Nhân vật tha hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 49 - 57)

6. Cấu trúc luận văn

2.3. Nhân vật tha hóa

Tha hóa là khái niệm chỉ hiện tượng “con người biến chất đi thành xấu” [64, tr.787]. Ở Việt Nam, kiểu nhân vật này cũng xuất hiện khá nhiều trong khuynh hướng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1945-1954 với các tác giả tiêu biểu như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… Đến giai đoạn 1954 - 1975, chịu sự chi phối của lịch sử, các nhà văn ít xây dựng kiểu nhân vật này. Sau 1975, chiến tranh kết thúc, đời sống con người trở về trạng thái bình thường. Cuộc sống sau đổi mới với những vấn đề còn bất cập trong đời sống, đã tác động mạnh mẽ đến con người, làm cho họ không còn giữ được những bản tính tốt đẹp.

Khảo sát truyện ngắn Dạ Ngân viết sau năm 1975 chúng tôi thấy, Dạ Ngân đã có dụng ý xây dựng nhân vật tha hóa, bên cạnh nhân vật chủ lực là khát khao hạnh phúc và bi kịch đời tư. Hệ thống nhân vật tha hóa được nhà

văn tái hiện khá đầy đủ về mọi tầng lớp người trong xã hội. Sự tha hóa của nhân vật trong truyện chủ yếu thể hiện ở khía cạnh con người biến chất trở thành “phi nhân tính” trước hoàn cảnh sống.

Nhân vật tha hóa ở đây là những kẻ hoặc tham lam tiền bạc, vật chất chạy theo lối sống sa đọa, thực dụng tầm thường, hoặc tham vọng quyền lực đỉnh cao. Với sự nhạy bén và tỉnh táo, Dạ Ngân đã tạo được cái nhìn riêng về một thế giới mà ở đó, đồng tiền và quyền lực lên ngôi thượng đế. Cũng viết về những gì rất đời thường nhưng độ sắc trong những trang viết của Dạ Ngân ở chỗ nhà văn dám dũng cảm nhìn thẳng vào những “mặt cắt của dòng đời” (Nguyễn Minh Châu), những nghịch cảnh trớ trêu của cuộc sống. Bút lực của Dạ Ngân lộ rõ khi xây dựng chân dung những nhân vật bị tha hóa, biến chất bởi đồng tiền và quyền lực. Hai Quyền trong truyện Thi vị cuộc đời là người đại diện cho kiểu nhân vật tha hóa bởi quyền lực, đồng tiền, lợi ích cá nhân. Một ông chủ nhiệm trại lúa giống, ông luôn yêu cầu mọi người phải sống trung thực, nhưng bản thân ông ta lại đi cấu kết với bọn ăn cắp để hòng trục lợi cho bản thân. Đối với nhân vật này, xuyên suốt câu chuyện Dạ Ngân không hề để người đọc thấy được ngoại hình, sự tha hóa của nhân vật được bộc lộ thông qua thái độ, tính cách. Dạ Ngân chú ý tô đậm thái độ của nhân vật bằng kỹ thuật tạo tình huống truyện để nhân vật bộc lộ. Việc cô kỹ sư trẻ phát giác tay trưởng phòng trại cấu kết với đồng bọn ăn cắp đồ trong kho lên trình báo với chủ nhiệm, khi cô không hề biết tay chủ nhiệm cũng a tòng trong vụ đó.

Để xây dựng kiểu nhân vật tha hóa, điều quan trọng của tác giả là chú trọng miêu tả các hành động ứng xử của nhân vật trong các mối quan hệ. Cách ứng xử để Hai Quyền bộc lộ rõ bản chất được Dạ Ngân đặt trong tình huống đối thoại giữa hắn và cô kỹ sư trẻ. Tình huống đối thoại giúp cho nhân vật bộ lộ tình cảm, ý nghĩ của mình, và thông qua tình huống đó, bản chất của

nhân vật được người đọc nhận ra.

“Bằng giọng nói cố gắng ngọt dịu, ông ta đã trách nhẹ chị sao không “ nói thẳng với tôi mà đi nói với phó này, phó nọ”.

- “Sao, đầu đuôi thế nào, cô kể hết tôi nghe đi!”.

- “Theo cô, họ tẩu tán đồ ăn cắp bằng đường nào? Chủ nhiệm lo lắng hỏi

- Chắc là đường xuồng thôi anh. Dễ gì tụi nó chở bằng xe ba gác, phải sợ công an chớ

- Chủ nhiệm gật gù, mỉm cười đắc thắng. Sao ông ta lại cười như vậy” [29, tr.87].

