Quan niệm về con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 25 - 28)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Quan niệm về con người

Trước 1975, quan niệm con người trong văn xuôi là con người của cộng đồng, dân tộc. Các nhân vật bao giờ cũng lao động hoặc chiến đấu với tư cách đại điện ưu tú cho tập thể, chứ ít khi với tư cách cá nhân. Sau 1975, đất nước bước vào thời kỳ khác. Con người bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ phức tạp của đời thường, chuyên môn và nhiều thứ khác. Nếu như trước 1975, các nhà văn có xu hướng thể hiện con người theo tiêu chí giai cấp, lựa chọn nhân vật điển hình, chú trọng tính chung sao cho phù hợp với quan điểm về sự vận động tích cực và thuận chiều của cuộc sống, bỏ qua phương diện riêng tư cá biệt của con người, thì văn xuôi sau 1975 quan tâm nhiều đến con người với tư cách cá nhân. Sự thay đổi này là tất yếu vì sự khác nhau của mỗi giai đoạn văn học cũng chính là sự thay đổi, khác nhau trong quan niệm về con người.

Dạ Ngân không quan tâm khai thác riêng một kiểu, hoặc một tính cách riêng nào. Các nhân vật của Dạ Ngân thường đa dạng, đủ thành phần, tính cách khác nhau trong xã hội. Đó là những cán bộ kháng chiến với những mặt tốt đẹp và những điều chưa tốt đẹp; đó là những người nông dân lam lũ chân lấm tay bùn hai sương một nắng mà vẫn không thoát nghèo; đó là những nhà văn nhìn đời sắc sảo thích dịch chuyển; đó là những nhân viên thừa hành trong guồng máy chính quyền thời hậu chiến…và cả những người lính của chế độ cũ tiếp nối cuộc đời mình sau chiến tranh. Tất cả những con người ấy, được nhà văn miêu tả hết sức đa dạng từ ngoại hình đến tính cách, phong thái và cách ứng xử. Nhưng, Dạ Ngân có sự quan tâm, trăn trở đặc biệt đến những người vô danh, những người ít ai biết đến, luôn gặp những trắc trở, khó khăn ngang trái cả trong và sau chiến tranh. Những phận người ấy rất nhỏ bé trước cuộc đời và họ dễ bị cuộc đời lãng quên. Nó như một chiếc tam bản nhỏ bé giữa dòng sông chảy xiết, như một hạt bụi giữa khoảng không gian bao la. Dạ Ngân đau đáu về những thân phận đó và dành tình cảm sâu sắc khi viết về họ.

Nhà văn còn chú ý nhiều đến những người phụ nữ bé mọn trong và sau chiến tranh. Họ tầm thường, lam lũ, không phải anh hùng, không gây tiếng vang, nhưng họ đáng trân trọng, nâng niu đơn giản vì họ là mẹ, là vợ, là chị; là “con người” trước chính họ, trước tiểu cộng đồng (gia đình) và đại cộng đồng (xã hội).

