Nhân vật với khát khao hạnh phúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 43 - 49)

6. Cấu trúc luận văn

2.2. Nhân vật với khát khao hạnh phúc

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng tâm sự: “Ai cũng có nhu cầu được ấm áp, yêu thương, ngay cả những người mạnh mẽ và tàn ác nhất” [66]. Với Dạ Ngân, các nhân vật của bà không chỉ có nhu cầu yêu thương mà luôn khát khao được yêu thương, khát khao tìm kiếm, hướng đến hạnh phúc. Khảo sát các truyện ngắn Dạ Ngân, nhân vật nữ có cảm xúc, có tâm hồn khát khao hạnh phúc chiếm đa số.

Tình yêu là tình cảm đặc biệt nhất của con người, nó không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, địa vị sang hèn, kẻ tốt, người xấu. Nhu cầu yêu thương là nhu cầu chính đáng và tự nhiên. Trong tình yêu mỗi người có cách cảm nhận và yêu thương khác nhau. Với truyện Trinh nữ muộn, Dim và Bạch là hai người bạn thân cùng phòng, nhưng cách đón nhận và thể hiện tình yêu của họ lại khác nhau. Dim khát khao yêu thương bao nhiêu thì Bạch lại e dè bấy nhiêu. Là người cởi mở, Dim không chấp nhận lối sống khép mình của Bạch. Vì vậy, chị luôn tìm cách giúp bạn. Khi biết Bạch trúng tiếng sét ái tình, Dim rất hào hứng. Chị không ngại làm “quân sư” cho bạn. Dim trong sự miêu tả của Dạ Ngân là con người hết lòng vì bạn và tìm mọi cách để giúp bạn thoát khỏi cái dáng vẻ trinh nữ. Vì vậy, khi nghe Bạch tâm sự về chuyện tình cảm của mình, chị đã “hất vội tờ báo xuống, chống tay nằm nghiêng lại trên giường, chuẩn bị vào vai tham mưu” [31, tr.58], và thúc giục bạn kể tiếp câu

chuyện tình cảm của mình: “nào, kể nghe đi!”, “Rồi, kể đi! Dim lại giục”[31, tr.59]. Những cử chỉ “hất vội”, chống tay”, “nằm nghiêng” và thái độ “giục” chỉ thường được thấy ở những con người cởi mở, sốt sắng trong mọi vấn đề, đặc biệt là trong tình yêu. Trong tình yêu, Dim luôn quan niệm: “yêu là chỉ có hiến dâng chớ không có hạ mình” [31, tr.61], không gì hạnh phúc bằng việc sống hết mình trong tình yêu. Khao khát yêu và được yêu luôn cháy bỏng trong trái tim nàng khi “người đàn ông của Dim” xuất hiện. Không dè chừng, không giữ mình như Bạch, Dim đã sống hết mình cho tình yêu.

Truyện ngắn Đừng nói điều ơn nghĩa lại là một cung bậc khác trong bản nhạc tình yêu của Dạ Ngân. Nếu nhân vật Phụng là sự khát khao đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình thì trái ngược với điều đó là cái e ngại, nhút nhát của Thà. Trong truyện, Dạ Ngân để nhân vật “tôi” (là Phụng) kể lại cuộc đời mình khi tham gia công tác in ấn truyền đơn ở cứ. Ở đó, cô đã từ chối tình yêu của Thà vì không tìm thấy sự đồng nhịp trong trái tim. Phụng luôn rạo rực, ấp ủ một tình yêu đẹp “không thể vì chiến tranh mà gấp gáp. Tôi thầm chờ đợi, tôi hướng con tim ra chiến trường. Ở đó, sẽ có những người vừa dũng mãnh, vừa từng trải, vừa tinh tế” [29, tr.39]. Trong mắt cô, Thà không thể là người yêu lý tưởng được vì: “phàm là đàn ông con trai thì phải mạnh dạn, tự tin trong khi tiếp xúc với phụ nữ. Những ai lóng ngóng trước bọn con gái, tôi liền đánh giá họ “thiếu đàn ông” [29, tr.35]. Cũng ở trong đơn vị, có một cô gái tên Tươi đem lòng yêu Thà, nhưng lại nhút nhát không dám thổ lộ với anh. Tình yêu của Tươi được Dạ Ngân miêu tả thông qua cử chỉ thẹn thùng, vẻ e ngại mỗi khi nói chuyện với Thà: “Tươi bước theo Thà, một thoáng, đôi mắt cô lấp lánh, gương mặt đầy mụn ửng hồng. Nó còn đặc biệt vui sướng khi được “cặp bồ” với anh trong một ván Tulơkhơ. Những lúc đó nó gửi tới Thà ánh mắt tin yêu và những câu trao đổi bằng cái giọng âu yếm không cần che giấu” [29, tr.43]. Dạ Ngân rất chú trọng chọn lựa những chi

