Giọng điệu trong truyện ngắn Dạ Ngân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 93 - 113)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Giọng điệu trong truyện ngắn Dạ Ngân

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [16, tr.112]. Trong văn chương, giọng điệu là yếu tố không thể thiếu để cấu thành hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học, giọng điệu thể hiện tiếng nói từ trái tim của tác giả. Nếu không có giọng điệu, tác phẩm chỉ là sự ghi chép đơn thuần, dàn trải của nhà văn về cuộc sống. Khảo sát truyện ngắn của Dạ Ngân, chúng tôi nhận thấy có hai giọng điệu chính sau: giọng trữ tình đằm thắm; giọng chiêm nghiệm triết lý. Sự góp mặt của các sắc điệu này diễn đạt cái phong phú của những bối cảnh, cảm xúc trong việc lý giải những hiện tượng, những khía cạnh giống và khác nhau của đối tượng sáng tác mà chủ đề của tác phẩm hướng tới.

Trong bản tính nhẹ nhàng của nữ giới, giọng trữ tình đằm thắm có thể xem là giọng điệu cơ bản tạo nên chất nữ tính trong truyện ngắn Dạ Ngân. Trong truyện ngắn nếu chất tự sự làm nên tính chất chân thật trong mỗi câu chuyện thì chất trữ tình khiến người đọc dễ dàng nhận ra được những tâm tư

tình cảm mà Dạ Ngân thể hiện qua từng câu chữ. Với cách trần thuật đặt điểm nhìn từ bên trong, Dạ Ngân đã kể lại những câu chuyện như một sự giải bày cảm xúc của mình với người bên cạnh. Nhân vật trong truyện giờ đây không còn là nhân vật tự sự mà là nhân vật trữ tình với đời sống nội tâm được nhà văn trình bày một cách tự nhiên. Chúng ta khó có thể quên được tâm sự của nhân vật “tôi” tự kể về câu chuyện tình yêu trắc trở nhưng đầy cảm động của mình với người đàn ông tàn tật trong truyện Nhìn từ phía khác bằng giọng trữ tình sâu lắng:

“Sao tôi thương bản thân tôi, sao tôi thương anh thương nữa cái chân tàn dại dưới tấm mền và muốn được vòng tay ôm hết thảy mọi người” (…) Tôi nhắm mặt lại, âm thanh và mùi vị chiến tranh tôi nào có lạ, nhưng trước nỗi đau của một người như con người này, có cần tồn tại giữa chúng tôi đường biên khắc nghiệt nào không? Ấy là tôi đang nghĩ bằng trái tim ừ thì nhi nữ thường tình, bằng không, tôi sẽ phải đóng kịch thế nào và bao lâu để tôi kéo được anh nhảy sang cùng phía với tôi nếu tôi làm được việc đó?” [32, tr.145-146].

Hay giọng văn thủ thỉ nghe như tâm tình của người dẫn truyện khi biểu lộ thái độ của mình trước hạnh phúc của đôi trai gái kém may mắm về ngoại hình trong truyện Khoang tàu chật quá: “Tôi nhoẻn cười nằm xuống để nhấm nháp một cảm giác vui sướng lan truyền: sự không hoàn chỉnh của cơ thể họ đi với vẻ thanh xuân ríu rít của họ giống như tiếng suối giữa đồi trọc” [33, tr.183].

Ngoài ra, trong truyện của Dạ Ngân, từ nhan đề đến những lời giới thiệu, đều mở rộng cảm xúc. Có thể nói nhà văn đã phát tín hiệu tình cảm ngay từ đầu truyện để rồi từ đó dẫn dắt người đọc theo mạch của xúc của con người bằng giọng văn da diết. Truyện Đường dây một người, bằng vốn sống và sự từng trải của một người lính, người con sống chiến đấu nơi quê hương,

bằng giọng văn trữ tình da diết, Dạ Ngân để người đọc cảm nhận được sự tàn phá của chiến tranh lên mảnh đất quê hương.

“ Ngoài kia là cánh đồng thân yêu giờ đã hoang vắng, hằng ngày bị lũ máy bay trinh sát và các loại trực thăng kiểm soát gắt gao. Phía trong là vườn dừa và các loại cây ăn trái khác ngã liệt vì bom pháo và chất độc hóa học (…) Đã mấy lần rừng lá bị hủy diệt nhưng con người vẫn tồn tại dưới cái màu thê lương của cây lá chết. Rồi rừng lá lại hồi sinh, màu xanh trùng điệp nhanh chóng trùm lên khu căn cứ nhờ đất bãi màu mỡ như một thứ bột vàng” [29, tr.96].

