Những bài học về đạo đức nhân sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm motif trong truyện cổ tích hiện đại việt nam (Trang 41 - 48)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Những bài học về đạo đức nhân sinh

2.2.1.1. Triết lí đạo đức gia đình

Những bài học đạo đức trong gia đình người Việt thường là: con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh chị em sống hòa thuận; vợ chồng chung thủy với nhau… Nhưng bài học đạo đức phù hợp với trẻ em và được các tác giả xây dựng nhiều nhất vẫn là con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và anh em sống hòa thuận. Để biểu đạt nội dung này, motif nhân quả, đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, motif nhân vật tài năng cũng góp phần thể hiện nội dung này. Các nhân vật trẻ em hiếu thảo sẽ nhận được sự giúp đỡ và đạt được mong ước của mình.

trong cảnh nghèo khổ nên đã nhịn ăn liền mấy ngày để cái chết mau đến, hi vọng lời bà tiên sẽ thành sự thật, cháu mình sớm được hạnh phúc. Bà mất, các cháu được sống ở lâu đài thành quách, cây đào ra những trái vàng trái bạc. Mặc dù, các cháu được sống trong cảnh hạnh phúc nhưng vẫn không nguôi nhớ bà. Chính vì thế, các cháu đã xin bà tiên: “Khổ đến đâu chúng cháu cũng nhịn được, miễn là bà chúng cháu sống lại!”. Các cháu luôn nhớ thương bà, luôn nghĩ về bà. Lòng yêu thương bà của các cháu đã làm bà tiên cảm động phất chiếc quạt lông màu nhiệm, phút chốc tất cả lâu đài thành quách, cây đào với những trái vàng trái bạc đều biến thành một đám mây. Bà hiện ra hiền hậu dang tay ôm các cháu. Bà cháu tần tảo nuôi nhau, thật vất vả nhưng lúc nào cũng tràn niềm vui. Như vậy, motif nhân quả đã góp phần thể hiện lòng hiếu thảo của các cháu đối bà.

Lòng hiếu thảo của cậu bé với bà của mình trong Cải hoa vàng cũng được thể hiện qua motif nhân quả. Cậu bé vượt hai ngày đường để tìm được cụ già bán dao kéo nổi tiếng với mong ước có cái kéo, cắt được một vạt nắng mang về cất giữ, đêm đến mang ra cho bà đắp. Đây cũng là lần đầu tiên ông cụ nghe có người hỏi mua kéo để cắt nắng. Ông cụ không có kéo ngay để bán cho cậu bé nên hẹn cậu vào hôm sau. Cậu bé vẫn mong được ông cụ bán cho cái kéo cắt được nắng nên dù một lần hay hai, ba lần cậu vẫn đến. Với tấm lòng hiếu thảo của cậu bé, cụ già đã tặng cho cậu cái kéo cắt được nắng có chỗ cầm bằng sắt, lưỡi bằng cật tre và kèm theo một mảnh giấy có chép mấy câu thơ:

“Kéo cắt một lần Biến mất liền tay Nắng chảy thành sợi Cắt ngay! Cắt ngay! Cái chăn toàn nắng

Ấm đêm ấm ngày Chăn truyền hơi ấm Nhà ấy, nhà này, Nắng chui xuống đất Trở về, lung lay…”

Chiếc chăn của cậu bé không chỉ sưởi ấm cho bà mà nó còn sưởi ấm cho những người hàng xóm. Nhờ tấm lòng tốt bụng, cậu bé trở thành chàng trai dệt giỏi và có tiếng đúng như quy luật của motif nhân quả ở hiền gặp lành. Khi bà già yếu mất đi, cậu mang chăn đắp lên mộ bà. Chăn cháy thành tro, tro bay tản mạn khắp gò và mọc lên loài cây mới lá xanh, một màu xanh thật hiền lành, lặng lẽ. Khi cây ấy trổ hoa thì cả khu gò vàng rực lên như được phủ đầy nắng.