tiết đắt nhất để vẽ lên cái thần thái, cái đẹp cũng như khắc họa sâu đậm tâm trạng của từng nhân vật. Đối với nhân vật Tươi, Dạ Ngân chú ý miêu tả ánh mắt, đôi mắt. Đôi mắt ấy chứa đựng niềm hạnh phúc khi được ở gần người đàn ông mình đem lòng cảm mến. Ngoài việc sử dụng nghệ thuật miêu tả ngoại hình và hành động nhân vật, Dạ Ngân còn chú ý cách xây dựng tình huống truyện. Không như tiểu thuyết, truyện ngắn thường tập trung vào một tình huống/ tình thế, một chủ đề tư tưởng nhất định. Là cây bút già dặn trong nghệ thuật viết truyện ngắn, Dạ Ngân thường chọn cho mình một cách xây dựng tình huống truyện chứa đựng những dấu ấn sáng tạo riêng. Trong một cuộc càn quét của địch vào căn cứ, Thà đã bị trọng thương khi dũng cảm cứu mọi người, trong đó có má của Phụng. Lúc anh nằm viện, Phụng đã tìm đến thăm, nhìn ngắm “vầng trán xanh xao của anh”, nhìn ngắm “cánh tay anh” và cô bắt gặp “những quầng nước nho nhỏ đang thấm dần vào bông băng”. [29, tr.48]. Trước hoàn cảnh đó đã ít nhiều đọng lại trong cô một tình yêu trắc ẩn, để rồi cô thì thào với Thà: “Em sẽ nuôi anh suốt đời” [29, tr.48]. Khi nghe lời đề nghị của Phụng, Thà chỉ “khẽ nhếch môi cười” [29, tr.48]. Nụ cười ấy dường như khiến Phụng run người. Anh biết Phụng nói ra lời nói trên chỉ vì “nghĩa vụ, sự tự giác trả ơn, sự thương hại hay gì gì nữa” [29, tr.48] trước tình cảnh đau thương của mình. Cái anh cần không phải là sự thương hại, cái anh cần là tình yêu chân thành. Để rồi, nhân duyên không bén, Thà có được cuộc sống hạnh phúc bên Tươi. Phụng cũng có gia đình riêng, chị thường ngắm cái ngôi nhà có niềm hạnh phúc vững vàng ấy, rồi lại ngẫm đến ngôi nhà của mình: “ngôi nhà giống như nhà của họ và của nhiều người khác ở chỗ nó lịch sự nhờ bàn tay tháo vát, vén khéo của chủ nhân nhưng nó khác ở độ nồng ấm bên trong nó” [29, tr.48]. Điều duy nhất an ủi chị lúc này là “họ đang hạnh phúc, những bạn bè một thời gian khổ của tôi” [29, tr.48]. Thông qua người kể chuyện nhân vật “Tôi”, Dạ Ngân đã phản ánh sâu sắc tâm tư, tình cảm của

con người trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Dù nguy hiểm luôn rình rập, nhưng trong họ luôn khát khao, tìm kiếm hạnh phúc đích thực của mình.