Sự lựa chọn giọng trữ tình này đã phơi bày toàn vẹn con người đa cảm, ưu tư của nhà văn Dạ Ngân trước cuộc sống và con người.

Tự nhận là người đã đủ chín khi nhìn lại cuộc sống của mình, Dạ Ngân bằng sự trải nghiệm cá nhân đã đưa vào truyện ngắn những suy nghĩ, những phát xét về cái đã qua; có khi được nâng lên ở mức khái quát triết lý về con người, về xã hội. Tùy theo cách sống và nguyên tắc ứng xử, tùy theo sự hiểu biết và vốn sống, tùy cả điều kiện hoàn cảnh riêng mà nhà văn để nhân vật có được giọng điệu phù hợp trong vai trò của mình.

Truyện ngắn Nước nguồn xuôi mãi, nhân vật người kể chuyện giấu mặt nhưng hiểu biết lý lẽ, được nhà văn trao giọng triết lý độc đáo về tình cảm mà đấng sinh thành thường dành cho con cái: “Ba con người, má chị, chị và con gái như đang đứng cùng một đội hình, người nầy chỉ thấy cái ót của người kia và phía trước là thời gian và những nổi lo muôn đời. Nước vẫn từ nguồn chảy dốc ra từ phía sau như vậy, róc rách, âm thầm và cũng muôn đời như vậy” [33, tr.177]. Hay nhân vật người mẹ khi đã đi gần hết cuộc đời mình, khi chứng kiến cái nghiệp văn chương của con lại có một cách khái quát về cái nghề của con: “mầy làm cái nghề gì quanh năm chẳng thấy thiên hạ biếu xén gì trơn!”, “làm cái nghề gì moi tim moi óc chết sớm có ngày!” [33, tr.175].

Đó là cách nói kiệm tiện nhưng rất giàu hình ảnh. Hay người vợ trong truyện

Những tấm lưng đàn bà là sự tổng kết sau những hi sinh mà chị dành cho chồng, lo cho gia đình con gái và chị nhớ lại sự hi sinh của mẹ mình dành cho mình khi chị cũng đôi lần sinh nở, hay sự hi sinh của những người bạn của chị vì con vì cháu mà vượt khoảng cách của địa lý để sang nước bạn chỉ để làm mỗi việc chăm sóc chúng: “Chỉ có đàn bà Việt mình là giỏi hi sinh” ; “đàn bà giỏi hi sinh vì đàn ông quen ích kỷ” [36, tr.160-161].

Nhân vật Thiêm trong Người lau kính lại là sự chiêm nghiệm khác về cuộc sống khó nhọc của những con người xa quê nơi đất khách bằng giọng đầy triết lý: “Người Việt mình hay cười cũng hay khóc. Khóc thầm, khóc riêng và khóc cùng nhau. Cười để vượt biển dâu mà khóc cũng vì biển dâu. Hết cuộc này đến cuộc khác, hết tự chia cắt thì lại bị các nước lớn ngồi lại bàn chuyện chia cắt. Và mỗi dòng họ lại phải chia cắt, do trăm nghìn lý do hiểu được và không hiểu được” [34, tr.44].

Giọng điệu suy ngẫm sâu xa có khi là sự trải nghiệm của con người về kinh nghiệm sống. Nhà văn để nhân vật “Ta” trong truyện Phòng chờ bày tỏ những suy tư về hủ tục trọng nam khinh nữ cổ xưa mà ngày nay vẫn còn nguyên dấu ấn trong một số gia đình người Việt hiện đại: “Ta mừng vì có thể mẹ nó chỉ bị rạch bụng một lần nầy, vậy là có thể yên tâm với chồng và với nhà chồng, một đứa con trai là coi như đã làm xong một việc chính cho nhà họ” [33, tr.135- 136]. Những điều mà người dẫn chuyện đã từng trải qua, khi kết hợp với giọng điệu chiêm nghiệm thì càng tỏ rõ sức mạnh nội lực của nó.

Truyện ngắn Hài kịch cuối đời, qua bi kịch con người không giữ được sự trong sạch của mình trước sự cám dỗ của đồng tiền, Dạ Ngân đã nêu lên triết lý thấm thía, nhưng cũng không kém phần xót xa. Giọng điệu của Hai Kiên được thể hiện qua những từ ngữ diễn tả chiều sâu của suy nghĩ: “Ôi thể diện, nếu nó là cái bánh tráng để con người lật qua, lật lại thì ngọn lửa làm nó

nở nang, phổng phao. Nhưng thói thường, không có tiền thì thiện chí cũng đành bất lực và chữ hiếu cũng thành nỗi khổ của người nghèo” [31, tr.96]. Với giọng điệu giàu chất triết lý, Dạ Ngân đã phản ánh sâu sắc những vấn đề trong cuộc sống ở nhiều bình diện và tầng bậc. Đằng sau mỗi triết lý là những trăn trở, suy nghĩ nghiêm túc của nhà văn về cuộc sống.

