Nhân vật tự nhận thức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 57 - 65)

6. Cấu trúc luận văn

2.4. Nhân vật tự nhận thức

Nhân vật tự nhận thức là kiểu nhân vật chủ đạo trong truyện ngắn sau 1975. Từ nhận thức thế giới bên ngoài đến nhận thức thế giới tâm hồn mình là bước phát triển của tư duy nghệ thuật về con người trong văn học. Nhân vật tự nhận thức là kiểu nhân vật tự phán xét hành động của mình, tự đối thoại, tự cảnh tỉnh chính mình trước sự xung đột của nội tâm và nhân cách con người. Khi xây dựng nhân vật này, nhà văn đã chú ý nhiều đến việc xây dựng tình huống, miêu tả nội tâm, khắc hoạ nhân vật trong trạng thái đột biến của nhận thức. Khảo sát truyện Dạ Ngân ta thấy, để tạo được những biến đổi trong nhận thức của nhân vật, Dạ Ngân thường đặt nhân vật vào những tình huống nhận thức. Bởi, truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống chủ chốt nào đó. Qua tình huống nhận thức, nhân vật bắt đầu chiêm nghiệm, cảnh tỉnh chính bản thân mình.

Trong truyện Đêm cuối tuần, Cô giáo Dung dù rất yêu những tấm lòng ham học của học sinh vùng núi nơi cô cống hiến, nhưng hiện thực “ngôi trường đơn sơ trên mảnh vườn đặc cỏ dại và hố bom” [29, tr.146-147] đã khiến cô vô cùng ngao ngán mà đi đến quyết định rời bỏ nơi đây, về với thành phố rộn rã náo nhiệt. Trong buổi học cuối tuần, Dung đã chạm trán với lịch sử: vô tình gặp một “thái độ lao động đáng kính trọng” trong cuốn giáo án lớp

ba mà cô học trò nhỏ cầm đến lớp. Vì cuốn giáo án ấy Dung đã tìm đến nhà cô bé, được nghe, hiểu rồi cảm phục trước sự hi sinh và tấm lòng nhà giáo cao cả của mẹ bé Uyên – cô học trò nhỏ có tâm hồn nghệ sĩ được thừa hưởng từ mẹ - đã khiến Dung tự nguyện ở lại vùng heo hút này để dạy các em mà không chạy trốn nữa. Cô đã hiểu hết được giá trị của cuộc sống: cống hiến cho sự nghiệp trồng người luôn là đích hướng tới của những tấm lòng nhà giáo ở mọi thời đại. Đoạn kết cho thấy sự đổi thay đáng kể trong nhận thức của nhân vật “Thời gian đã khắc thêm một tuần cũ. Nhưng đối với Dung, một tuần mới, một đoạn đời mới, mở ra” [29, tr.153].

Với Thi vị cuộc đời , nhân vật Tâm phát hiện ra vụ trộm cắp tại cơ quan có sự “đóng góp” của chủ nhiệm trại. Trong tình huống đó, Tâm cảm thấy “rúm ró”, trăn trở và dằn vặt trong con người mình. Trước việc đổ mọi trách nhiệm lên anh thủ kho của chủ nhiệm, chị “định nói toạc ra nhưng lại bắt gặp anh mắt của những người “cốt cán”: “Nó giựt chồng người ta đó, kìa, coi kìa! Nó định làm cho chủ nhiệm mất chức để tụi nó lên, tha hồ” [29, tr.90]. Trong chị có sự dằn vặt nội tâm, chị ý thức được những việc làm sai trái của tay chủ nhiệm nhưng bản thân chị lại không dám nói lên điều đó. Chị sợ mọi người dè biểu chuyện tình cảm của mình để rồi “Tâm cắn răng im lặng. Chị sợ Năm Hớn sẽ đập bàn đứng lên: “Im đi! Cô không nhơ nhuốc à? [29, tr.90]

Sau khi tạo ra những biến cố xảy ra với nhân vật Dạ Ngân thường dành những khoảng lặng để nhân vật đối diện với chính mình. Đó là khoảng thời gian để nhân vật tự biện hộ, giải thích những giằng xé nội tâm để tự thức tỉnh. Người vợ trong Kẻ yêu chồng là một người phụ nữ đầy bản lĩnh, quyết đoán, biết hy sinh vì tình yêu vì hạnh phúc gia đình, nhưng càng hi sinh chị lại càng trả giá và khi nhận ra được mọi việc thì chị lại càng đau khổ. Biến cố ập đến gia đình chị, chồng chị được: “Lịnh điều động dội xuống: anh phải đi đặc cách văn hóa cho một đơn vị địa phương quân ở một nơi mới nghe qua đã ớn

