có điểm thông minh, tài năng, vừa có sự chủ động trong việc giúp đỡ người khác. Đây là một trong những bài học có giá trị cho trẻ em hiện đại.

3.2.1.2. Kiểu nhân vật giàu lòng vị tha

Nhắc đến truyện cổ tích, người đọc nhớ đến hình ảnh Bụt, Tiên, những thần thánh siêu nhiên có quyền năng,… Đây là kiểu nhân vật phụ luôn xuất hiện khi nhân vật chính gặp khó khăn: thần Đất (Hai ông cháu và túp lều dột nát), ông Táo (Cô bé và ông Táo), bà Chúa Hồ (Những bông hoa mới ở Hồ Thơm), các vị thần trong truyện của Nguyên Hương như Thần gió (Vịt đẻ trứng, Sự trừng phạt của thần gió), Thần đèn (Những chiếc đèn thần), Thần hài vạn dặm (Đôi hài vạn dặm), Thần núi (Hai điều ước), Thủy thần (Quà tặng của phù thủy), Thần xui xẻo (Bài học của thần xui xẻo), Thần rừng (Nồi thần)...

Những chiếc đèn thần (Nguyên Hương) xuất hiện Thần đèn. Mỗi Thần Đèn mang một điều ước khác nhau như: Thần Đèn Hoa Hồng có thể giúp chàng Huy gặp được người con gái xinh đẹp giỏi giang, Thần Đèn Hoa Hướng Dương mang điều ước lau khô nước mắt, Thần Đèn Hoa Trạng Nguyên mang điều ước đỗ đạt, Thần Đèn Hoa Đồng Tiền sẽ đưa chủ nhân đến kho báu để xây dựng lại làng xóm… Trong rất nhiều Thần Đèn, Thần Đèn Hạt Lúa giúp chàng Huy thực hiện mong muốn của mình: “Tôi muốn mọi người khỏe mạnh, tôi muốn có đủ lương thực cho tất cả mọi người”. Với lòng tốt bụng ấy, không chỉ có Thần Đèn Hạt Lúa giúp đỡ chàng mà Thần Đèn Hoa Hồng còn giúp chàng gặp được cô gái xinh đẹp, giỏi giang – Đó là nàng Dung.

Nàng Kim trong Qùa tặng của phù thủy (Nguyên Hương) được Thủy thần tặng cho đôi guốc ngọc bởi nàng không tham lam như những cô gái khác trong làng. Hơn thế nữa, khi có quà tặng từ sự lừa dối, ngôi làng vốn yên ấm giờ bị tàn phá. Ruộng đồng hoang vắng tiêu điều, trâu bò gầy còm còi cọc, cày cuốc rỉ sét, cây cối khô héo, khung cửi dệt lụa mục gãy… Không những thế, món quà mà họ dùng bị sứt mẻ tứ tung. Chỉ riêng đôi của nàng Kim là còn nguyên vẹn long lanh nên nàng có guốc ngọc để đi dự hội. Nàng được hoàng tử khen múa đẹp và cưới làm vợ.

Ông Táo trong Cô bé và Ông Táo đã giúp cô bé:

- Ông ơi! Cháu bị con quái quấn chết. Nhưng cháu mà chết thì mẹ cháu, chị cháu làm sao sống nổi. Vậy đêm nay hăm ba Tết, ông có về trời, ông hãy tâu với trời cho cháu sống lại...

Ông Táo đá núi liền hứa:

- Được, ông sẽ tâu giúp cho cháu...

Nhờ ông táo giúp đỡ, cô bé sẽ sống lại và được trở về với gia đình mỗi năm chín ngày.

Như vậy, Thần đất, Thần rừng, Thần đèn, Thần hài vạn dặm, Thần núi… là những nhân vật phù trợ có quyền năng siêu nhiên. Bên cạnh đó, truyện cổ tích hiện đại còn xuất hiện những gương mặt mới cũng là những nhân vật giúp đỡ nhưng họ là con người thật tham gia vào câu chuyện. Đó chính là hai chị em Bi Bi và Mặt Đen.

Bi Bi và Mặt Đen là những ông Bụt, Bà Tiên sống trong vườn cổ tích. Hai chị em đã giúp rất nhiều nhân vật cổ tích tránh được những khó khăn như: Thỏ (Gặp Thỏ và Ốc), cô bé (Gặp Cô bé quàng khăn đỏ), hai con Dê (Hai con Dê không húc nhau), người anh (Gặp Phượng Hoàng và cây khế), cô bé bán diêm (Gặp cô bé bán diêm), bà lão (Gặp ông lão đánh cá và con cá vàng), nàng Bạch Tuyết (Gặp nàng Bạch Tuyết)…

Trong Gặp Tấm Cám, hai chị em Bi Bi đã giúp Tấm có cách trừng trị tội ác của mẹ con Cám theo một cách khác.

Dù thế nào thì chị cũng đọc hết truyện “Tấm – Cám” và biết hết chuyện rồi. Cũng vì vậy, đến bây giờ chị vẫn còn rùng mình. Ông ngoại bảo rằng cái kết của các cụ ngày xưa dữ như vậy là vì các cụ muốn cái ác phải bị diệt tận gốc. Còn bây giờ, cũng nhiều người muốn thay đổi cái kết cho bớt man rợ đi. Vậy thì hai chị em ta ở thêm ít ngày, cố gắng xoay chuyển xem sao.

Vì đã quá hiểu câu chuyện và các nhân vật trong đó, Bi Bi tìm gặp được ngay mấy chú lính chuẩn bị dội nước sôi giết chết Cám. Bi Bi xin lại bà cụ chút quà hôm trước của nhà vua, đưa biếu mấy chú lính, rồi bảo:

- Các chú ơi, khi được lệnh nấu nước sôi để cô Cám tắm, các chú xin ra khỏi thành và khiêng theo cái chum để nấu nước đưa cô Cám theo nhé. Các chú chỉ nấu nước nóng đổ vào chum thôi để cô Cám sợ chứ không chết.

Nhờ sự bao dung của trẻ con thời hiện đại, Cám chỉ bị rụng mất một mảng tóc to tướng trên đầu, còn toàn thân thì bị nước nóng làm cho đỏ ửng lên như vỏ tôm luộc.

Hai chị em còn giúp hai chú dê không húc nhau và giúp cô bán diêm trở về nhà nhưng không bị cha chửi mắng. Nhờ sự tham gia của hai nhân vật Bi Bi và Mặt Đen mà các nhân vật tiêu cực trong truyện cổ tích được cứu sống, hối cải, trở thành người tốt.

Tóm lại, kiểu nhân vật này có các vị thần và hai chị em Bi Bi, Mặt Đen. Dù tồn tại dưới hình thức nào, các nhân vật thuộc kiểu nhân vật này vẫn luôn giúp đỡ, phù trợ các nhân vật khác. Nhờ sự góp mặt của họ, tác phẩm truyện cổ tích hiện đại trở nên sinh động, hấp dẫn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm motif trong truyện cổ tích hiện đại việt nam (Trang 69 - 76)