Có thể nói rằng, Dạ Ngân là nhà văn có ngòi bút sắc sảo, tinh tế. Với sự trải nghiệm của chính bản thân mình, chị đã mổ xẻ, phanh phui phát hiện chiều sâu tính cách và tâm hồn nhân vật. Những lý lẽ, triết lý trong truyện ngắn của Dạ Ngân được thể hiện trực tiếp qua phát ngôn của nhân vật nhưng cũng có thể thông qua phát ngôn của người trần thuật và tất cả những lý lẽ đó đều là sự tổng kết của một quá trình nhà văn chiêm nghiệm, tìm tòi, đúc kết từ cuộc sống.

Tóm lại, vấn đề giọng điệu trong truyện ngắn của Dạ Ngân được thể hiện qua hai giọng cơ bản: trữ tình và triết lý. Nếu như giọng trữ tình thể hiện cái nhìn cảm thông, chia sẻ của nhà văn về con người thì giọng chiêm nghiệm triết lý nói lên những trăn trở, suy nghĩ nghiêm túc của nhà văn về cuộc sống. Đây được cho giọng điệu chủ yếu góp phần làm nên một trong những nét phong cách riêng của Dạ Ngân.

Tiểu kết chương 3

Dạ Ngân viết nhiều, sự nghiệp và phong cách viết khá ổn định. Mỗi người đọc có thể tiếp cận và đánh giá truyện Dạ Ngân từ nhiều phương diện khác nhau. Xét từ bình diện thi pháp học, đặc điểm không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật hay ngôn ngữ - giọng điệu nghệ thuật thể hiện trong các truyện ngắn của Dạ Ngân tạo nên những giá trị nghệ thuật không thể phủ nhận. Về không gian nghệ thuật, nhà văn thường có sự kết hợp đan xen giữa không gian bối cảnh và không gian tâm trạng khi phản ánh bối cảnh sống của nhân vật. Kiểu không gian bối cảnh đan xen không gian tâm trạng chiếm tỷ lệ

lớn trong sáng tác của Dạ Ngân (45/60 truyện ngắn), tuy nhiên không gian tù túng, chật hẹp cũng được nhà văn thể hiện khá độc đáo và có nhiều nét riêng. Thời gian nghệ thuật và ngôn ngữ, giọng điệu thể hiện trong truyện ngắn Dạ Ngân cũng có nhiều đặc sắc. Dạ Ngân là người Nam Bộ nên ngôn ngữ, giọng điệu trong truyện đậm phong vị Nam Bộ, tuy nhiên vì có nhiều năm sống ở miền Bắc nên ngôn ngữ truyện ngắn của nhà văn cũng có những pha trộn, giao thoa Bắc Nam thú vị. Có thể khẳng định rằng Dạ Ngân là nhà văn luôn sống chân thực, hết mình cả trong cuộc đời và trong nghệ thuật văn chương. Điều này thể hiện rõ nhất là qua ngôn ngữ, giọng điệu và cách xây dựng không gian, thời gian cho nhân vật.

KẾT LUẬN

Văn học Việt Nam sau năm 1975 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi từ thể loại đến quan niệm sáng tác, quan niệm nghệ thuật. Trong đó, truyện ngắn là thể loại đạt nhiều thành công nhất. Bên cạnh các nhà văn có nhiều đóng góp cho văn đàn văn học đương đại những năm đầu thập kỉ 80 và 90 như: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, thì sự xuất hiện các nhà văn nữ đã thổi một luồng gió mới vào văn học đương đại không phải vì họ là những người sáng tác nữ mà bởi chính văn chương của họ có sức ảnh hưởng và nhiều nét cách tân nghệ thuật. Tìm hiểu Đặc trưng thi pháp truyện ngắn Dạ Ngân, đã bước đầu góp phần làm rõ những nét cách tân đáng kể về mặt thi pháp truyện ngắn của nhà văn nữ Đổi mới. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận văn chúng tôi cố gắng tiếp cận và đưa ra một số kết luận như sau:

1. Dạ Ngân là nhà văn sinh ra và lớn lên chủ yếu trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, trưởng thành cùng với sự nếm trải những năm tháng chiến đấu và hậu chiến. Cũng như các nhà văn khác cùng thời, Dạ Ngân với sự trải nghiệm của người lính và sự nhạy cảm tinh tế của nhà văn nữ trước sự đổi thay về tất cả mọi mặt của đời sống đã giúp nhà văn có cái nhìn mới trong sáng tác. Trong truyện Dạ Ngân bao giờ cũng bắt đầu từ những điều nhỏ của cuộc sống cũng như những điều nhỏ nhất sâu kín nhất của con người. Hiện thực trong truyện của chị do vậy không phải là một hiện thực hoành tráng, mà nó được tạo nên từ những cảnh đời, những số phận của những con người “vô danh” (ngôn ngữ của Dạ Ngân), nên nó có sức lay động mạnh mẽ và có ảnh hưởng cao đối với người đọc. Đối với Dạ Ngân, văn chương là một nghề đặc biệt, nhất là khi người cầm bút là phụ nữ. Qua những trải nghiệm về cuộc đời và sáng tác văn học, nhà văn cho rằng con đường văn chương cho bà sự cô độc tối cao, niềm tin dai dẳng và có thể khóc cười thoải mái một mình.

đề tài gia đình Việt Nam thời kỳ hậu chiến thì vấn đề thân phận và bi kịch con người luôn được nhà văn đặc biệt ưu ái. Chính điều đó chi phối nhiều đến việc xây dựng nhân vật và sáng tạo trong nghệ thuật trong xây dựng thế giới nhân vật. Truyện ngắn của Dạ Ngân, thế giới nhân vật hết sức phong phú, đa dạng như chính thế giới con người ngoài đời thực. Ở loại nhân vật nào cũng được Dạ Ngân thể hiện một cách đầy đặn và có nhiều nét đặc sắc riêng. Hòa mình vào khuynh hướng sáng tác hướng tới đời sống con người cá nhân, đi sâu vào thế giới tinh thần phức tạp và nội tâm phong phú của mỗi con người, nhà văn đã tạo nên những kiểu nhân vật tiêu biểu sau: nhân vật bi kịch, nhân vật khao khát hạnh phúc, nhân vật tha hóa và nhân vật tự nhận thức. Để tạo một dấu ấn riêng trong hệ thống nhân vật, Dạ Ngân đã kết hợp nhiều phương thức nghệ thuật khác nhau. Dạ Ngân đã có nhiều sáng tạo trong việc sử dụng điểm nhìn trần thuật bên ngoài cho sáng tác của mình để đem lại sự khách quan và niềm tin cho bạn đọc khi xây dựng đánh giá nhân vật. Việc nhà văn để cho nhân vật tự kể chuyện hay hóa thân thành người kể chuyện đều mang lại cho người đọc những trải nghiệm thú vị. Tất cả đều đem lại cho người đọc những cảm nhận khác nhau về nhiều kiểu nhân vật. Thông qua thế giới nhân vật này, có thể thấy rõ cảm quan hiện thực và tinh thần nhân văn trong phong cách sáng tác của Dạ Ngân. Dù họ làm nghề gì, họ là ai, Dạ Ngân cũng dành cho họ cái nhìn nhân hậu, cái nhìn của một người trong cuộc biết chia sẻ và đồng cảm với những thân phận bất hạnh.

3. Đặc trưng thi pháp trong truyện ngắn của Dạ Ngân còn được thể hiện rõ ở yếu tố xây dựng không gian và thời gian có sự cách tân đổi mới so với thi pháp truyền thống. Không gian được mở ra nhiều chiều và có sự xê dịch giữa các chiều không gian trong truyện, thời gian thì có sự đan xen xáo trộn các bình diện, không theo trật tự tuyến tính của thi pháp truyền thống mà có sự cách tân mới lạ. Ngôn ngữ đời thường pha chút khẩu ngữ giản dị không chút

gượng ép, ngôn ngữ toàn dân với sự kết hợp với phương ngữ Nam Bộ được nhà văn sử dụng một cách tự nhiên. Giọng điệu có sự đan xen nhiều kiểu, có lúc ta thấy một giọng trữ tình đằm thắm nhưng có lúc lại thấy giọng chiêm nghiệm triết lý. Cách diễn đạt ngôn ngữ linh hoạt với nhiều giọng điệu đan xen nhau khiến tác phẩm của nhà văn gần gũi với đời sống, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc, khơi gợi nhiều suy ngẫm. Với lối viết riêng của mình, Dạ Ngân đã góp một tiếng nói làm phong phú thêm bức tranh truyện ngắn nữ đương đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 93 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)