Nếu lòng hiếu thảo của các truyện trên được thể hiện qua motif nhân quả thì lòng hiếu thảo trong Một người con hiếu thảo (Phạm Hổ) được thể hiện qua motif nhân vật tài năng. Cậu bé nhà nghèo đi kiếm tiền về thuốc thang cho người cha bị ốm. Với tài trí thông minh, cậu bé đã làm được những việc không thể làm mà tên nhà giàu giao cho như: làm cho cây chết rồi, vật chết rồi, người chết rồi vẫn sống lại được. Cậu bé được thưởng mười quan tiền và thóc về chữa bệnh cho cha. Sau đó, cậu quay lại tìm tên nhà giàu và đố ngược lại ông ta: “Con đố ông hoa này có bao nhiêu cánh?”. Tên nhà giàu thử đếm mà không tài nào đếm được vì cánh hoa nhiều quá, cứ xúm xít xen lẫn vào. Không sao biết rõ cánh nào đã đếm, cánh hoa nào chưa đếm. Một lần nữa, tên nhà giàu thua cậu bé. Nhờ vào tài năng và trí thông minh, cậu bé đã có tiền giúp cha chữa bệnh và giỗ mẹ. Hoa mà cậu bé đã đố lão nhà giàu là hoa bằng rơm. Sau này, thần Tiêu Lá tạo nên một giống hoa để người đời nhớ mãi tấm lòng của chú bé hiếu thảo rất đỗi thông minh kia. Hoa có hình dáng như rơm, đẹp tươi hơn rơm, mà cũng nở vào dịp Tết. Hoa nở nhiều bông, lâu tàn, có hương thơm đặc biệt như là hương thơm của lòng hiếu thảo. Lá cũng thơm,

đẹp như được một người rất khéo tay cắt tỉa chạm trổ. Hoa ấy ngày nay gọi là hoa vạn thọ.

Đặc biệt, Nguyên Hương còn thể hiện lòng hiếu thảo của con vật với mẹ của chúng. Đó chính là Ngọc Tượng trong Oai quyền đành nhường lại. Ngọc Tượng yêu thương, tôn trọng và rất hiếu thảo với mẹ. Khi biết những con voi thân cận xử sự phũ phàng tranh phần ăn với một bà mẹ voi suốt đời lo toan chăm sóc cho cả đàn, Ngọc Tượng phẫn nộ và giận ngay chính bản thân mình “Tại sao nghe tiếng thở dài mà ta lại tưởng mẹ lo buồn chuyện khác? Tại sao ta giao cho kẻ khác việc mang thức ăn cho mẹ mình? Tại sao ta đặt lòng tin vào những kẻ không đáng tin?...”. Ngọc Tượng giận và hổ thẹn rồi chìm đắm trong đau đớn đưa đến quyết định “Ta không xứng là chúa đàn” để “từ nay chính con sẽ mang thức ăn cho mẹ. Con sẽ toàn tâm toàn ý lo cho mẹ, bù đắp những xao lãng bấy lâu”. Hơn thế nữa, Ngọc Tượng còn chối bỏ cả quyền uy ở nơi cung vua để được sống và chăm sóc voi mẹ.

“Mẹ ta, nơi ấy ngọn đồi xa Khốn khổ mù lòa thật xót xa

Nghe ngóng nhớ thương trong đơn độc Bởi vì con bà đã rời xa.

Làm sao ta có thể sung sướng Ăn no say thịnh soạn linh đình

Ta không thể nhận ngôi Vương Tượng Bỏ mẹ ta cô độc một mình”.

Từ đó, ở cung điện lan xa, lan xa một câu chuyện về chú voi hiếu thảo, Tượng Vương từ chối uy quyền và lợi lộc để được tự do chăm sóc mẹ già.

Đây là một trong những đạo lí mang đầy tính nhân văn của người Việt. Những câu chuyện này sẽ bồi bổ lòng hiếu thảo với cha mẹ cho trẻ em thời hiện đại. Nó giúp cho trẻ em – những trang giấy trắng nhận thức rõ về lòng

hiếu thảo và các em biết mình nên làm gì để hiếu thảo với cha mẹ thông qua những hành động của các nhân vật trong truyện. Chắc hẳn, những câu chuyện ý nghĩa và hấp dẫn như vậy sẽ thu hút trẻ em đến với truyện cổ tích hiện đại Việt Nam.