Một lần nữa thủ pháp nghệ thuật đặc tả điểm, nét đặc sắc của nhân vật lại được nhà văn sử dụng như một thủ pháp đắc dụng trong các truyện ngắn. Khi thì tác giả lột tả vẻ đẹp thánh thiện của người phụ nữ trong chiến tranh, khi thì lột tả sự tha hóa của lớp người chức quyền thời hậu chiến. “Cười” thường biểu lộ sự thích thú, chấp thuận, vui vẻ của con người, nhưng nét “cười đắc thắng” kết hợp với hành động “gật gù” của Hai Quyền lại cho ta cảm giác nghi ngờ và dối trá. Chỉ một nét chấm phá nhỏ nhưng toàn bộ bản chất của con người lại được bộc lộ rõ nét trong sự cảm nhận của người đọc.

Vì lợi ích của bản thân mà dùng thủ đoạn để đẩy trách nhiệm, quy kết tội cho anh thủ kho: “Không đáng tin cậy đâu! – Chủ nhiệm cắt lời Tâm - Quyền lợi vật chất nó gắn bó người ta lại” [29, tr.88], “Đối với những người có quá trình công tác, ta nên thận trọng…” [29, tr.88]. Và những lời xảo ngôn tưởng như che chở bênh vực, hóa ra lại là lời đe dọa cấp dưới một cách trắng trợn: “chuyện của cô và chú Thanh, trên Công ty hỏi thăm tôi rồi đó, nhưng tôi che chở hết, cô yên tâm đi” [29, tr.89]. Tiền và quyền đã khiến hắn mất đi bản tính của một con người.

được nhà văn khắc họa đậm nét thông qua hành động và thái độ của ông đối với bệnh nhân, qua đó làm nổi bật những nét xấu xa của con người này. Nếu ở nhân vật Hai Quyền, nhà văn làm mờ đi ngoại hình, thì ở nhân vật này tác giả lại miêu tả hắn bằng giọng văn mỉa mai: “Ông ta phẳng phiu đến mức gần sáu mươi tuổi rồi mà cả bộ mặt không có nếp nhăn trằn trọc nào” [33, tr.136]. Sở dĩ ông ta được như vậy là bởi cái thóai quen “bất thành văn” của những kẻ quyền cao chức trọng trong xã hội khi xử lý mọi vấn đề của công việc bằng “thủ tục phong bì của người bệnh và các khoản xây dựng liên hồi kỳ trận ở đây” [33, tr.136]. Bản chất hám lợi của ông ta còn được bộc lộ qua thái độ đối xử bệnh nhân, và cách ông trục lợi từ bệnh viện. Đó là việc xây dựng những bức tường cao lớn “hơn tường của nhà tù hoặc nhà thờ” [33, tr.137] xung quanh bệnh viện, chẳng vì mục đích yên tĩnh, cách ly với bên ngoài, mà nhằm mục đích kinh doanh của vợ ông: “Thì ra, để căng tin này có khách thì tường bệnh viện phải thật cao” [33, tr.138] để những căn chòi bên kia vách cứ phải tham gia cái trò mèo vờn chuột lâu nay. Đối với những người đưa phong bì, hoặc những vị khách là bà con với quan chức nào đó của chính quyền thì lập tức được ông và lũ nhân viên của ông chào đón nồng nhiệt “Ta vẫn bị săn đuổi để được chăm sóc. Vì con cháu Ta là con cháu của một ông quan đứng đầu thị xã, Ta là vợ cũ của một người trong bộ tam tam mà không thuộc cấp nào ở địa phương dám lơ là” [33, tr.141]. Còn đối với nhân viên, những con người khốn khổ, làm những việc “khốn khổ” thì dường như ông chẳng hề bận tâm đến đời sống của họ. Thậm chí một đứa bé còn nhỏ phải đi ngủ ở cái nơi dơ bẩn đầy mùi nước tiểu và phân, ông vẫn mặc nhiên như là không có gì “Con của cháu còn nhỏ phải đem theo mà giám đốc lại không cho ngủ ngoài hành lang kia. Cháu trông coi với bán vé cho nhà vệ sinh này” [33, tr.139] “Chồng cháu cũng đương coi một nhà vệ sinh của phòng trực ngoài kia” [33, tr.139]. Với cái nhìn thẳng thắn nhà văn đã vạch trần thói ham danh, tính vụ

lợi cũng như bản chất thực dụng đang tồn tại trong mỗi con người. Trong quá trình xây dựng nhân vật tha hóa, nhà văn luôn tô đậm thái độ của họ trước sự hấp dẫn của đồng tiền. Vì tiền mà mất đi tình người và nhân cách, đấy chính là hình ảnh vợ chồng ông cán bộ đầu hói trong truyện Khoang tàu chật quá. Dạ Ngân xây dựng nhân vật này bằng bút pháp châm biếm, mỉa mai tạo tiếng cười đả kích:

“Gã chừng năm mươi lăm tuổi, tầm thước, gồ ghề, ghi lê nhiều khóa khoác ngoài, cái phom người nếu không đi với bộ mặt ấy thì chắc không có vấn đề gì cho người khác. Vậy thì gương mặt ấy làm sao? Xin thưa, mọi thứ ở nó cùng toát lên sự tăm tối, bỉ ổi, nhất là cái trán hói khi nhìn gần, nó như được dán bằng ni lông bóng và nó bó cứng trong sự độc địa như là bẩm sinh” [33, tr.185-186].