da gà: Đầm Dơi” [30, tr.109]. Là một người yêu chồng, chị đã tìm mọi cách để cứu chồng khỏi cái lịnh điều động đó. Chị bắt đầu lân la làm quen với ông hàng xóm có quen biết một số người “máu mặt”. Mặc dù linh cảm đàn bà đã cho chị biết rõ con người của ông ta, nhưng chị vẫn hiển nhiên chấp nhận và tự biện hộ cho việc làm của mình: “nó sẽ như cơn mưa bất thần với kẻ lỡ đường, có sấm sét, có gió dông, sau cái lạnh thì mọi việc sẽ đi qua, bình thường và người đi tới đích…chị lặng lẽ chấp thuận nó như một cơn mưa không tránh khỏi, hay một thứ thuế đường” [30, tr.118]. Thế nhưng đằng sau cái biến cố, đằng sau sự hi sinh đó, chị bất giác nhận thức được: “nó khác mưa, mưa thì làm sạch mình dù người ta không đón đợi, ở đây chị thấy khắp ý nghĩ, tâm tư và dĩ nhiên cả da dẻ một sự nhầy nhụa khốn kiếp. Lẽ nào đó là cái giá chung nhứt cho mọi người đàn bà đơn độc? Có con đường nào sạch sẽ, xứng đáng hơn không? [30, tr.119]. Sự hi sinh của chị cũng giúp anh được chuyển tới nơi chị muốn, ít lâu sau được thả về. Nhưng sự trở về ấy không được như mong muốn, gia đình chị thực sự rạn nứt, chị “bắt đầu khóc, người đàn bà chưa bao giờ biết khóc giờ đêm nào cũng khóc, chẳng biết cho mình cho chồng hay cho cả hai” [30, tr.120].

Truyện ngắn Thợ vẽ truyền thần đi sâu vào khám phá sự dằng xé nội tâm, sự tự nhận thức bên trong của người họa sĩ già. Vấn đề mà Dạ Ngân muốn đề cập đến là con người cần phải biết giới hạn của chính bản thân mình, phải trung thực trong sự sáng tạo nghệ thuật, để tự hoàn thiện bản thân mình. Trong lúc các họa sĩ trẻ của thành phố cho rằng “kiếm sống bằng nghề vẽ truyền thần là ông đã tự hạ thấp mình, thậm chí còn tự bôi bác mình” [34, tr.74] nhưng ông vẫn chỉ “mỉm cười”, “thầm vui” nhưng cũng “thầm buồn”, trong ông có sự đan xen nhiều cảm xúc tự vấn. Họa sĩ Hà nhận ra được, cuộc sống như vậy thật hay, chẳng khiến ông phải đắn đo suy nghĩ nhiều. Nhưng, việc ông nhận lời vẽ bức ảnh truyền thân cho vợ chồng ông chủ tịch đã để nhân vật bộc lộ sự

xung đột trong nhận thức. Những yêu cầu trái khoáy của vị khách đã khiến ông có cảm giác: “có cái gì đó lướng vướng trong lòng như người lính không được thông suốt mục tiêu mà mình chiếm lĩnh phía trước” [34, tr.79]; “Người nghệ sĩ già nhìn thẳng về phía trước nhưng ông không thấy gì, chỉ thấy lòng mình vừa mất đi cái gì đó hệ trọng mà ông chưa gọi tên được” [34, tr.80]. Rõ ràng, yêu cầu đã vượt xa giới hạn cho phép của bản thân, tại sao họa sĩ Hà vẫn nhận lời vẽ? Để rồi, ông đã vẽ bức tranh đó trong sự giằng xé nội tâm khi ông không nhìn thấy được sự hạn chế của bản thân mình và ông nhận thức được: “ông vừa a tòng với một hành động phản bội nào đó, phải, ông đã phản bội chính cái người trong bức ảnh mà ông có nhiệm vụ phải “làm mới” lên” [34, tr.85]. Bức tranh được yêu cầu vẽ lại, họa sĩ Hà một lần nữa lại đấu tranh với nội tâm, có những lúc ông manh nha nghĩ sẽ nói dối khách hàng: “phải, ông có thể trưng bức vẽ đầu tiên ra và nói qua quấy rằng đây là bức thứ hai” [34, tr.88], rồi lương tâm ông đã không cho phép ông nói dối khách hàng. Đó là biểu hiện của việc tự nhận thức được sự bất lực của bản thân và lương tâm của người nghệ sĩ mà Dạ Ngân muốn đề cập đến.