Trong quan niệm của Dạ Ngân, người phụ nữ luôn là sự kết tinh của mọi vẻ đẹp. Khi xây dựng nhân vật nữ, có khi nhà văn miêu tả trực tiếp, có khi gián tiếp, nhưng tất cả đều mang một vẻ đẹp giản dị, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam. Nhân vật Sa trong truyện Chuyện ở Pailin hiện lên qua con mắt miêu tả gián tiếp của nhân vật tôi, đó là người phụ nữ hết sức dịu dàng và xinh đẹp: “Tôi nhìn vào đôi mắt long lanh của cô bạn tôi” [29, tr.115] “những ngón tay trắng trẻo lùa vào mái tóc màu mỡ”, [29, tr.116] “Khuôn mặt thì nhỏ nhắn xinh xắn”. [29, tr.116]. Sa yêu Trung qua cuốn sách viết về anh. Đó là thứ tình yêu thiêng liêng như yêu lý tưởng. Nhưng thái độ lừng khừng của Trung lại làm Sa “băn khoăn”, lúc nào anh cũng cố tình tránh né Sa. Không chờ được nữa, Sa đã chủ động tìm đến chỗ Trung cùng với cô bạn. Nhưng trong suốt quãng đường từ cơ quan đến khu tập thể của Trung, cô như người mất hồn chỉ ậm ờ theo câu chuyện của cô bạn “đầu óc lơ mơ và miệng lúc nào cũng sẵn sàng cười. Đây là lần đầu tiên Sa đến nhà người yêu nên đôi chân lập cập thế nào mà chiếc xe ngã ra mất. Cô ta trả công tôi đã đến đỡ chiếc xe lên bằng cái đấm yêu vào lưng” [29, tr.120]. Khi phát hiện Trung đã lập gia đình và có một đứa con, Sa luôn có sự giằng xé đấu tranh và đắn đo trên con đường đi tìm hạnh phúc: “Cô ngã ngật ra lưng ghế, cắn cắn môi, mắt nhắm nghiền, một giọt nước lăn xuống thái dương. Tôi đứng dậy, đặt vào tay bạn chiếc khăn rồi ngoảnh mặt đi, không dám nhìn đôi môi run run bị kềm chặt dưới hàm răng. Phút chốc, tôi và cả thế giới này như không còn tồn tại mà chắc trong đầu bạn tôi chỉ lơ lửng hai tiếng thằng nhỏ khó hiểu nào đó” [29, tr.120].

Sau cuộc tình đổ vỡ đó, trái tim đa cảm của cô một lần nữa rung lên khi lần đầu gặp Quang- một bác sĩ quân đội. Không e dè, không đợi chờ, cô đã

bộc bạch với bạn về việc chủ động “viết thư” cho bác sĩ Quang: “mình viết thư cho ảnh đây”[29, tr.131] để giãi bày nỗi lòng của mình. Nếu không chủ động bày tỏ trong tình yêu, Sa đã không có được hạnh phúc trong chiến tranh khi mà những cuộc gặp gỡ và chia ly đều không ai biết trước được điều gì.

Bên cạnh những nhân vật được miêu tả gián tiếp như Sa thì nhiều nhân vật được Dạ Ngân khắc họa trực tiếp như nhân vật Lệ Thương trong truyện

Đường dây một người, cô giáo Dung trong truyện Đêm cuối tuần, người đàn bà trong truyện Sống với nhớ thương. Dạ Ngân ít khi bao quát hay tả chi tiết chân dung, ngoại hình nhân vật mà thường chú ý các chi tiết tạo ấn tượng. Đó có thể chỉ là màu mắt, dáng ngồi hay mái tóc của nhân vật. Đây được xem như thủ pháp “nhìn cây thấy rừng” của Dạ Ngân vì chỉ cần sơ lược một vài đường nét, nhân vật cũng đã được cá biệt hóa, dễ nhận ra trong trường liên tưởng của người đọc. Những chi tiết đó không chỉ giới thiệu về vẻ đẹp gợi cảm, nữ tính của nhân vật mà xa hơn còn để nói rằng: chiến tranh có thể tàn phá, hủy hoại mọi thứ, nhưng dường như trong buổi chiều có mái tóc đẹp ấy, chiến tranh đã lùi xa! Bằng phương thức thể hiện khác nhau, mỗi nhân vật trong truyện của Dạ Ngân đều mang một vẻ đẹp và nỗi niềm khác nhau, tạo nên sự phong phú trong tâm lý nhân vật.

Lâu nay, chúng ta luôn khắt khe với “người thứ ba” trong tình yêu. Nhưng khi đọc Người duy nhất thì ta lại cảm thông cho tình cảm của Duệ - cô gái đem lòng yêu Liêm, người đã có vợ con ở ngoài Bắc. Ta thấy có thoáng chút Dạ Ngân trong nhân vật của bà. Phải chăng vì thất bại trong hôn nhân đầu và niềm khao khát được sống đúng nghĩa tình yêu nên Dạ Ngân đã rất thành công khi đặc tả tâm trạng của nhân vật. Nội tâm Duệ được bộc lộ qua thủ pháp nghệ thuật miêu tả tâm lý và xây dựng tình huống nhận thức.