Nếu ở hình tượng nhân vật nữ, nhà văn dành cái nhìn ưu ái khi miêu tả về họ thì đối với những nhân vật tha hóa, tác giả đã miêu tả trực diện những nét xấu xa của nhân vật. Nhưng ở hai kiểu nhân vật này, chúng ta đều bắt gặp một thủ pháp nghệ thuật chung đó là chú ý đặc tả chi tiết. Chi tiết “Cái trán hói” của gã cán bộ, cái trán ấy đích thực không phải biểu thị cho con người chân thật, nó như một nhân chứng cho sự tham quyền, trục lợi, bỉ ổi của con người tha hóa. Sự tha hóa của nhân vật còn được Dạ Ngân thể hiện thông qua thủ pháp miêu tả hành động và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Nhà văn đã đặt nhân vật vào trong các mối quan hệ với những người xung quanh để bộc lộ bản chất bên trong của nhân vật. Thủ pháp này sẽ phát huy hiệu quả nghệ thuật của nó qua các màn đối thoại và độc thoại. Trong truyện, khi nhìn thấy đôi trai gái tật nguyền giúp đỡ nhau trong khoang tàu, thay vì giúp họ thì lão lại buông lời mỉa mai: “Hai người mà có một rưỡi, hay nhỉ? [33, tr.181] hay cách phản ứng của lão khi cô gái không trả lời câu hỏi của lão: “- Cháu dân Hải Phòng? Cô gái mím miệng lắc đầu, không nói. –Trả lời thì chết à? – gã trách cứ, thô bạo”

[33, tr.186]. Từ lời nói trên, ta có thể thấy lão là một người vô văn hóa, cái vô văn hóa đó còn được thể hiện ở những hành động tiếp theo của lão đối với mọi người trong khoang tàu:

“Gã chiếm lấy bàn ăn và một góc giường của ông cụ, mời chiếu lệ mọi người rồi nhẩn nha ăn, có cả rượu Tây đựng trong một cái chai dẹp mang theo. Nhìn gã ngồi khuỳnh khoàng đã thấy chướng mắt, ở đây còn xé, nhai, và nốc nữa thì thật là tối tăm mặt mũi” [33, tr.187]. Chọn cho mình điểm nhìn có thể quan sát và tái hiện toàn bộ hành động của nhân vật “ngồi khuỳnh khoàng, xé, nhai và nốc”, Dạ Ngân đã trực tiếp chỉ ra cho độc giả thấy được bản chất thô lỗ của hắn, chỉ có những kẻ vô học, đi lên bằng sự lọc lừa mới có cái dáng vẻ kệch cỡm như thế.

Đọc Khoang tàu chật quá, người đọc còn ngỡ ngàng bởi sự lạnh lùng và vô cảm của vợ chồng lão trước cái chết của người xấu số: “người ta đã tìm thấy dưới cái giếng cạn bỏ không mấy cái xác bị lấp vôi. Trong lúc công an đào lên, dân chúng tò mò bu đen bu đỏ, có bà vợ của một ông cán bộ đã nghĩ ra kế bán vé cho người ta đứng trên sân thượng nhà bà để xem cho rõ” [33, tr.192-193]. Thay vì tỏ ra thương xót cho người đã chết, thì họ lại lợi dung điều đó để “ban ơn” cho người sống “được” chứng kiến cái chết của đồng loại: “chúng bán vé, mụ ta bán vé, kinh khủng, sao chúng có thể nghĩ ra một cách kiếm tiền kiểu Tê-nác-đi-ê thế không biết” [33, tr.193]. Ở nhân vật người vợ của lão cán bộ đầu hói này ta thấy có sự gặp gỡ tương đồng với nhân vật Diệu trong Người và xe chạy dưới ánh trăng của Hồ Anh Thái, cũng có chồng là trợ lý Bộ trưởng, bà ta là kẻ tham lam cơ hội. Bà lợi dụng lòng tốt và sự ngây thơ của mọi người để âm mưu chiếm đoạt nửa căn phòng đã mượn của My. Thói tham lam đã biến bà trở thành kẻ lừa dối, mất nhân cách, đạo đức và danh dự.

