6. Đóng góp của luận văn
1.2.3. Cư dân Bahnarbản địa
Người Bahnar ở An Khê gọi làng của mình là pơlei, kèm theo tên riêng. Thị xã An Khê có 4 làng Bahnar, trong số đó, 3 làng thuộc xã Tú An án ngữ con đường cổ từ đồng bằng Bình Định lên bắc Tây Nguyên qua Trạm Gò. Cả 4 làng Bahnar thuộc thị xã An Khê hiện đều có quan hệ rất gắn bó với nhóm Bahnar Krem huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Các làng trong khu vực này sẵn sàng đến với nhau trong những dịp tang ma hay lễ hội. Mối quan hệ hôn nhân cũng thường diễn ra.
Làng của người Bahnar An Khê khá cách biệt nhau. Đồng bào thường tìm nơi ở gần nguồn nước, thuận tiện cho việc sinh hoạt và sản xuất để lập làng. Quy
mô của làng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và môi trường sống cụ thể gắn với cảnh quan địa hình và trình độ kinh tế. Làng của người Bahnar không sắp xếp theo một hình mẫu nào nhất định. Nhà cửa trong làng dựng tùy theo thế đất, dựa vào địa hình tại chỗ nhưng cũng theo một số quy định có thể xem như tập quán. Nếu làng ở lưu vực sông suối thì nhà cửa phân bố dọc theo dòng chảy; nếu ở sườn dốc thì nhà bao giờ cũng ở ngang triền dốc, quay mặt xuống dưới; nếu ở chỗ bằng thì căn nhà ở rìa làng thường mở cửa hướng vào làng.
Từ khi lập làng, cộng đồng Bahnar đã chọn một khu đất dành riêng cho xây dựng ngôi nhà chung mà đồng bào gọi là nhà Rông. Nhà Rông là nơi diễn ra hầu hết những hoạt động mang tính cộng đồng. Nhà Rông mỗi làng to hay nhỏ phản ánh điều kiện kinh tế của dân cư và số dân mỗi làng.
Đứng đầu làng là những người đàn ông chủ các nóc nhà, thường ở độ tuổi từ 40 trở lên, thạo ăn nói, giao tiếp rộng, am hiểu luật tục và điều kiện kinh tế khá giả. Một trong số những người này sẽ được chọn làm già làng. Người đứng đầu làng (già làng) thay mặt cho toàn thể các già làng để lãnh đạo những công việc chung của làng như: dời làng, đặt tên làng, dựng nhà cho các thành viên trong làng, tiếp khách, tổ chức các lễ hội, phân xử các vụ việc trong làng theo luật tục. Hầu hết người Bahnar ở An Khê hiện nay đều lấy họ Đinh.
Gia đình Bahnar là các tế bào của làng. Trong giai đoạn hiện nay, gia đình Bahnar được các nhà nghiên cứu xác định là song hệ, bởi sau khi làm lễ cưới theo phong tục, thường thì các cô dâu theo về cư trú bên nhà chồng, nhưng cũng không hiếm trường hợp, các chàng rể về cư trú bên nhà vợ tùy theo ý nguyện của 2 bên gia đình, nhất là gia đình vợ. Trong gia đình, địa vị của người chồng đã được xác định khá rõ rệt. Người đàn ông thường là người đại diện cho gia đình giao tiếp với xã hội. Tuy nhiên, để đi đến quyết định cuối cùng, thường phải có sự bàn bạc thống nhất với vợ.
Trong hôn nhân, người Bahnar được tự do lựa chọn bạn đời nhưng phải được cha mẹ đồng ý. Những người có họ gần tuyệt đối không được lấy nhau. Hôn nhân một vợ, một chồng đã bền vững, việc ly dị phải được tập thể những người già trong làng thu xếp. Những quy định hôn nhân trên phản ánh giai đoạn lịch sử xã hội Bahnar chuyển biến từ thời kỳ mẫu hệ sang phụ hệ.
Sinh sống trên những địa hình khác nhau và chịu sự tác động khác nhau của các yếu tố kinh tế, văn hóa-xã hội từ bên ngoài nên người Bahnar trong các làng ở An Khê có nhiều loại hình canh tác, nhưng phổ biến nhất hiện nay vẫn là rẫy và ruộng. Trong nền kinh tế truyền thống, rẫy canh tác theo chu kỳ khép kín. Khác với rẫy, ruộng khô là những đám đất bằng phẳng ven sông suối được khai thác và sử dụng theo lối thâm canh. Ruộng nước là loại hình canh tác mới được du nhập vào khu vực người Bahnar vào nửa cuối thế kỷ XIX, nhưng nó chỉ thực sự được phổ biến từ nửa cuối thế kỷ XX do phong trào đưa kỹ thuật mới vào sản xuất trong vùng căn cứ cách mạng.
Mặc dù đã biết đến nhiều loại hình canh tác khác nhau, nhưng cho đến nay hình thức canh tác trên nương rẫy vẫn là phổ biến nhất. Vì vậy mà những nghi lễliên quan đến nông nghiệp của người Bahnar vẫn phổ biến và là một trong những mảng quan trọng của văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, do có quan hệ sớm với người Kinh nên người Bahnar ở An Khê biết đến việc trồng cây cau khá sớm. Hiện nay, trong số 4 làng người Bahnar ở An Khê còn có một làng có địa danh ghi lại dấu ấn này, đó là làng Pơnang. Hiện trong số người Bahnar ở An Khê cũng còn một số người lớn tuổi có thói quen ăn trầu cau.
Người Bahnar tin rằng trong thế giới có một lực lượng vô hình có quyền năng vô hạn ảnh hưởng quyết định đến nhiều mặt đời sống của đồng bào. Lực lượng vô hình ấy được gọi chung là yang (thần).Quan hệ giữa con người với các thần linh và người đã chết (atâu) chi phối cuộc sống của từng người, từng nhóm người, từng làng. Con người luôn phải tôn trọng những tập quán mà họ
Cũng như các cộng đồng Bahnar khác ở Gia Lai, người Bahnar ở An Khê tự hào bởi văn hóa của họ là một bộ phận trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận ngày 25-11-2005. Đồng bào Bahnar An Khê rất đỗi tự hào bởi họ có những nghệ nhân như bok Wếk ở làng Pốt, xã Song An có khả năng hát kể ít nhất 3 sử thi của dân tộc mình.
An Khê là địa bàn cư trú của người Kinh hình thành sớm nhất ở tỉnh Gia Lai. Tên của cùng đất này thể hiện mơ ước được sống bình an trên vùng sơn khê (núi- khe) của những cư dân vốn nông dân nghèo khổ, mất ruộng đất, từ đồng bằng lên lập nghiệp ở vùng quê mới, nơi có điều kiện môi sinh hoàn toàn khác lạ so với vùng duyên hải và đồng bằng mà người Việt đã quen canh tác.
Người Kinh ở An Khê vẫn mang theo tổ chức làng xóm ở quê cũ (miền Trung) đến vùng đất mới với những đặc trưng chung là ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn, bảo vệ nhau trước thú dữ và các hiểm họa. Lúc đầu, dân số các làng mới lập chưa đông nhưng dần là những người mới đến xin nhập cư đã làm cho các làng trở nên đông đúc.