Duệ sống hết mình trong tình yêu, cô chỉ tôn thờ một tình yêu dù biết đó là sai lầm. Duệ cũng giống Sa trong truyện Chuyên ở Pailin đều đem lòng

yêu người đã có gia đình và trách nhiệm với gia đình. Có lẽ vì quá yêu Liêm nên Duệ chấp nhận chờ đợi anh trong nỗi nhớ nhung “thứ nhớ này giống như thời tiết trước mùa mưa”[33, tr.159]; “bao giờ cũng những ý nghĩa lẩn quẩn Liêm Liêm Liêm, như Liêm là cả quả đất” [33, tr.160]. Vì nhớ, vì yêu, nên trong tâm trí nàng lúc nào cũng là hình ảnh Liêm. Trên đường trở về Cần Thơ, Duệ vô tình gặp người đàn ông làm kiến trúc sư trạc tuổi Liêm và có vẻ ngoài rất giống Liêm. Họ bắt chuyện với nhau và quen nhau. Chị cứ ngỡ người đàn ông xa lạ này có thể xoa dịu nỗi nhớ nhung về Liêm trong lòng chị. Nhưng khi đi bên cạnh anh, lòng chị lại bồng bềnh bao nỗi khắc khoải không nguôi nhớ về Liêm, để nhiều lần chị tự hỏi: “chẳng lẽ sự khắc khoải của thể xác lại không có được gờ ram đau khổ nào so với sự khắc khoải của tinh thần sao?” [33, tr.166]. Với lối nghệ thuật độc thoại nội tâm, người đọc sẽ thấy rõ hơn nội tâm của Duệ, một cô gái sống hết mình với tình yêu, dù là sai lầm.

Đặt nhận vật Duệ vào cuộc gặp gỡ tình cờ với người đàn ông giống Liêm, Dạ Ngân đã làm rõ nội tâm của nhân vật. Đây có thể coi là tình huống nhận thức của nhân vật. Vào một thời điểm, một khoảnh khắc chứa đựng những sự kiện có thể khiến cho Duệ “giác ngộ” vấn đề. Xây dựng tình huống anh kiến trúc sư ngỏ ý được đưa Duệ về bằng xe máy sau khi xuống ô tô. Khi vào tới ngôi nhà anh ta để xe, những gì Duệ linh cảm sau cánh cửa đã xảy ra. Ở tình huống này, người đọc thấy được tâm lý và nhân cách của nhân vật. Duệ đã choàng tỉnh, cô nhận ra rằng chỉ có Liêm mới có thể “đốt cháy” mình, chứ không phải ai khác. Duệ đã không bị cám dỗ trước cơn gió lạ của người đàn ông kia, đó cũng chính là lúc Duệ khẳng định được sự chung thủy trong tình yêu mà cô dành cho Liêm. Và cứ thế Duệ chờ đợi, khát khao, nhớ nhung cháy bỏng về một tình yêu vô vọng. Chính điều đó đã chứng tỏ chị là con người luôn khát khao một tình yêu, hạnh phúc cho chính bản thân, dù chị biết phải trải qua nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tâm hồn.

Khát vọng hạnh phúc không chỉ mãnh liệt ở những người phụ nữ mà còn cháy bỏng ở người đàn ông, ví như nhân vật Định trong truyện Sống với nhớ thương. Anh nhớ lại lần cuối cùng bên Nhi, người yêu của anh “Anh không thể quên, không thể quên lần đó, khi biết anh trở về “R” Nhi chỉ hỏi: “Thế nào anh cũng trở xuống với em chớ?” anh gật đầu mấy lần liền và hôn đắm đuối lên đôi môi vừa nói ra một câu hết sức nhẹ nhàng mà đầy sức mạnh cầu khẩn ấy. Nhi nằm xuống lớp dừa liên tiếp, trang trọng đưa hai tay ra: “Anh hãy lấy và mang theo cái mà anh đáng được lấy” [30, Tr.97]. Và trong khoảng khắc ấy, anh là người hạnh phúc nhất thế gian.

Cuộc đời lắm thăng trầm và truân chuyên, bằng sự từng trải của chính bản thân, Dạ Ngân đã trải lòng mình trên những trang truyện. Đặc biệt, khi viết về nhân vật khát khao yêu thương, Dạ Ngân luôn dành sự cổ vũ và cái nhìn ưu ái đối với nữ giới. Chính điều đó đã mang lại cho bà sự thành công khi xây dựng nhân vật này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 43 - 49)