Như vậy, thông qua những nhân vật trong tác phẩm của Dạ Ngân, người đọc có thể nhận ra nhà văn đã có nhiều tiến bộ trong quan niệm nghệ thuật về con người. Tác giả luôn trân trọng những điểm tốt đẹp của con người, chú ý khai thác, tiếp cận con người cá nhân - đời thường từ nhiều góc cạnh. Nhà văn không sử dụng ngòi bút mình cho mục tiêu đấu tranh với cái xấu, mà như để khơi gợi lòng tốt, sự lương thiện, trắc ẩn. Nhân vật trong tác phẩm Dạ Ngân thường đem đến một thông điệp nào đó, nhưng trước hết là sự đồng cảm, là thái độ chính trực bảo vệ cho cái yếu, sự lương thiện và tâm hồn ngay thẳng. Tuy không dữ đội, đa sắc thái như nhiều cây bút khác, nhưng nhiều nhân vật của Dạ Ngân đã khẳng định được cá tính sáng tạo của nhà văn. Việc không ngừng khám phá cuộc sống, phát hiện mới về con người chính là cách để Dạ Ngân tạo cảm hứng và hòa nhịp vào dòng chảy chung của văn học đương đại. Và cũng phải nói thêm rằng, những thay đổi của Dạ Ngân từ quan niệm về hiện thực đến quan niệm nghệ thuật về con người có phần chịu ảnh hưởng từ chồng bà là nhà văn Nguyễn Quang Thân. Do cùng nhà, cùng nghề viết, cùng niềm đam mê sáng tác, lại thêm nhà văn Nguyễn Quang Thân nổi tiếng là người có kiến thức uyên bác, tiếp nhận rất nhạy bén các xu hướng đổi mới nghệ thuật của thế giới. Nhiều năm liền, nhà văn Nguyễn Quang Thân là người đọc đầu tiên, người thẩm định tác phẩm khó tính nhất của bà. Dạ Ngân là người phụ nữ chịu thương chịu khó cả trong đời sống thường nhật lẫn trong công việc, nên bà vừa phải luôn cố gắng để không lặp lại mình và lặp lại người khác, vừa phải đổi mới nghệ thuật để tác phẩm hoàn hảo nhất có thể. Đây cũng là điều đồng nghiệp trân trọng nhất ở Dạ Ngân.

Tiểu kết chương 1

Dạ Ngân là nhà văn vẫn còn đang sáng tác, nhưng sự nghiệp của bà có thể được định vị trong giai đoạn văn học sau 1975. Trong chương này, chúng tôi khảo sát về cuộc đời Dạ Ngân và đặt hành trình sáng tác của nhà văn trong dòng chảy các cây bút nữ cùng thời, để khẳng định vị trí, quan niệm nghệ thuật và một số nét riêng của bà. Dạ Ngân là người cầu tiến nên luôn có sự thay đổi khi phản ánh, ghi nhận hiện thực. Nếu lúc bắt đầu, khi viết về chiến tranh, Dạ Ngân có phần lãng mạn, thi vị; thì sau đó trong các tác phẩm khai thác đề tài cuộc sống đời thường (thế mạnh của nhà văn), ngòi bút bà tỏ ra rất nhạy bén, sắc sảo, quyết liệt. Dù đã từng tham gia kháng chiến, nhưng Dạ Ngân không coi nghề viết là nơi thể hiện bản thân. Nhà văn biết cộng niềm đam mê được viết vào nhiệm vụ khó nhọc tự học, tự tích lũy tri thức để xây dựng nền tảng chuyên môn và đường đi vững vàng trong sự nghiệp. Với những gì nhà văn đã viết và niềm tin nghiêm túc, nhất quán vào con người, vào giá trị của ngòi bút, Dạ Ngân xứng đáng là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu của giai đoạn văn học sau 1975.

Chương 2

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN DẠ NGÂN

Nhân vật có vai trò đặc biệt quan trọng trong tác phẩm. Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong các tác phẩm văn học. Nhân vật văn học thường có tên riêng (Tấm Cám, Chị Dậu, anh Pha), cũng có thể không có tên riêng như “thằng bán tơ”, “một mụ nào” trong Truyện Kiều” [16, tr.162]. Nhân vật văn học vừa chịu sự quy định chung của ý thức thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật về con người thời đại vừa mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà văn.

Khảo sát truyện ngắn Dạ Ngân, chúng tôi thấy thế giới nhân vật trong sáng tác của nhà văn tương đối đa dạng. Người đọc có thể đã gặp ở đó rất nhiều gương mặt với các vai trò xã hội và tính cách khác nhau. Dựa vào đặc điểm thi pháp, có thể chia thế giới nhân vật trong truyện ngắn Dạ Ngân thành các kiểu sau: nhân vật trong bi kịch đời tư, nhân vật khát khao hạnh phúc, nhân vật tự nhận thức, nhân vật tha hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 25 - 28)