Ông bà ta thường dạy “Anh em như thể tay chân. Anh em đùm bọc hai thân vui vầy”. Các nhà văn hiện đại đã cụ thể hóa nội dung lời dạy ấy bằng những câu chuyện về tình cảm anh em đầy ý nghĩa. Tình cảm anh em trong gia đình được các nhà văn hiện đại thể hiện qua motif chia của. Trong các truyện dân gian, cha mẹ già mất đi sẽ để lại cho các con một số tài sản lớn và anh em sẽ chia số tài sản đó. Trong cuộc chia tài sản ấy, người anh thường dành phần hơn. Nhưng ở truyện cổ tích hiện đại, người anh lại dành người cho em tất cả hoặc ngược lại. Đó là câu chuyện của hai anh trong Chữ A và chữ E. Biết anh lo cho mình đầy đủ mà chẳng chịu lo cho chính mình, người em nghĩ ra một cách chia tài sản thật thú vị. Những gì có chữ A sẽ thuộc về anh và những gì có chữ E thì thuộc về em. Công chúa có chữ A nên sẽ thuộc về anh, đó là tình cảm anh em hòa thuận, yêu thương nhau, luôn nghĩ cho nhau.

Bên cạnh motif chia của, motif nhân quả cũng góp phần thể hiện nội dung này. Hai anh em trong Công chúa ngủ trong chum cũng là những người biết yêu thương nhau. Chàng Quang thông minh giỏi giang và rất chăm chỉ, việc gì chàng cũng quyết làm cho bằng được. Ngược lại, Phong thì ham chơi, lười biếng. Quang đã giúp em mình bỏ đi những tính xấu bằng cách dạy dỗ để em xứng đáng với công chúa ở trong chum. Nhờ sự chỉ dạy của anh, Phong ngày một chăm chỉ hơn và giúp anh đánh đuổi bọn cướp. Chàng Quang vui mừng khi em trai mình đã cứng cỏi, hiên ngang hơn xưa. Hơn thế nữa, em trai bây giờ đã biết yêu thương anh: “Hôm nay em hiểu ra một điều, nhìn anh đánh nhau với bọn cướp, em cứ sợ anh bị bọn chúng chém trúng. Em không cần cưới công chúa nữa, vì em không muốn anh phải chết”.

Cành trong Cái ô đỏ, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn lên núi cao mong gặp được Bụt cứu em. Cậu bé lấy chiếc áo màu đỏ mà mình rất thích để khâu thành chiếc ô màu đỏ theo mong muốn của Bụt. Không những thế, Cành chịu bị liệt thay Búp chỉ mong Búp có được cuộc sống bình thường. Trước tấm lòng yêu thương em của Cành, Bụt đã giúp Búp đi lại được. Chiếc ô đỏ mà Cành đã làm từ chiếc áo màu đỏ mình thích nhất được Bụt cầm chấm chấm vào bụi cây, Bụt chấm đến đâu thì hoa vụt hiện ra đến đấy. Đó là một loài hoa mới với hình giống cái ô, màu đỏ thắm, nhìn rất vui và rất hội hè. Hoa ấy ngày nay ta gọi là hoa Râm Bụt. Có lẽ Bụt muốn để lại hoa này mong người đời mãi mãi nhớ đến tình thương của người anh đối với em.

Lòng hiếu thảo của các con với ông bà, cha mẹ là tình cảm thiêng liêng, cao quý. Tình cảm của các anh em trong gia đình cũng đáng trân quý không kém. Vì thế, các nhà văn hiện đại đã đưa những bài học quý giá về tình cảm anh em trong gia đình để giáo dục trẻ em.

2.2.1.2. Triết lí đạo đức xã hội

Nếu ở trong gia đình, trẻ em phải được dạy và học những bài học đạo đức về lòng hiếu thảo, anh em phải sống hòa thuận và biết yêu thương nhau thì khi ở ngoài xã hội trẻ em cũng phải học những bài học về đạo đức. Bài học đạo đức mà trẻ em cần học nhất khi ra ngoài xã hội ấy là tôn sư trọng đạo.