Sống với nhớ thương lại kể về một người đàn ông đã có gia đình và những đứa con nhưng luôn sống dằn vặt trong nỗi thương nhớ về Nhi – cô gái anh từng yêu trong thời kỳ chiến tranh: “Thời gian không làm anh quên người ấy, người con gái hồi xưa ấy mặc dù anh biết rõ chị đã có chồng và dĩ nhiên, cũng đã có con” [30, tr.90]. Trong những tình huống nhân vật tự nhận thức, Dạ Ngân đã để cho nhân vật tự đẩy mình đến tận cùng của những cảm xúc dằng xé nội tâm, để tự thức tỉnh và điều tiết được hành động của chính mình. Khi biết người con gái năm xưa đang góa bụa và vô cùng vất vả với một nách năm con, thì trong anh lại càng không nguôi nhớ thương chị. Anh luôn để bức ảnh “ở cứ” trên tường để “mỗi khi vợ đi vắng, anh lại tưởng như có một người thứ hai đang cùng sống với anh” [30, tr.92]. Trong một lần tình cờ anh

có dịp ghé thăm người con gái năm xưa, anh nghĩ sự gặp gỡ này sẽ làm anh xoa dịu đi nỗi nhớ nhung. Nhưng khi tình cờ gặp được con gái út của Nhi biết về cuộc sống hiện tại của cô, trong anh lại ùa về bao tâm trạng ngập ngừng: có nên hay không nên gặp Nhi? Bởi lẽ: “Nếu anh đến, anh sẽ không làm chị trẻ lại, cũng không làm chị khá lên, ngược lại, có thể chị sẽ đau khổ hơn, sa sút tinh thần hơn và tuyệt vọng hơn sau chuyến viếng thăm đường đột” [30, tr.105]. Còn anh, anh sẽ mất chị vĩnh viễn, thôi thì anh sẽ can tâm làm kẻ trốn chạy hiện tại nghiệt ngã để giữ lấy qúa khứ từng có ngọt ngào dù không kém phần nghiệt ngã. Sự đắn đo, trăn trở của Định, cho chúng ta thấy hình ảnh một con người luôn có ý thức trong hành động.

Truyện Sau con số 8 lại là một kiểu nhận thức khác của nhân vật. Tác giả viết “Bây giờ, nhiều lúc trước gương, thấy tóc mình bớt óng ánh, da mặt không còn ngời ngợi, hai bàn tay cộm những đường gân làm cho cử chỉ khô cứng dần, tôi sững sờ” [29, tr.50]. Câu văn không có gì đặc biệt và hành động soi gương của nhân vật cũng quen thuộc như hành vi thường nhật của hầu hết phụ nữ, nhưng từ “sững sờ” làm người đọc nhận ra nhiều thứ. Cùng một lúc, không chỉ ngoại hình mà nội tâm nhân vật cũng thể hiện sinh động. Không phải là để nói nhân vật bất ngờ nhận ra màu tóc, màu da hay đường gân tay thay đổi, mà chính là để nói con người trong sự vận động âm thầm mà khốc liệt của thời gian. Một chi tiết nhưng đủ khái quát tất cả, vừa giản dị vừa sâu sắc, miêu tả nhân vật mà chính là để khơi gợi suy nghĩ về những cái khác có liên quan đến số phận con người. Nhân vật trong truyện là cô gái nhút nhát không dám quay lại khi người khác nhìn, không dám đối diện với hạnh phúc, vừa khát khao vừa cảnh giác, nhưng về cơ bản vẫn nhận ra mình lương thiện, nhận ra sự thay đổi “khô cứng” dần từ tâm hồn nhạy cảm của mình. Nhan sắc hay hạnh phúc đều khó giữ, nhưng khó giữ hơn là lẽ phải, lòng tin từ những “phát hiện” đơn giản nhất như việc thấy người yêu sửa từ số 3 thành số 8.