Nhân vật cậu Hai trong Thời gian vĩ đại - một sản phẩm sự tha hóa khác trong xã hội. Ở nhân vật này, Dạ Ngân đặc biệt quan tâm đến hành động

ứng xử của hắn trong cuộc sống, qua đó làm rõ hơn sự đểu cáng của tên trí thức thời kỳ sau đổi mới bị tha hóa bởi quyền lực và chỗ đứng trên vũ đài chính trị. Nhân vật cậu Hai được nhà văn khắc họa hết sức lịch lãm: “người ấy có gương mặt rắn rỏi, nước da nâu lý tưởng, phong độ cứ như diễn viên điện ảnh biết mình được ngưỡng mộ, riêng đôi mắt thì đặc biệt đen, đen rong róc như lúc nào cũng sóng sánh chữ nghĩa dưới đôi mày rậm mướt như nhung”[33, tr.9]. Nhưng đó chỉ là những nét phác thảo đơn giản của nhà văn về nhân vật, từng đó chưa đủ để vẽ ra diện mạo của một nhân vật tha hóa cụ thể, không đủ sức mạnh để nhấn sâu vào tâm thức độc giả ấn tượng về nhân vật tha hóa. Để làm rõ sự thối nát bên trong, Dạ Ngân đi sâu miêu tả các mối quan hệ và ứng xử của hắn đối với người xung quanh. Khi người yêu muốn công khai tình cảm thì hắn lại không đồng ý, hắn liền già mồm thanh minh với cấp trên vì sợ ảnh hưởng danh dự của bản thân: “Tôi oan lắm, anh Tư! Nếu có gì chắc cũng đơn phương chút đỉnh từ cô bé kia thôi” [33, tr.12]. Đối với hắn, tình yêu chỉ là vật tô điểm cho cuộc sống của mình, hắn đến với người khác chỉ vì sự hiếu kỳ lợi dụng lẫn nhau trong con đường chính trị. Người hắn chọn không phải một cô nhà báo nghèo, mà là một cô luật sư xông pha của đất Sài Gòn. Hắn đến với cô ta chỉ vì: “Cô N này quả có cái đầu nhưng là cái đầu thép! Anh cũng muốn lấy cô ta để trị thử coi sao” [33, tr.13]. “Trị” là hành động để huấn luyện nhưng ở đây, nhân vật lại sử dụng trong việc “kết hôn” để “trị”, ý nghĩa trên cho thấy sự đốn mạt trong suy nghĩ. Việc kết hôn không phải xuất phát từ tình yêu thương: “Không ai đến với tình yêu và hôn nhân bằng cái ý thức khốn nạn kiểu anh” [33, tr.14], mà xuất phát từ ý nghĩ muốn “trị” người khác.

Chọn cho mình điểm nhìn thông qua cách đánh giá của nhân vật khác, Dạ Ngân đã thể hiện rõ sự tha hóa của nhân vật: “quái, sao có những điếu thuốc dở dang tới một nửa? Chỉ có thuốc chùa, thuốc quỹ, thuốc không mất

tiền, thuốc của thói mua bán hợm mình người ta mới đối xử xả láng như vậy” [33, tr.16]. Hắn trong mắt người khác cũng chỉ là những bọn quan quyền ăn hối lộ. Với đồng lương công chức thì làm sao có được những thứ xa xỉ ấy nếu như không đục khoét của dân. Với lối xây dựng nhân vật như vậy, nhà văn đã lưu lại trong lòng độc giả một ấn tượng sâu sắc về kiểu nhân vật tha hóa bởi quyền lực.

Những đứa con trong truyện Người của mỗi người không được nhà văn khai thác ở khía cạnh ngoại hình, nhưng sự tha hóa của họ lại được hiện ra qua hành động, cách đối xử với mẹ. Họ coi việc nuôi dưỡng mẹ như là gánh nặng và đùn đẩy cho nhau. Đó là cô con dâu lúc nào cũng chanh chua, luôn xem bà như người ăn kẻ ở trong nhà: “Lần này nàng dâu im lặng, chỉ có tiếng múc nước chàn chạt, tiếng cái ấm nhôm dằn mạnh trên thành bếp đáp lại sự quan tâm của bà. Sau đó tiếng chân vang động của nàng lướt qua, như bà chủ đang lướt qua một con sen vô tích sự” [30, tr.56]. Còn anh con trai thì bất lực trước hành động của vợ dành cho mẹ và cũng muốn đùn đẩy trách nhiệm nuôi mẹ qua người em gái: “Thằng Huy đâu? Ra nói với nội, nếu muốn, nội qua nhà cô Ba chơi ít bữa đi” [30, tr.60]. Cô con gái thì vì sĩ diện trước bạn bè của chồng, nên cũng không cho bà nán lại mà tìm cách đưa bà qua ở nhờ nhà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng thi pháp truyện ngắn dạ ngân (Trang 49 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)