Tôn sư trọng đạo trọng đạo là tôn trọng, kính yêu và biết ơn đối với những người làm thầy giáo, cô giáo (đặc biệt đối với những người thầy, cô giáo đã dạy mình), ở mọi lúc mọi nơi; coi trọng và làm theo đạo lí mà thầy đã dạy cho mình.

Truyện cổ tích hiện đại còn hướng đến tình thầy trò. Người thầy trong truyện cổ tích hiện đại không chỉ truyền cho học trò của mình một “bồ chữ” mà còn truyền lửa tình giúp học trò lớn khôn trong tâm hồn và nhân cách. Học trò biết ơn thầy không phải qua những lời “dạ thưa” còn biết sống có ích

đúng như bài học làm người mà thầy đã dạy. Bài học đạo đức này được các tác giả truyện cổ tích hiện đại thể hiện qua motif nhân quả. Với việc hết lòng vì học trò, luôn muốn học trò của mình trở thành những người có ích cho xã hội, các nhân vật người thầy trong truyện cổ tích hiện đại xứng đáng nhận được sự biết ơn từ học trò của mình.

Trong Những thanh gươm xanh (Phạm Hổ), các học trò của thầy dạy võ luôn biết ơn thầy mình. Để thể hiện lòng biết ơn đó, năm người con đã trồng quanh mộ năm gốc cây con: “Một giống cây có lá đẹp như thêu và còn bóng mát. Hằng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Họ nhớ tiếc người thầy dạy võ đã có công giết giặc cứu dân”.

Trong Con ốc kì lạ, người thầy không chỉ dạy học trò cái chữ mà còn dạy cả cách làm người thông qua phương pháp kì lạ. Con ốc của hai học trò nghèo ngày càng sáng, càng đẹp và họ sẽ là những người có ích. Cũng như người thầy cũ, mỗi khi nhận người vào học, hai người lại trao cho mỗi học trò một con ốc roi để theo dõi việc ăn ở, học hành của từng người.

Ba nắm mè – một trong những truyện cổ tích hay nhất về người thầy của Nguyên Hương kể về thầy Sắt Đá rất nghiêm khắc không phân biệt học trò của mình là con cháu của ai. Nhờ vậy mà học trò của thầy Sắt Đá ai ai cũng tài giỏi hơn người. Chính vì thế, nhà vua trị vì vương quốc Pháp Hoa đã gửi hoàng tử cho thầy Sắt Đá dạy dỗ. Thế nhưng, hoàng tử vốn kiêu căng nên đã làm những việc không phải. Chàng đã ăn trộm ba nắm mè của người dân. Thầy Sắt Đá dùng gậy tre đánh vào bàn tay hoàng tử ba cái. Khi trở thành vua của một nước, hoàng tử vẫn không quên việc mình bị đánh. Chính vì thế, hoàng tử muốn mời thầy Sắt Đá đến lễ đăng quang để làm nhục thầy. Thầy không đến vì biết chắc chắn hoàng tử sẽ làm nhục mình và điều đó sẽ không tốt cho một vị vua. Với tấm lòng đó, thầy Sắt Đá quả là người đáng kính. Hai mươi năm sau, thầy Sắt Đá đến thăm học trò, vua vẫn không quên việc mình

bị đánh nên có những lời lẽ không phải với thầy của mình. Trước mặt các quan, thầy Sắt Đá đã giúp học trò hiểu được lẽ phải và trở thành quốc sư cho nhà vua. Thầy dạy tất cả các công tử, tiểu thư con nhà vua cách dọn dẹp nhà cửa, ra đồng trồng trọt… Đây là những công việc mà họ chưa bao giờ làm. Nhưng chính cách dạy dỗ ấy sẽ giúp họ trở thành người có ích cho đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm motif trong truyện cổ tích hiện đại việt nam (Trang 41 - 48)