Truyện ngắn Nàng ở đâu ra, Dạ Ngân xây dựng nhân vật “Nàng” là người phụ nữ đầy cá tính, sinh ra trong một gia đình có nề nếp “luôn luôn một trật tự trên nói dưới nghe, quấn quýt chan hòa, ngay cả mồ mả tổ tiên cũng ngay hàng thẳng lối cũng quy về một mối” [32, tr.88]. Ngay từ nhỏ, chứng kiến cuộc sống nề nếp của gia đình, nàng đã đôi phần nhận ra, hạnh phúc của một đời người đối với các thành viên trong nhà đó là sự hi sinh, là phải sống cho người khác. Hạnh phúc này được nàng nhận thức như là: “cái kén kỳ diệu cho tuổi thơ nàng, nó làm nên vẻ óng ánh của tâm hồn và cốt cách đến mức nàng tưởng giá trị của đời người nói chung, chỉ cần có cái nàng từng có là đủ” [32, tr.89]. Đến khi nàng có chồng, mà khổ nỗi chồng nàng lại là con trưởng trong một gia đình đông đúc, nàng hiển nhiên trở thành dâu trưởng, được những đứa em chồng hết mực kính trọng. Và rồi, nàng cũng như bà nội, má nàng phải sống có trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm ấy buộc nàng phải biết “gói gói ghém ghém chia cơm chia cá, ăn phải ngồi ở cạnh nồi để đảo xới để nhận lấy nụ cười tình cảm của đám em, tắm cũng phải tắm sau cùng để giặt giũ cọ rửa luôn thể” [32, tr.90]. Nàng cảm thấy mệt mỏi với hai tiếng “trách nhiệm”, cảm thấy ấm ức để đêm đêm “khi lũ em chồng nằm la liệt trên đám chiếu nền gạch bắt đầu nói mớ thì nàng vùng dậy chạy a vào phòng tắm nhờ vòi nước lạnh hòa giải cơn ấm ức” [32, tr.91]. Nàng lại càng không thể chịu được sự cam chịu của chồng và trong một đêm nàng đã bế con bỏ trốn khỏi nhà chồng. Hành động đó của nàng bị lên án bởi chính mẹ nàng, nhà chồng và không bao giờ được tha thứ từ họ. Sau hành động “chạy trốn”, để rồi nàng phải luôn tự suy ngẫm và nhìn lại bản thân mình, cả khi nàng có người chồng khác thì sự dằn vặt về quá khứ vẫn luôn khiến nàng tự phán xét chính bản thân mình: “rằng nàng ở đâu ra, hử, nàng ở đâu ra mà dám muốn thế này thế nọ với những thứ đã sinh ra nàng. Hử, nàng ở đâu ra? [32, tr.99]

trong sự tồn tại hai vấn đề trái ngược nhau, đặt họ ở nhiều góc độ, nhiều vị trí khác nhau để họ tự nhận thức bản thân mình, để cùng hướng tới cái thiện trong con người mình. Đối với các nhà văn nữ cùng thời như Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh…nhân vật tự nhận thức của họ thường xuất hiện ở những người phụ nữ. Nhân vật nữ hiện lên đầy bản lĩnh, quyết đoán, dám đối với diện với chính mình, khác hẳn với mẫu người đàn bà cam chịu luôn chấp nhận, phục tùng như trước đây. Nhân vật tự nhận thức trong truyện ngắn của Dạ Ngân lại xuất hiện ở nhiều kiểu người khác nhau: phụ nữ cũng có, đàn ông cũng có, người trí thức cũng có… Mỗi người đều được nhận diện ở nhiều chiều hướng khác nhau vừa cao thượng nhưng cũng vừa trần thế, vừa đẹp đẽ nhưng cũng có lúc xấu xí. Điều đó chứng tỏ sự phong phú và kinh nghiệm từng trải của nhà văn trong cách xây dựng nhân vật tự nhận thức. Chính kiểu nhân vật này đã giúp nhà văn khám phá được chiều sâu tâm hồn con người, từ đó góp phần nâng tầm nghệ thuật cho mỗi tác phẩm của mình.

Tiểu kết chương 2

Dạ Ngân được đánh giá là nhà văn thành công với cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Khảo sát 6 tập truyện ngắn đã xuất bản của nhà văn có thể khẳng định: Dạ Ngân không tập trung khai thác một kiểu hoặc một tính cách nhân vật; thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Dạ Ngân thường đa dạng, đủ thành phần, tính cách khác nhau trong xã hội. Nếu hệ thống hóa hoặc sắp xếp, phân loại thế giới nhân vật của Dạ Ngân sẽ hơi khó, nhưng có thể nhận ra một số điểm chung, độc đáo đó là Dạ Ngân có cảm hứng khám phá và thành công hơn với những kiểu nhân vật có đời tư phức tạp, bi kịch, nhân vật khát khao hạnh phúc, kiểu nhân vật tha hóa và kiểu nhân vật tự nhận thức. Một số nhân vật của Dạ Ngân đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc, nhất là nhân vật nữ với nhiều phức cảm trong tâm hồn. Thành công trong xây dựng nhân

vật của Dạ Ngân không chỉ thể hiện sự thay đổi trong quan niệm về con người của nhà văn, mà còn là sự nghiền ngẫm, đau xót cùng hiện thực cuộc sống con người của nhà văn. Cách kể, cách tả, cách phân tích tâm lý nhân vật luôn được nhà văn làm mới, sáng tạo không ngừng; nhưng vượt lên trên tất cả, Dạ Ngân là một trong số ít nhà văn không coi nhân vật chỉ là hình tượng, sản phẩm hư cấu, mà còn xem đó là con người, là cuộc đời máu thịt mà mình đã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 57 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)